Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM

Bài 1: Trường đại học - bao giờ?

Bài 1: Trường đại học - bao giờ?

Sau ngày đất nước thống nhất, trên địa bàn TPHCM đã có Trường Đại học Y dược (trực thuộc Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT) nhằm đào tạo cán bộ y tế cho các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, với định mức hạn chế, lượng bác sĩ đào tạo từ trường này không đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong khu vực nói chung và TPHCM nói riêng.

Đặc biệt, trước nhu cầu rất lớn của các tuyến y tế cơ sở, ngành y tế TPHCM đã đề xuất thành lập Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM (gọi tắt là Trung tâm).

  • Khi thành phố tự đào tạo bác sĩ...

Trung tâm ra đời từ Quyết định số 280/QĐ-UB ngày 29-12-1988 của UBND TPHCM và Quyết định số 59/CT ngày 15-3-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. 17 năm qua, Trung tâm đã thực hiện 10 loại hình đào tạo, trong đó có 11 khóa bác sĩ y khoa với hơn 1.100 bác sĩ; hơn 5.000 điều dưỡng trung cấp, nữ hộ sinh chính quy và tại chức.

Bài 1: Trường đại học - bao giờ? ảnh 1

Sinh viên Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Y tế TPHCM nghiên cứu trong phòng thực tập ký sinh. Ảnh: MAI HẢI

Hơn 10.000 học viên các lớp siêu âm, X-quang, dược tá, dược trung… đã được đào tạo, bồi dưỡng. Từ năm 1994, được phép của Bộ GD-ĐT, hàng năm, Trung tâm cấp hơn 100 văn bằng bác sĩ y khoa hệ chính quy, 100 văn bằng bác sĩ y khoa hệ đại học y khoa tập trung 4 năm, 300 văn bằng điều dưỡng trung cấp hệ chính quy.

Điểm đặc biệt của Trung tâm là 100% bác sĩ ra trường đều được phân bổ làm việc theo thứ hạng tốt nghiệp trong mạng lưới y tế nhà nước của TPHCM. 100% bác sĩ hệ đại học y tập trung đều trở về công tác tại nơi gởi đi học. 300 điều dưỡng ra trường mỗi năm đều nhận nhiệm sở - nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành y tế TPHCM...

  • “Trung tâm” hay...

Từ thực tế và kết quả hoạt động với các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo bác sĩ y khoa, Trung tâm đã được UBND TPHCM ra Quyết định số 6731/QĐ-UB ngày 25-11-1997 xếp hạng II (trường đại học).

Trong đó, về tổ chức quản lý, từ lâu Trung tâm đã hoàn chỉnh tổ chức và bộ máy lãnh đạo, các phòng ban, tổ chức Đảng và đoàn thể, hội đồng trường, hội đồng khoa học và giáo dục. Chương trình đào tạo của Trung tâm hoàn chỉnh, ổn định và cập nhật theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Số lượng giảng viên (42 bộ môn) cũng đầy đủ với 10 sinh viên/1 giảng viên. Trong đó, 100% đạt trình độ theo đúng quy chế và quy định, 34,56% có trình độ thạc sĩ; 7,83% tiến sĩ; trên 30% là giảng viên chính; 80% là giảng viên cơ hữu…

Về phía sinh viên đại học y khoa hệ chính quy (chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu ở TPHCM), tỷ lệ trúng tuyển hàng năm khoảng 8%-14%. Với đề thi chung của Bộ GD-ĐT, điểm chuẩn của Trung tâm khá cao, khoảng 22 - 25,5 điểm. Tất cả sinh viên đều thực hiện nghiên cứu khoa học với chất lượng tốt nghiệp khá tốt. Đến nay đã có hơn 500 đề tài nghiên cứu khoa học do sinh viên thực hiện.

