Trong đơn gửi đến Báo SGGP, bà con tiểu thương chợ Văn Thánh (phường 25, quận Bình Thạnh) bức xúc: “Hàng chục tiểu thương nhiều năm qua phải tồn tại trong cảnh mua bán thì ế ẩm, nhưng đi không được vì giá hỗ trợ, đền bù quá thấp”. Không riêng bà con tiểu thương sốt ruột, mà chủ đầu tư cũng như ngồi trên đống lửa, vì không có mặt bằng thi công.
Tiểu thương và chủ đầu tư... ngồi trên lửa
Chợ Văn Thánh được xây dựng từ năm 1994, nằm ở vị trí “đất vàng”, đắc địa. Đây là một trong những chợ có quy mô lớn ở TP. Chợ sau 10 năm hoạt động thì ngày 7-6-2004, UBND TP có văn bản (số 3253/UB) chuyển đổi công năng chợ. Ngày 29-11-2005, UBND TP ban hành Quyết định (QĐ) số 6033/QĐ chấm dứt hoạt động chợ Văn Thánh. Từ năm 2005, do không được tu bổ chợ bị hư hỏng, xuống cấp nặng, còn hàng chục tiểu thương phải buôn bán lay lắt, cầm chừng để đợi được nhận tiền đền bù.
Tiểu thương Nguyễn Thị Hằng (sạp 147) cho biết, bà con tiểu thương chưa thể nghỉ bán, rời chợ vì mức đền bù quá thấp. Năm 1994, gia đình bà phải bán 230m² đất ở phường Thảo Điền quận 2 mới đủ tiền mua sạp, nay quận đền bù chỉ đủ mua lại 3m² đất. Buôn bán ế ẩm, cuộc sống khó khăn nhưng với số tiền đền bù chừng 100 triệu đồng thì chị em làm được gì?
Chị Lê Thị Kim Vân, sạp đồ hộp số 164, bức xúc: “Năm 1994, giá trị chợ Văn Thánh là 13 tỷ đồng. Năm 2007, TP thực hiện đấu giá, chợ Văn Thánh được định giá 913 tỷ đồng, tăng 90 lần so với năm 1994. Vậy mà, quận đền bù cho bà con chỉ tăng 0,5 lần so với năm 1994 là bất hợp lý và không chấp nhận được”.
Trong khi tiểu thương chưa nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng thì đơn vị đầu tư Dự án SSG Văn Thánh cũng sốt ruột không kém vì đã chi hàng trăm tỷ đồng nhưng không có mặt bằng thi công. Từ cuối năm 2008, đơn vị đã chuyển 215 tỷ đồng hỗ trợ ngân sách TP, chuyển 100 tỷ đồng đền bù giải tỏa chợ. Hiện nay, không riêng tiểu thương mà chính đơn vị đầu tư cũng đang chờ từng ngày.
Áp dụng Quyết định 06 liệu có hợp lý?
Nguyên nhân dẫn đến việc giải tỏa, đền bù chậm là do chưa thống nhất trong việc áp dụng căn cứ pháp lý và mức giá đền bù.
Ngày 7-9-2009, UBND quận Bình Thạnh ban hành Quyết định số 5685/QĐ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí còn khi thực hiện chuyển đổi công năng chợ Văn Thánh lại căn cứ vào QĐ 06 của UBND TP (quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi di dời, chấm dứt hoạt động hoặc cải tạo, đầu tư xây dựng chợ theo quy hoạch trên địa bàn TP). Theo đó, tiểu thương ở chợ nằm trong đối tượng quy định tại Điều 4 (Bồi thường về giá trị quyền sử dụng điểm kinh doanh) gồm các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các chợ phải di dời có hợp đồng thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh đã nộp trên cơ sở giá thuê và thời hạn sử dụng điểm kinh doanh.
Tuy nhiên, bà con tiểu thương lại cho rằng, chủ đầu tư phải trực tiếp thương lượng, đền bù theo giá trị trường. Bởi lẽ, ngày 24-12-1993, UBND quận Bình Thạnh đã có thông báo (số 630/TB) chỉ đạo Phòng Thương nghiệp quận tổ chức phân loại đối tượng sạp. Thường trực UBND quận cũng đã chỉ đạo Phòng Thương nghiệp về phương thức bán sạp. Theo đó, Phòng Thương nghiệp tính giá trị sạp bằng vàng, còn Phòng Tài chính thu tiền căn cứ theo Phiếu báo giá trị sạp, với nội dung thu huy động vốn chợ Văn Thánh. Và năm 1994, tiểu thương đã làm xong thủ tục mua sạp, đóng tiền theo đúng quy định. Sau khi hoàn thành việc thu tiền, ngày 22-3-1999, Phòng Tài chính - Kế hoạch đầu tư quận có văn bản gửi UBND quận xin chủ trương cấp chủ quyền sạp cho tiểu thương nhưng quận không chấp thuận. Mặc dù chưa được cấp chủ quyền sạp nhưng từ năm 1994 đến nay tiểu thương hoạt động kinh doanh, làm nghĩa vụ thuế mà không phải ký hợp đồng thuê sạp như tiểu thương các chợ khác trong TP. Như vậy, quận Bình Thạnh sử dụng QĐ 06 làm căn cứ pháp lý để thực hiện giải tỏa, đền bù là chưa hợp lý.
Để bảo đảm quyền lợi tiểu thương, nhà đầu tư cũng như tránh tình trạng khiếu nại kéo dài, thiết nghĩ UBND quận Bình Thạnh nên sớm xem xét tính pháp lý trong việc mua bán sạp, giải quyết dứt điểm bức xúc của người dân và doanh nghiệp.
TRẦN YÊN