Sau gần 1 năm tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 11-9-2017 của UBND TPHCM về tăng cường trách nhiệm đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn TP, mới đây, Cảnh sát PCCC TPHCM đã có văn bản báo cáo lãnh đạo TPHCM về nội dung trên. Qua đó cho thấy, thực trạng vẫn còn hơn 97.000 nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy hiểm về cháy nổ.
3 nhóm nguyên nhân gây cháy chủ yếu
Trong 3 năm (từ 2015 đến 2017), toàn thành phố xảy ra 1.173 vụ cháy. Trong đó, nhà ở hộ gia đình chiếm 578 vụ, hộ kinh doanh 595 vụ; làm chết 24 người gây và thiệt hại về tài sản hơn 3 tỷ đồng.
Qua công tác điều tra, Cảnh sát PCCC TPHCM nhận thấy nổi lên 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu, đó là ý thức chấp hành các quy định về an toàn PCCC của chủ hộ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh không cao; người dân còn chủ quan, lơ là với công tác PCCC; vi phạm các quy định an toàn trong sử dụng điện. Phần lớn do sắp xếp hàng hóa dễ cháy ở khu vực kinh doanh tầng trệt, trên các lối đi lại; không có giải pháp ngăn cháy lan, chống tụ khói; tự ý lắp đặt thêm nhiều lớp cửa... nên đến khi có cháy xảy ra đã không thoát nạn được.
Đặc biệt, đa số vụ cháy xảy ra vào ban đêm và do không có hệ thống báo cháy tự động nên không phát hiện kịp thời, đến khi cháy lớn mới phát hiện, khiến nạn nhân dễ bị ngạt khói gây bất tỉnh và tử vong.
Bên cạnh đó, do không trang bị các phương tiện chữa cháy cơ bản, hoặc có trang bị nhưng thiếu về số lượng, cùng với việc không được kiểm tra bảo dưỡng định kỳ, lại thêm người dân không biết thao tác sử dụng để chữa cháy ngay khi ngọn lửa mới phát sinh nên không đạt hiệu quả như mong muốn.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình cháy nổ xảy ra tại nhà ở hộ gia đình và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Xác định trách nhiệm quản lý nhà nước
Một trong những thực trạng đáng lo ngại tồn tại lâu nay là việc quản lý nhà nước chưa được các cấp quan tâm đúng mức. UBND cấp phường, xã ở một số nơi chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình, các chế tài xử lý vi phạm chưa được quy định nên việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh quá nhiều, lại không được quy định trong danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC nên việc kiểm tra xử lý còn khó khăn.
Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về công tác PCCC để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Tuy nhiên, các văn bản pháp quy điều chỉnh với đối tượng nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh chưa cụ thể, khiến việc thực hiện hết sức khó khăn, nhập nhằng. Công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, khó thu hút dân. Nhưng nguy hiểm hơn cả là tâm lý chủ quan, xem nhẹ việc PCCC; bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện; lấn chiếm và làm mất tác dụng lối thoát nạn của nhiều người dân.
Trước những nguy cơ nói trên, Cảnh sát PCCC TPHCM chủ động tham mưu, đề xuất với UBND TPHCM nhiều giải pháp “mạnh tay” nhằm tăng cường công tác PCCC đối với nhóm đối tượng này trong thời gian tới. Trong số đó có nội dung tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC mạnh hơn trong thời gian tới. Tiếp tục duy trì công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình toàn bộ công tác an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và hộ kinh doanh trên địa bàn TP. Xác định trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Xây dựng quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và hộ kinh doanh. Tăng cường trách nhiệm cá nhân, hộ gia đình, các cơ quan, ban ngành trong công tác PCCC đối với loại hình này…
Những thông tin, dữ liệu đã thu thập được chính là cơ sở quan trọng để các cấp lãnh đạo và cơ quan chức năng của TP căn cứ vào đó có thể hoạch định ra những chủ trương, đường hướng đúng đắn, phù hợp yêu cầu thực tiễn nhằm giải quyết triệt để những nguy cơ gây mất an toàn PCCC tại hơn 97.000 nhà ở hộ gia đình và hộ kinh doanh có nguy hiểm về cháy nổ trong thời gian tới.
TPHCM hiện có 1.335.126 nhà ở hộ gia đình với 57.241 căn nhà có nguy hiểm về cháy nổ do xây dựng bằng vật liệu dễ cháy và hệ thống điện không đảm bảo an toàn. Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (gọi chung là hộ kinh doanh), TP có tổng cộng 294.085 hộ. Trong đó, 103.976 hộ chưa đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, vẫn còn 39.895 cơ sở thuộc nhóm đối tượng này tồn tại nhiều nguy hiểm về cháy nổ, như: cấu kiện xây dựng bằng các loại vật liệu dễ cháy; hệ thống điện không đảm bảo an toàn PCCC và hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến các loại chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ...