Giải ngân 10 tháng đầu năm mới đạt 55,8% kế hoạch

Báo cáo với Quốc hội về tình hình giải ngân vốn đầu tư công để chuẩn bị cho phiên trả lời chất vấn (dự kiến ngày 11-11), Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự kiến giải ngân đến 31-10-2021 đạt 257.387,17 tỷ đồng, bằng 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 67,25%), trong đó vốn trong nước đạt 60,89% (cùng kỳ năm 2020 là 72,57%), vốn nước ngoài đạt 15,29% (cùng kỳ năm 2020 đạt 30,15%).
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Nêu cụ thể hơn về tiến độ thực hiện một số dự án quan trọng quốc gia, người đứng đầu ngành KH-ĐT thông tin, với dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, số vốn giải ngân đến thời điểm báo cáo là 10.091,495 tỷ đồng, đạt 65,8% kế hoạch năm 2021 được giao.

Về bàn giao mặt bằng, tái định cư và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật: Đã bàn giao mặt bằng với chiều dài tuyến 645,3km/652,86km (đạt 98,8%); hoàn thành 77/83 khu (đạt 92,8%); đang triển khai thi công 5 khu, dự kiến hoàn thành trong quý III-2021. Riêng 1 khu tái định cư thuộc dự án Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đang triển khai công tác thiết kế, dự kiến hoàn thành công tác xây dựng vào cuối năm 2021 (hiện nay địa phương đã bố trí tạm cư).

Về tình hình triển khai thi công, hiện đã khởi công xây dựng 10/11 dự án thành phần, còn lại 1/11 dự án thành phần (đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đầu tư theo hình thức PPP) đang chuẩn bị khởi công xây dựng.

Với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương đã giao cho dự án là 22.855,035 tỷ đồng (trong đó năm 2021 là 4.660 tỷ đồng).

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước đến thời điểm báo cáo, dự án đã giải ngân là 12.116,149 tỷ đồng, đạt 53,01% kế hoạch đã giao, trong đó kế hoạch năm 2021 giải ngân là 886,522 tỷ đồng, đạt 19,02%.

Thừa nhận tiến độ giải ngân như vậy là chậm, ông Nguyễn Chí Dũng lý giải, có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại từ lâu như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu; việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh một lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu; tính chất đặc thù của chi đầu tư, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn…

Bên cạnh những nguyên nhân cố hữu nêu trên, năm 2021 là năm chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, nhân sự gắn với đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND các cấp; năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới.

Theo đó, những tháng đầu năm 2021 chủ yếu là kiện toàn nhân sự chủ chốt và thực hiện các bước chuyển tiếp của giai đoạn trước. Đối với các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025 tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư những tháng đầu năm và chỉ triển khai thực hiện sau khi được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Năm 2021 cũng là năm rất đặc biệt bởi chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch như vậy và cũng chưa bao giờ nhiều tỉnh, thành, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc như năm nay.

Nêu rõ một số vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật, Bộ trưởng Dũng dẫn chứng: quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019 về thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án chuyển tiếp nhóm A sử dụng vốn ngân sách địa phương (theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014 thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, nhưng theo Luật Đầu tư công năm 2019, nội dung này thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh); thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài…

Bất cập này, theo Bộ trưởng, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp chung trình Chính phủ trong Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 10 luật.

Một số quy định ở một số nghị định chưa thống nhất nên gây ra vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án như quy định về thủ tục cấp phép nhập cảnh cho các chuyên gia dự án ODA; quy định về thẩm định các bước trong quy trình thực hiện dự án...

Bên cạnh đó, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án... nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA.

Về chủ quan, công tác chuẩn bị thủ tục cần thiết để giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho các dự án tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn thiếu chủ động, nhiều dự án chuyển tiếp đã quá thời gian quy định; trong công tác tổ chức triển khai thực hiện, các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét…

Xem xét phương án giảm chi phí dịch vụ thiết yếu như điện, xăng từ 10-30% 

Theo Báo cáo số: 7664/BC-BKHĐT ngày 5-11-2021 gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, có 90.291 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong 9 tháng đầu năm 2021 là 12.802 doanh nghiệp, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2020. 12/17 ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng.

Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là: khai khoáng; sản xuất phân phối, điện, nước, gas và nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản với tỷ lệ tăng lần lượt là 115,4%; 82,4% và 36,8%.

Mặc dù Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành kịp thời nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, song quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp, chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp; chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và phía cầu của nền kinh tế.

“Cần sớm ban hành và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, bắt kịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới”, báo cáo của Bộ trưởng KH-ĐT nhấn mạnh.

Về phía Bộ KH-ĐT, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP, 125/NQ-CP, 128/NQ-CP và các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, Bộ nêu đề xuất: “Văn phòng Chính phủ có hướng dẫn chấp thuận các văn bản scan, gửi trực tuyến (online) để được giải quyết các thủ tục phục vụ sản xuất kinh doanh và hành chính cho tới khi thực hiện dịch vụ công cấp độ 4”.

Trong phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của mình, Bộ KH-ĐT sẽ khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tiếp tục tham mưu, đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Khẩn trương hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26-8-2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời tăng cường cho vay ưu đãi thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phi tài chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025; triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; sớm hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 cũng là những giải pháp đã được người đứng đầu Bộ KH-ĐT cam kết chỉ đạo thực hiện.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức từ 10-30%. Bộ Xây dựng được đề nghị khẩn trương nghiên cứu dự thảo quy định về trường hợp bất khả kháng đối với các dự án, công trình chịu tác động trực tiếp các biện pháp chống dịch Covid-19, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung về hợp đồng xây dựng, làm cơ sở điều chỉnh thời gian thực hiện theo Điều 61 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm hoàn thành các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP về giảm miễn nộp đoàn phí công đoàn cho đoàn viên tại doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được giảm đóng kinh phí công đoàn trong năm 2021 và 2022 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các địa phương cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế/kế hoạch mở cửa. Đồng thời, cùng với doanh nghiệp nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; hạn chế tối đa việc đóng cửa toàn nhà máy; tăng cường đối thoại giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đánh giá thực chất quá trình xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục