Từ những bất cập qua kỳ thi tốt nghiệp THPT theo cụm và chấm chéo: Nên xét tốt nghiệp thay cho tổ chức thi

LTS:

LTS: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2008 - 2009 đã kết thúc trong những quan ngại của các chuyên gia giáo dục, của PHHS về những bất tiện do thi theo cụm và chấm chéo. Đỉnh điểm nhất là một số tỉnh ĐBSCL hoãn công bố kết quả chấm vì điểm môn văn, địa cực thấp. Báo SGGP xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục TPHCM góp ý kiến về cách tổ chức thi như hiện nay và đề xuất các giải pháp khoa học và toàn diện nhằm khắc phục các nhược điểm mà ta đang mắc phải.


Làm rõ mục tiêu của kỳ thi

Việc thi theo cụm và chấm chéo không phải lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta. Các ưu điểm và nhược điểm của cách làm này đã được nhiều nhà khoa học giáo dục, thực hành lên tiếng trong nhiều lần và nhiều thời điểm khác nhau.
 
Trước mắt, việc tổ chức thi theo cụm là giải pháp khả thi nhất nhằm tránh tiêu cực và tăng tính nghiêm túc của các kỳ thi quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp THPT hay thi ĐH. Các rủi ro (thí sinh bị tai nạn, bệnh, bỏ thi…) và chi phí cho các hoạt động này là không tránh khỏi và cũng không nên vì thế mà chỉ trích cách làm hiện nay. Xã hội ngày càng phát triển, bên cạnh việc học tập, thí sinh (TS) phải bắt đầu làm quen với các hoạt động lập kế hoạch, chuẩn bị cho các bước quan trọng hơn trong tương lai của mình.
 
Nhiều người có ý kiến về cách chấm thi theo cụm như hiện nay có thể sẽ làm cho tính chính xác của kết quả không cao và do đó, sẽ làm cho sự cách biệt giữa các địa phương cũng như giữa kết quả của các năm tăng lên cũng là vấn đề bình thường trong thi cử, đặc biệt là trong việc kiểm tra các kiến thức thuộc các môn văn hay các môn khoa học xã hội khác có liên quan đến các bậc tư duy bậc cao như ứng dụng, tổng hợp, phân tích và đánh giá. Đây là vấn đề không tránh khỏi trong các kỳ thi lớn khi những người chấm thi thuộc một địa bàn hay nhiều địa bàn, môi trường và có các quan điểm khác nhau. Kinh nghiệm cho thấy sự cách biệt trong cách đánh giá của 2 giám khảo nhiều khi rất lớn nếu như không có các đáp án cụ thể và chi tiết.
 
Tuy nhiên, ngay cả khi có các đáp án này, sai sót cũng không thể tránh khỏi. Do đó, những việc cần làm trước mắt là: 1) Làm rõ mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp cũng như chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ nói chung và của từng môn học mà học sinh cần có để được công nhận tốt nghiệp THPT; 2) Làm rõ mục tiêu của kỳ thi, không phải để xếp hạng các địa phương để tránh áp lực lên địa phương và giáo viên; 3) Có các giám sát và người điều phối, các chuyên gia về khảo thí để trợ giúp khi cần thiết.
 
Xét tốt nghiệp và tổ chức kỳ thi chung nhiều lần

Hiện nay, lực lượng nòng cốt của các hoạt động này (Cục Khảo thí của Bộ GD-ĐT và các Sở GD-ĐT cũng như từ các trường) còn chưa được tập trung và tính chuyên nghiệp cũng chưa thật sự hoàn hảo do phải chú trọng nhiều vấn đề mang nặng tính hành chính hơn chuyên môn. Do đó, Việt Nam còn đang rất cần nhiều chuyên gia về đánh giá giáo dục, đặc biệt là về mặt khảo thí.

Điều hiện nay chúng ta có thể có được là tin cậy vào các giáo viên trực tiếp chấm bài với hy vọng rằng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của họ sẽ làm giảm đi các sai sót đó. Tuy nhiên, về lâu dài, tôi nghĩ chúng ta cần có các giải pháp khoa học và toàn diện hơn, cụ thể là:
– Không tổ chức thi tốt nghiệp THPT mà xét tốt nghiệp theo chuẩn quốc gia. Do về nguyên tắc, thi tốt nghiệp là nhằm để công nhận các học sinh có được kiến thức, kỹ năng và thái độ của một công dân đạt trình độ phổ thông để chuẩn bị vào đời, có khả năng học tiếp lên hoặc có thể tham gia ngay vào thị trường lao động. HS nào đã đủ điểm của tất cả các môn học lớp 12 thì đương nhiên đủ điểm tốt nghiệp phổ thông.

Đây cũng giải quyết một vấn đề của Việt Nam, khi các trường có nhiều HS đủ điểm và điều kiện để xét cho thi tốt nghiệp, nhưng khi thi tỷ lệ rớt tốt nghiệp cũng rất cao. Điều này cho thấy sự bất hợp lý về trình độ “thật” của HS và việc dạy hiệu quả “thật” của giáo viên.
 
– Sau khi tốt nghiệp phổ thông, các HS có thể tham gia một kỳ thi chung để lấy điểm. Kỳ thi này do một tổ chức chuyên nghiệp, có uy tín tổ chức và tổ chức nhiều lần trong năm (4-5 lần). Ở Mỹ, các kỳ thi này được gọi là SAT (trước đây là Scholastic Aptitude Test và Scholastic Assessment Test). Các môn thi trong kỳ thi này chủ yếu là gồm các môn tổng hợp và có tính liên ngành: Đọc, toán và viết. Thường đối với các kỳ thi này, TS được kiểm tra toàn diện kiến thức cần thiết và có tính liên ngành để được đánh giá về kiến thức cần thiết mà học sinh tốt nghiệp phổ thông phải có. Các môn này được thiết kế ở dạng trắc nghiệm lựa chọn khách quan. Do đó tránh được các sai sót về sự công bằng hay chính xác các đề thi tự luận thường mắc phải.

– Các trường ĐH căn cứ vào mục tiêu giáo dục của mình chủ động quyết định sẽ tổ chức thi tuyển thêm hay chỉ xét tuyển dựa trên điểm SAT. Thường các trường ĐH có thể dựa vào điểm này để xem xét và xét tuyển học sinh, cộng thêm việc xem xét thành tích của những năm phổ thông. Những trường nào thấy cần thiết phải cho thi tuyển (ví dụ: các môn năng khiếu hay các môn đòi hỏi những khả năng đặc biệt của ngành học mà TS muốn thi vào, hoặc các môn đòi hỏi khả năng sáng tạo, tư duy bậc cao mà dạng thi trắc nghiệm khách quan chưa có thể đánh giá được hết) có thể tổ chức thêm kỳ thi xét tuyển, thường các kỳ thi này không tổ chức cho cả trường mà cho từng ngành đào tạo.
 
Do việc tổ chức thường xuyên và do một đơn vị chuyên nghiệp, nên có thể hạn chế những vấn đề mà ta đang gặp phải: kết quả không chính xác, không công bằng, khách quan. Ngoài ra, việc tốn kém cũng hạn chế và TS có thể chọn thời điểm thích hợp nhất cho mình để dự thi.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung

Tin cùng chuyên mục