Giảm chồng chéo, xung đột trong sử dụng không gian giữa các ngành, địa phương

Cơ quan thẩm tra cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia nhấn mạnh yêu cầu giảm chồng chéo, xung đột trong sử dụng không gian giữa các ngành, các địa phương và làm rõ quan điểm về phát triển kinh tế biển.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia. Ảnh: QUANG PHÚC

Ngay sau phát biểu khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tờ trình nêu rõ 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch.

Thứ nhất, cần hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.

Thứ ba, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia.

Thứ tư, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển, các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Người đứng đầu ngành KH-ĐT nêu rõ quan điểm lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng động lực phát triển. Đó là vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); vùng động lực phía Nam (TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu); vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) và vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long. Các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Liên quan đến định hướng sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai; bố trí quỹ đất phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian liên ngành, liên vùng; quản lý diện tích đất trồng lúa 3,5 triệu hécta; chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao; mở rộng diện tích đất khu công nghiệp, tập trung tại các vùng động lực, gắn kết với các hành lang kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QUANG PHÚC

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Chính phủ trình Quốc hội đã đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch cũng như nhiều định hướng phát triển lớn. “Chính phủ đề xuất 6 nhóm giải pháp, nguồn lực thực hiện. Đây là các nhóm giải pháp mang tính vĩ mô, đột phá và cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong quá trình tổ chức, thực hiện quy hoạch”, ông Vũ Hồng Thanh nhận định.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, các giải pháp thực hiện chưa cụ thể hoá các định hướng đã đề ra; cần tiếp tục rà soát, cân đối các giải pháp, nguồn lực thực hiện để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của đất nước.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Chẳng hạn, về giải pháp huy động vốn đầu tư, với mục tiêu tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch tổng thể quốc gia dự kiến cần 48,3 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011-2020 (khoảng 15 triệu tỷ đồng), trong khi những giải pháp cơ bản được nêu đều đang được thực hiện, chưa có giải pháp mới, đột phá.

Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc, tính toán kỹ về định hướng khả năng thu ngân sách nhà nước, mức bội chi và nợ công trong giai đoạn tương ứng, từ đó xác định nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển hợp lý và gắn chặt với an ninh tài chính quốc gia.

Ủy ban Kinh tế cũng nhận thấy nhu cầu về vốn đầu tư cho xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều, công trình phòng, chống ngập, úng, giao thông đường sắt… tại báo cáo quy hoạch là rất lớn, trong khi nguồn lực của đất nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng trên cơ sở kịch bản 2 (kịch bản phấn đấu). Vì vậy, đề nghị nghiên cứu rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý để bảo đảm tính khả thi cho các dự án. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể thời hạn, lộ trình phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ quan trọng.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng chỉ ra rằng, quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển nêu rõ, Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, theo hướng phân bố không gian, phân vùng và liên kết vùng, do vậy, cần nghiên cứu làm rõ hơn các nội dung phải định hướng trong việc sắp xếp, phân bố không gian để đạt được các mục tiêu mà chiến lược đã đề ra. Đồng thời, đề nghị bổ sung, nhấn mạnh hơn yêu cầu giảm chồng chéo, xung đột trong sử dụng không gian giữa các ngành, các địa phương và làm rõ quan điểm về phát triển kinh tế biển.

Vẫn theo người đứng đầu cơ quan thẩm tra, mục tiêu cho việc phát triển kết cấu hạ tầng mới tập trung chủ yếu cho hạ tầng giao thông, trong khi một số ngành khác có vai trò quan trọng nhưng còn khá chung chung như: hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thủy lợi…

Theo chương trình làm việc của kỳ họp bất thường lần thứ 2, ngày 6-1, các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ và ngày 7-1 sẽ thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin cùng chuyên mục