Công ty CP Cấp nước Tân Hòa (trực thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn) đang triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, kinh doanh nước sạch để thay thế dần các cách làm thủ công hoặc công nghệ đã lạc hậu. Cùng với giải pháp quản lý phù hợp thì giải pháp công nghệ đã mang lại kết quả tích cực trong công tác kéo giảm nước thất thoát, thất thu.
Nhân viên Công ty CP Cấp nước Tân Hòa kiểm tra dò bể đường ống trên mạng lưới cấp nước
Đọc số thông minh
Phụ trách địa bàn cấp nước quận Tân Bình, Tân Phú (trừ phường Phú Trung) và cấp nước cho một phần của phường 10 quận Phú Nhuận, Công ty CP Cấp nước Tân Hòa hiện đang quản lý khoảng 146.000 đồng hồ nước. Bà Trầm Thị Cẩm Vân, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Tân Hòa, nhận xét quá trình đọc chỉ số đồng hồ nước thủ công đã bộc lộ khá nhiều hạn chế, đặc biệt là sai lệch số liệu, đọc phóng... Còn giải pháp đọc số bằng smartphone mà đơn vị triển khai những tháng qua đã mang lại các kết quả tích cực. Nhân viên đọc số ghi nhận kết quả chính xác từ đồng hồ khách hàng. Số liệu này sẽ được truyền ngay về hệ thống dữ liệu của công ty thông qua mạng di động 4G trên smartphone.
“Trong trường hợp đồng hồ nước của khách hàng bất thường, nhân viên đọc số có thể ghi nhận bằng cách chụp và gửi hình về ngay cho đội quản lý đồng hồ để kiểm tra và xử lý”, bà Vân cho biết và thông tin thêm ứng dụng đọc số bằng smartphone sẽ tự tính toán được lượng nước sạch tiêu thụ trong tháng, hạn chế sai sót do nhân viên tính toán bằng thủ công như trước đây. Ứng dụng này cũng kiểm soát được tình trạng đọc thiếu, sót địa chỉ của nhân viên. Qua đó, năng suất lao động và hiệu quả lao động tăng lên.
Trước đó, đơn vị này cũng đã thực hiện có hiệu quả việc đưa đồng hồ nước ra khỏi khuôn viên nhà khách hàng để tiện lợi trong công tác quản lý. Tính từ năm 2015 đến nay, công ty đã phối hợp với các địa phương thực hiện di dời hơn 54.000 đồng hồ nước. Kế hoạch đến năm 2020, công ty sẽ di dời toàn bộ đồng hồ nước của khách hàng ra bên ngoài.
Theo bà Trầm Thị Cẩm Vân, thời gian đầu thí điểm đưa đồng hồ nước ra bên ngoài, nhiều hộ dân thiếu thông tin nên không đồng ý. Nhưng đến thời điểm này, sau khi công ty làm tốt công tác tiếp xúc với chính quyền địa phương, tổ dân phố và đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động thì hầu hết người dân đều đồng thuận. Ngoài ra, nhiều phường còn gửi văn bản nêu kiến nghị của người dân được dời đồng hồ ra bên ngoài.
Cả 2 giải pháp nói trên đã đem lại hiệu quả cụ thể trong công tác giảm thất thoát nước vô hình (gian lận nước thương mại) và lượng nước tiêu thụ được tăng lên.
Không dừng lại ở đó, Công ty CP Cấp nước Tân Hòa còn thực hiện nhiều giải pháp lớn như ứng dụng mô hình nhân viên khu vực DMA (caretaker) và tập trung nguồn nhân lực cho công tác dò bể, rò rỉ trên mạng cấp nước. Bên cạnh thực hiện cấp định mức nước tiêu thụ cho người ở trọ, hỗ trợ người ở trọ sử dụng nước sạch với đơn giá nước sinh hoạt hợp lý, công ty cũng tiến hành rà soát và cấp giá biểu phù hợp trong việc sử dụng nước nhằm tính đúng, tính đủ, hạn chế tình trạng nước thất thoát, thất thu.
Tăng cường giám sát
Giải pháp nâng cao chất lượng vật tư, chất lượng thi công và công tác giám sát cũng được chú trọng. Theo phân tích, nguyên nhân xì bể làm thất thoát nước trên địa bàn do công ty quản lý thường do tét và gãy ống nhánh vì áp lực nước mạnh. Do vậy, thời gian qua công ty đặc biệt chú trọng công tác quản lý chất lượng vật tư cũng như chất lượng thi công, nhất là vật tư trước khi đưa vào thi công, tổ chức kiểm tra và nghiệm thu vật tư được thực hiện tại công trường.
“Trong trường hợp nghi ngờ, chúng tôi yêu cầu lấy mẫu vật liệu đi kiểm nghiệm ngay”, lãnh đạo đơn vị này cho biết.
Riêng công tác giám sát thi công công trình, theo yêu cầu, nhân viên giám sát phải chụp hình lại đầy đủ các giai đoạn thi công, từ khâu lắp đặt tuyến ống đến khâu tái lập phui đào.
Hàng năm, đơn vị đều có kế hoạch thay các tuyến ống gang cũ, mục; chú trọng nâng cao chất lượng thi công và công tác bít hoặc hủy tận gốc các tuyến ống đã cũ mục.
Ngoài ra, Công ty CP Cấp nước Tân Hòa cũng xây dựng các chương trình quản lý nhằm theo dõi diễn biến áp lực trên mạng lưới cấp nước, lưu lượng nước đầu vào hàng ngày để có thể đánh giá đúng tình trạng thất thoát nước, làm cơ sở để xử lý khắc phục.
Với những giải pháp trọng tâm trên đã kéo giảm đáng kể tỷ lệ nước thất thoát, thất thu nước trên địa bàn do đơn vị này quản lý. Nếu như năm 2015, tỷ lệ nước thất thoát vào khoảng 35% thì con số này đã được kéo giảm theo từng năm. Cụ thể, năm 2016 còn 28,65%, năm 2017 còn 22,65% và kế hoạch năm 2018 sẽ kéo giảm tỷ lệ nước thất thoát xuống còn 21%.
Tương tự, nhiều vụ gian lận nước cũng đã được phát hiện, xử lý. Cụ thể, trong năm 2015 công ty phát hiện và xử lý 32 trường hợp gian lận nước, thu hồi hơn 37.000m3 nước; năm 2016 phát hiện 8 trường hợp, thu hồi hơn 15.000m3; năm 2017 phát hiện 15 trường hợp, thu hồi hơn 31.000m3 và 7 tháng đầu năm 2018 phát hiện 3 trường hợp, lượng nước thu hồi hơn 6.000m3.
“Mặc dù vậy, công tác kéo giảm nước thất thoát, thất thu của đơn vị cấp nước này cũng đang đối diện không ít khó khăn khi công tác sửa bể ngầm chưa được sự hỗ trợ, thấu hiểu của một số khách hàng”, lãnh đạo đơn vị này chia sẻ.