
Quy hoạch, đền bù, giải tỏa, ngập nước, cung cấp nước sạch… là những bức xúc của cử tri TPHCM trước kỳ họp lần thứ 7 HĐND TPHCM (khai mạc vào ngày 11-7). Cử tri TPHCM đề đạt nguyện vọng: các sở, ngành chức năng TP cần giải quyết dứt điểm những điều đã hứa từ kỳ họp lần trước.
13 năm sống trong quy hoạch treo
Nhiều bà con khu vực chung cư đường sắt Lý Thái Tổ (quận 3) kiến nghị TP nhanh chóng cho biết nội dung quy hoạch khu vực này còn khả thi hay không vì đã “treo” gần 13 năm (do thay đổi chủ đầu tư), nhà cửa ngập nước, tường hư không sửa chữa được. Trong khi đó tại phường 15 (Tân Bình), phường Tân Thới Hiệp (quận 12), cử tri phản ảnh việc quy hoạch ở đây không công khai, dân không biết. Còn tại phường 28 (Bình Thạnh) bà con đề nghị TP xem lại việc quy hoạch nơi đây còn thực hiện nữa không? Vì khi người dân cầm chủ quyền nhà đi thế chấp vay tiền thì ngân hàng không cho, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống.

Gần 200 hộ dân trong khu vực dự án cảng sông Phú Định (quận 8) bức xúc vì sao việc giải quyết tái định cư từ năm 2001 đến nay vẫn chưa giải quyết xong, cuộc sống của bà con không thể ổn định được. Còn tại huyện Bình Chánh, đông đảo cử tri của phản ánh giá nhà ở các khu tái định cư quá cao so với tiền đền bù giải tỏa gây khó khăn cho người dân trong việc tái định cư. Cử tri kiến nghị TP xem xét nên cho dân tái định cư rồi hãy tiến hành giải tỏa; cần có phương án nâng giá đất nông nghiệp lên hợp lý hơn để nông dân bớt khó khăn. Cử tri hầu hết các quận huyện kiến nghị lãnh đạo TP cần quan tâm nhiều hơn vấn đề cải cách hành chính, nhất là thủ tục xin xây dựng nhà ở, hóa giá nhà, hợp thức hóa nhà, xin số nhà, lắp đặt điện kế điện tử… cán bộ thụ lý còn hướng dẫn lòng vòng, làm mất lòng tin trong dân.
Nước ngập, nước bẩn: Kéo dài quá lâu
Mới đầu mùa mưa, tình trạng ngập úng lại trở thành nỗi lo thường nhật của bà con. Ngành giao thông công chính thông báo, từ đầu năm đến nay, đã giải quyết được 9/25 điểm úng ngập, nhưng bà con thông tin lại: các điểm phát sinh… còn nhiều hơn thế, sao không thống kê? Rồi tình trạng, “be bờ này, phá bờ kia” (tức là thoát chỗ này, ngập chỗ kia) trở thành bài toán nan giải về thoát nước đô thị. Cử tri quận 8 “ấm ức” về việc chống ngập ở quận 6 thì quận 8 ngập thêm vì kênh Tàu Hủ chảy qua địa phận quận 8 không có lối thoát, nước dềnh cao hơn trước! Ở chân cầu số 2 đến khu vực đường Ngô Gia Tự bị ngập nước, học sinh không đi học được. Cùng chung nỗi lo nước ngập là tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh. Mới đây, cống thoát nước đường Hoàng Văn Thụ và đường Bùi Thị Xuân (phường 2, Tân Bình) không chịu nổi một cơn mưa to, làm ngập trên diện rộng, nước cống tràn ra đường gây mùi hôi thối rất khó chịu.
Tình trạng thiếu nước sạch, nước sạch hóa nước bẩn vẫn chưa được cải thiện. Cử tri quận 8 phàn nàn các đơn vị cấp nước Sài Gòn, Chợ Lớn thu tiền tiền nước bẩn như nước sạch; mặt khác có những hộ mặc dù có hộ khẩu thường trú nhưng chưa chuyển hộ khẩu đến nơi ở mới nhưng vẫn phải trả tiền nước 8.000 đồng/m3 là chưa hợp lý. Còn cử tri quận Tân Phú băn khoăn: cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc nước bị nhiễm bẩn? Sức khỏe người dân bị ảnh hưởng do nước nhiễm bẩn thì ai chịu trách nhiệm? Những khu dân cư nước bị nhiễm bẩn vẫn còn hy vọng có ngày nước sạch, nhưng nhiều nơi trông ngóng hàng chục năm nay mà không có đường dẫn nước sạch. Cử tri huyện Bình Chánh, Nhà Bè phản ánh nguồn nước ngầm dọc theo hương lộ 8 và xã Đa Phước bị ô nhiễm, vì vậy cần thiết lập hệ thống nước sinh hoạt tại khu vực này và kể cả dọc tỉnh lộ 10 chưa có nước sạch. Nhiều năm qua, bà con vẫn phải mua lại giá cao để dùng.
Theo thông báo của Thường trực HĐNDTP, tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND TP lần thứ 4, cử tri TPHCM mong muốn bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, có thể gọi điện qua hai số điện thoại 8.274.160 – 8.248.595, hoặc Email: gopyhdndtp@tphcm.gov.vn và website: www.hochiminhcity.gov.vn” |
TUẤN SƠN – TRẦN TOÀN