Song song đó, Trung tâm cũng hoàn toàn đạt tiêu chuẩn cơ sở thực hành và bệnh viện của Bộ Y tế với phòng thực tập đầy đủ, trang bị tốt cho các môn cơ bản, và y học cơ sở. Đặc biệt, bộ môn mô phôi - giải phẫu bệnh và bộ môn sinh hóa được trang bị thiết bị hiện đại cho nghiên cứu khoa học. Phòng thực hành tiền lâm sàng đáp ứng yêu cầu thực hành những kỹ năng cơ bản chăm sóc người bệnh.

25 BV đa khoa và chuyên khoa thuộc Sở Y tế TPHCM tham gia hướng dẫn thực hành lâm sàng cho sinh viên, trong đó có hai BV Nhân dân Gia Định và Nhân dân 115 – đã cùng Trung tâm xây dựng mô hình kết hợp viện- trường…

Về cơ sở vật chất, Trung tâm có diện tích trên 21.110m2 - đủ rộng so với quy mô một trường đại học. Thư viện sách, thư viện nghe nhìn, thư viện điện tử với hơn 7.000 đầu sách tiếng Anh, Pháp, Việt, hơn 4.000 băng đĩa và nhiều máy vi tính. Ngoài ra, Trung tâm còn có khả năng sản xuất phim video y học. Tài chính để trung tâm hoạt động có từ nhiều nguồn, bao gồm do TP cấp (bình quân 6 tỷ đồng/năm), cùng nguồn thu từ các khóa đào tạo, bồi dưỡng; từø các dự án hợp tác quốc tế…

  • Trường đại học - giấc mơ còn xa?

Dù đã được UBND TPHCM công nhận xếp hạng trường đại học - và đã được Bộ GD-ĐT cho phép được cấp văn bằng tốt nghiệp cho bác sĩ y khoa hệ chính quy, và dù 17 năm qua, Trung tâm đã đào tạo hàng ngàn bác sĩ có chất lượng cho TP, nhưng đến nay, Trung tâm vẫn chưa được mang danh là trường đại học.

Danh xưng “Trung tâm” không chỉ gây nhiều bất lợi cho đơn vị trong các hoạt động đối ngoại, mà ngay ở trong nước, cũng xảy ra nhiều trường hợp dở khóc dở cười. Có lần, ra Hà Nội dự một hội nghị của các trường đại học, PGS-BS Nguyễn Thế Hiệp (Giám đốc Trung tâm) dù có giấy mời, nhưng bộ phận tiếp tân không cho vào vì cho rằng ông là giám đốc của một trung tâm... vớ vẩn nào đó, chứ không phải hiệu trưởng trường đại học - đối tượng được mời dự họp.

Ngày 1-4-1999, UBND TPHCM có công văn số 1191/CV-UB-KT gửi Thủ tướng Chính phủ xin chuyển Trung tâm thành trường đại học y khoa để tiếp tục đào tạo bác sĩ tổng quát hướng về cộng đồng, cung cấp y bác sĩ cho mạng lưới y tế cơ sở của TPHCM.

Công văn nói rõ: UBND TPHCM sẽ chỉ đạo xây dựng trường hoàn chỉnh theo quy chế tổ chức và hoạt động trường đại học. Ngày 19-3-2001, Bộ Y tế có công văn số 1918/YT-TCCB gửi Bộ GD- ĐT cho biết, Bộ Y tế đồng ý với đề nghị của UBND TPHCM về việc thành lập Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trên cơ sở trung tâm nói trên, với nhận định: Trung tâm này là một trong những cơ sở đào tạo cán bộ y tế bậc trung học và đại học có chất lượng của TPHCM.

Tiếp đó, ngày 1-3-2001, Bộ GD-ĐT có tờ trình số 1424/TCCB gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung: Bộ GD-ĐT nhận thấy việc thành lập Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trực thuộc UBND TPHCM trên cơ sở Trung tâm là cần thiết và đã đưa vào đề án quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2001-2010 trình Thủ tướng Chính phủ (ngày 4-4-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 47/2001/QĐ-TTg phê duyệt đề án này).

Nhưng đến nay, giấc mơ được đổi tên thành trường đại học y khoa của Trung tâm vẫn chưa thành hiện thực. 

KIỀU OANH

Tin cùng chuyên mục