Công việc cụ thể của Liên Rand là phân tích dữ liệu cho ngân hàng. Nhưng con đường để được gọi phỏng vấn, nhận việc và giữ việc ở xứ người ngay cả khi chưa xuất hiện đại dịch Covid-19 vẫn phải tuân thủ nguyên tắc: nỗ lực, kiên trì và không ngừng hy vọng.
Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương ở Hà Nội, Liên sang Phần Lan học tiếp thạc sĩ tài chính. Đây là giai đoạn thử thách đầu tiên của quá trình hòa nhập cuộc sống mới. Cô nhớ lại: “Học tài chính tại Phần Lan khá khác ở mình. Bậc đại học thiên về toán cao cấp hơn là khoa học xã hội. Các môn khoa học xã hội, đặc biệt ngôn ngữ, họ đầu tư nhiều ở giai đoạn trung học. Cụ thể, tiếng Phần Lan và Thụy Điển là 2 ngôn ngữ chính, tiểu học thêm tiếng Anh, trung học thêm tiếng Đức. Bởi vậy, vào đại học tài chính chỉ còn tập trung cho toán cao cấp, thống kê. Bậc thạc sĩ sẽ đi thẳng ứng dụng chuyên môn như lập quỹ tài chính, đánh giá đầu tư như thế nào...”.
Liên bị ngợp ở giai đoạn đầu vì kiến thức toán cao cấp sớm học thời phổ thông ở Việt Nam đã quên nhiều thứ cơ bản. Năm 2013, qua được giai đoạn này, Liên cầm bằng thạc sĩ trong tay lại đúng thời điểm Nokia đang đi xuống. Đất nước chỉ 5 triệu dân, gây dựng được một thương hiệu điện thoại di động hàng đầu thế giới trong thời gian dài như vậy không dễ. Sự sụp đổ của Nokia là cú sốc lớn cho kinh tế Phần Lan. Không tìm được việc làm, Liên quyết định học tiếp tiến sĩ.
Trong quá trình ấy, Liên vẫn không ngừng lên các trang tuyển việc tìm cơ hội. Cô trải nghiệm và sàng lọc “Phần Lan rất ưu tiên tiếng địa phương. Mình không thể cạnh tranh với người bản xứ về tiếng nên chỉ dám chọn những việc yêu cầu tiếng Anh. Bạn bè bản xứ cũng khuyên tôi trước khi gửi hồ sơ, nên gọi điện trực tiếp với bên tuyển để chứng tỏ mình rất quan tâm công việc này. Khi viết đơn cũng sát nội dung cần tuyển hơn. Nếu biết cách nói chuyện thân mật, mình còn nhận được nhiều thông tin bổ ích khác nữa...”.
Một ngân hàng lớn của Đan Mạch có chi nhánh ở Phần Lan cần tuyển vị trí chuyên viên phân tích nghiệp vụ. Khoảng 120 đơn, qua 2 vòng sơ khảo còn 10 người được gọi trực tiếp lên Helsinki phỏng vấn. Tràn trề hy vọng, bắt chuyến tàu đêm vượt 500km lên thủ đô, vào phòng đợi thấy 9 đối thủ đều người bản xứ, Liên nhận ra ngay mình không có cơ hội: “Một ứng viên đang thực tập ở Bắc Kinh cũng bay sang dự tuyển. Tiếng Anh họ cũng chẳng kém gì mình” .
Lần được gọi phỏng vấn duy nhất này thức tỉnh Liên. Cô hiểu ra khả năng cạnh tranh trong ngành tài chính rất khó. Phải học thêm về công nghệ thông tin, về toán thống kê… Ngoài ra, Liên còn tranh thủ luyện tiếng. Người bản xứ thường gác máy khi nghe những cuộc gọi quảng cáo, chào hàng, còn Liên thì không. “Mình chẳng có nhu cầu mua, nhưng có nhu cầu luyện khả năng nghe nói nên có người gọi là cứ nói”, Liên chia sẻ. Cô tiếp tục chiến thuật gọi điện hỏi trước khi nộp đơn xin việc. Tháng 6-2017, Công ty Accenture của Mỹ (đang có khoảng nửa triệu nhân viên trên toàn thế giới) gọi điện cho Liên. “Một nhân viên kỹ thuật phỏng vấn tôi qua Skype trước. Lúc đó tôi đang làm tiến sĩ nên được đọc sâu về kỹ thuật thống kê, biết thêm ngôn ngữ lập trình. Ngôn ngữ lập trình đang rất sáng giá thời điểm đó. Hiểu được về lý thuyết cũng đã rất ổn rồi. Cơ hội đã đến với tôi”, Liên kể.
Làm cho Accenture hơn 2 năm, đầu 2020, Liên chuyển sang Công ty Digia của Phần Lan, cũng chuyên về phân tích dữ liệu. Trong thời điểm khó khăn chung vì đại dịch Covid-19 này, Liên có thể chủ động kết hợp làm việc ở nhà và vẫn đảm bảo tài chính cho những dự án hội nhập tại xứ người.