Để tổ chức ngành thủy sản thuộc doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả, có bộ máy điều hành quản lý mạnh, Bộ NN-PTNT đã có đề án hợp nhất 3 đơn vị gồm: Tổng Công ty (TCT) Thủy sản Việt Nam - Seaprodex, TCT Thủy sản Hạ Long, TCT Hải sản Biển Đông thành TCT Thủy sản VN (mới). Tuy nhiên, trong quá trình hợp nhất - thực hiện chủ trương “lột xác” TCT Thủy sản VN, nhiều người lao động thuộc TCT Seaprodex bức xúc phản ánh về việc họ bị cho nghỉ việc theo diện dôi dư chưa đúng với quy định của pháp luật lao động.
Trong đơn thư gởi Báo SGGP, nhiều người lao động cho rằng ban lãnh đạo TCT Thủy sản VN (mới) xử lý vấn đề nhân sự của khối văn phòng TCT Seaprodex thiếu khoa học, dân chủ và quy trình triển khai tái cơ cấu tổ chức bộ máy chưa đúng về nguyên tắc. Luật sư Phạm Quang Hiệp (Đoàn Luật sư TPHCM) có ý kiến: Việc TCT Thủy sản VN (mới) cho người lao động nghỉ việc sau khi sáp nhập là việc làm không phù hợp với đề án sáp nhập và tờ trình về việc này. Bởi vì, theo đề án hợp nhất 3 TCT nêu trên thì phương án xử lý nhân sự là lao động đang làm việc tại đây được giữ nguyên để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Các đối tượng lao động có nhu cầu xin nghỉ, chuyển công tác…, trước khi sắp xếp các công ty mẹ của 3 TCT Thủy sản được giải quyết theo quy định của Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội… Cần nhắc lại, trong nội dung tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sáp nhập này, Bộ NN-PTNT thể hiện quan điểm rất rõ là “hợp nhất trên cơ sở nguyên hiện trạng các TCT để sắp xếp thành bộ máy đủ mạnh tiến tới làm tốt nhiệm vụ sản xuất” và nguyên tắc hợp nhất là “sắp xếp lại một cách hợp lý bộ máy quản lý, điều hành trên cơ sở bộ máy quản lý, điều hành của 3 tổng công ty, bổ sung, tăng cường nhân sự để tạo nên bộ máy quản lý, điều hành mới hợp lý…”.
Như thế, việc cho người lao động nghỉ việc sau khi sáp nhập phải tuân thủ theo quy định hiện hành (áp dụng quy định tại Nghị định 110/2007/NĐ-CP ngày 26-6-2007 theo như kiến nghị trong đề án hoặc theo Nghị định 91/2010/NĐ-CP ngày 20-8-2010 đang có hiệu lực pháp luật).
Theo quy định của 2 nghị định này thì chính sách đối với lao động dôi dư không áp dụng khi doanh nghiệp nhà nước thực hiện việc sáp nhập, chia tách, hợp nhất. Trong trường hợp đặc biệt, đề án sáp nhập được duyệt và cho phép áp dụng chính sách dôi dư theo quy định tại nghị định nêu trên thì người lao động được tuyển dụng trước ngày 21-4-1998 có thể được nhận tiền trợ cấp, hỗ trợ nhiều hơn khi bị mất việc theo Luật Lao động hiện hành.
Như phản ánh của những lao động bị cho nghỉ việc thì trình tự xây dựng phương án giải quyết lao động dôi dư của TCT Thủy sản VN không phù hợp với quy định của 2 nghị định nêu trên. Bởi lẽ, phương án giải quyết lao động dôi dư phải được xây dựng theo từng bước cụ thể và thực hiện ngay sau khi đề án được duyệt chứ không phải sau khi được sáp nhập. Nếu vì lý do sắp xếp lại doanh nghiệp, TCT Thủy sản VN (mới) cho người lao động nghỉ việc thì phải áp dụng theo quy định của Luật Lao động (nếu không được cấp thẩm quyền chấp thuận đề án như trình bày phần trên).
Cụ thể, khi doanh nghiệp sáp nhập không sử dụng hết lao động hiện có thì phải lập phương án sử dụng lao động đối với từng trường hợp như số nào được tiếp tục sử dụng, tái đào tạo để sử dụng lại, cho nghỉ hưu và chấm dứt hợp đồng lao động. Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức công đoàn cơ sở và khi thực hiện phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh về lao động (theo Điều 6 NĐ 44 năm 2003 về hướng dẫn chi tiết, một số điều của Bộ luật Lao động. Việc TCT Thủy sản VN (mới) không tiến hành thủ tục cho người lao động nghỉ việc theo quy định của Luật Lao động thì BCH công đoàn cơ sở và người lao động có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự quy định của pháp luật.
KHÁNH HÀ