Giáo dục bằng tình yêu thương

Gần đây, tình trạng bạo lực trong xã hội diễn ra ngày càng nhiều, từ chuyện con đánh mẹ, cha mẹ đánh con, đánh ghen giữa phố, chồng ra tay đánh vợ bênh bồ, học sinh gây gổ đánh nhau, trò đánh thầy, phụ huynh đánh giáo viên, nhân viên y tế cũng bị đánh khi đang cấp cứu cho bệnh nhân, thậm chí đụng xe cũng lời qua tiếng lại rồi đánh nhau. 

Thực trạng trên cho thấy một xu hướng là nhiều người đang dùng bạo lực để giải quyết vấn đề mâu thuẫn, bất chấp những giá trị đạo đức truyền thống.

Nguyên nhân, quan trọng nhất đó là vấn đề thiếu trầm trọng tình yêu thương giữa con người với con người. Trong gia đình, cha mẹ ngày càng bận rộn với áp lực công việc, mục tiêu kiếm tiền nên ít có thời gian chơi đùa, dạy dỗ con. Mỗi đứa trẻ thời nay lớn lên như “cây non thiếu nước” nên tâm hồn cằn cỗi, dễ tổn thương, nhạy cảm, đụng chuyện là hung hăng. Trong nhà trường, câu “tiên học lễ, hậu học văn” luôn được treo cao nhưng thực tế các em phải học văn nhiều nên hết thời gian học lễ. Giáo viên bị áp lực thành tích, áp lực bài vở, sổ sách, không còn thời gian quan tâm đến trạng thái cảm xúc của học trò. Trường học ngày càng ít không gian vui chơi, các trò vui chơi lành mạnh giữa thầy và trò, giữa trò và trò… Khi thiếu giao tiếp, tương tác, làm sao xây dựng được tình thương giữa thầy và trò, tình thân giữa bạn bè với nhau để đoàn kết? Vì vậy, ngày càng nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra, đôi khi chỉ vì một cái nhìn. 

Bệnh viện là nơi cứu người nhưng những hành vi tiêu cực trong bệnh viện hiện nay như sử dụng thuốc hết hạn cho bệnh nhân chỉ vì tham lợi, nâng giá các thiết bị y tế để trục lợi khiến người ta hoang mang về “y đức”. Tình trạng “phong bì” đã xâm nhập vào bệnh viện, phá hỏng chữ tâm của một số nhân viên ngành y… Con người đánh mất đi tình yêu thương, không còn biết thương mình, thương người thì dù họ ở vị trí nào cũng sẽ gây họa và kích hoạt bạo lực trong họ và trong mọi người xung quanh. 

Tình trạng bạo lực gia tăng còn do con người thiếu kỹ năng chuyển hóa cảm xúc tiêu cực. Cả giận mất khôn, nhiều người để cơn giận khống chế, đánh mất lý trí và trái tim nên đã hành xử theo bản năng. Có câu: “Khi ta giận, trí khôn đi vắng”, “Khi giận trời cũng bé” là vậy. Nhiều người đánh con, đánh cha mẹ… xảy ra hậu quả nghiêm trọng mới giật mình tỉnh cơn giận thì đã quá muộn. Nóng giận là bản năng, ai cũng có thể nóng giận để rồi gây họa nên đây là vấn đề không của riêng ai, không ai được phép chủ quan với những cảm xúc tiêu cực. Chúng ta cần học cách chuyển hóa cảm xúc nóng giận để phòng ngừa cho chính mình.

Những “tiêu cực xã hội” như tham ô, tham nhũng, chạy chức chạy quyền, chạy điểm, buôn lậu, chế biến thức ăn độc hại kiếm lời… xuất phát từ lòng tham, sự vô cảm… đang diễn ra ở cấp độ xã hội, đã và đang làm bầu không khí mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội ngày càng căng thẳng, như nồi áp suất có thể xì hơi bất cứ lúc nào. Có thể nói, việc xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức xã hội là nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng bạo lực. 

Vậy, hãy bắt đầu từ “giáo dục bằng tình yêu thương” trong gia đình rồi đến nhà trường. Cha mẹ cần quan tâm, yêu thương con cái bằng hành động nhiều hơn, yêu thương nhau nhiều hơn. Xây dựng một gia đình hạnh phúc là điều mà mỗi cặp vợ chồng cần quan tâm đầu tiên nếu họ yêu con và muốn con nên người. Gia đình hạnh phúc sẽ không có bạo lực. Trường học cần tạo cơ hội cho giáo viên học và thực hành cách “dạy học bằng tình yêu thương”, tạo điều kiện gắn kết tình cảm giữa thầy-trò, trò-trò sẽ giảm bạo lực học đường. Trường học hạnh phúc sẽ không có đất cho bạo lực nảy sinh. 

Truyền thông đại chúng cũng cần chú ý truyền đi thông điệp “người tốt việc tốt”, khuyến khích tình yêu thương giữa con người với con người qua phim ảnh, truyền hình thực tế, phóng sự xã hội. Hạn chế tối đa các game, phim ảnh bạo lực. Các cơ quan quản lý phải xử lý nghiêm các hành vi bạo lực bằng các biện pháp phạt không bạo lực như phạt tiền, phạt lao động công ích… và tuyệt đối nghiêm cấm hành vi đánh người, xúc phạm thân thể, nhân phẩm người khác ở bất cứ đâu và với bất cứ ai. 

Những khóa học chuyển hóa cảm xúc, học cách sống hạnh phúc, cách giao tiếp ứng xử dựa trên sự tôn trọng và yêu thương nên được lan tỏa trong nhà trường, nơi công sở, ngoài xã hội để góp phần giúp mọi người biết cách tháo ngòi thịnh nộ, tập sống hài hòa yêu thương, đoàn kết với mọi người xung quanh.

Hơn hết là cần giải pháp từ chính mỗi người chúng ta, hãy nói không với bạo lực. Ta tôn trọng người, người tôn trọng ta, như vậy mới có hòa bình và phát triển cho chính chúng ta…

TS PHẠM THỊ THÚY 
Giảng viên, chuyên viên tâm lý

Tin cùng chuyên mục