Gương mặt đoạt Giải thưởng Võ Trường Toản 2010: Lặng lẽ cống hiến

Hát, múa để dạy văn
Gương mặt đoạt Giải thưởng Võ Trường Toản 2010: Lặng lẽ cống hiến

30 giáo viên tiêu biểu đoạt giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, mỗi người đến với nghề giáo bằng một câu chuyện của số phận nhưng điểm chung là họ đều chấp nhận gắn bó và sống hết mình với nghề. Cô Huỳnh Thị Thanh Xuân (giáo viên Trường THCS Phú Mỹ, quận Bình Thạnh) đã lặng lẽ tìm ra hướng đi mới giúp học sinh hứng thú học văn trong suốt 34 năm qua.

Ngày nghỉ hay cuối tuần, cô Xuân đều đạp xe lên trường bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh. Ảnh: M.HẰNG

Ngày nghỉ hay cuối tuần, cô Xuân đều đạp xe lên trường bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh. Ảnh: M.HẰNG

Hát, múa để dạy văn

Đến Trường THCS Phú Mỹ trong giờ học nhưng chúng tôi vẫn nghe văng vẳng đâu đó một giọng hát truyền cảm. Càng đi gần đến lớp 9/3, tiếng hát càng rõ hơn: “Áo anh rách vai/Quần tôi có vài mảnh vá/Miệng cười buốt giá/Chân không giày/Thương nhau tay nắm lấy bàn tay…”.

Cô giáo say sưa hát trên bục giảng. Phía dưới, các cô cậu học trò ngồi yên, chăm chú lắng nghe. Kết thúc bài hát, cô quay xuống hỏi: Các con thấy bài hát có hay không?”. “Hay lắm cô ơi”, các em nhao nhao trả lời. “Vậy ai cho cô biết tên của bài hát”. Lớp học lại lố nhố những cánh tay giơ lên giành quyền trả lời. “Đó là bài hát Đồng chí được phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Chính Hữu. Cô trò mình sẽ cùng tìm hiểu bài thơ này trong tiết học này”. “Học 2 tiết luôn đi cô”, tiếng học trò trong trẻo lại vang lên xen lẫn tiếng vỗ tay không ngớt…

Quang cảnh của tiết học Ngữ văn trở nên sôi động, cô Huỳnh Thị Thanh Xuân khéo léo kéo học trò vào cuộc, cùng tham gia góp ý, phân tích những chi tiết, thủ pháp nghệ thuật của bài thơ.

 Cô hiệu trưởng Nguyễn Nữ Kim Xuân nhận xét: “Ít có tiết học nào khiến học trò phấn khích, thích thú tham gia vào bài học như những tiết mà cô Thanh Xuân đứng lớp. Cô Thanh Xuân chịu khó mang những “chiêu” mới lạ vào dạy văn. Có khi là cách đọc một bài thơ thật uyển chuyển, diễn vai trong một đoạn trích giúp giờ học hứng thú, thu hút học sinh”.

Cách dạy văn đầy sáng tạo của cô Thanh Xuân luôn được ví như một… phù thủy lắm “chiêu”, hết biến hóa giọng đọc từ Nam ra Bắc, cô lại bày cho học trò làm đạo cụ, trang phục để diễn kịch, đóng vai nhân vật trong tác phẩm “Người con gái Nam Xương”.

Để giúp học sinh đỡ phải học chay toàn chữ đầy ngán ngẩm, cô dành hẳn 4 - 5 ngày liền sưu tầm hình ảnh từ nhiều nguồn làm giáo án điện tử giúp bài học thêm sinh động… Chính vì vậy, học trò chẳng những không thấy ngán mà còn mê mẩn giờ văn của cô Xuân.

“Là người trong cuộc, tôi hiểu các em học sinh không thích và khó cảm nhận văn chương dài dòng, khô khan. Giáo viên phải tạo tâm lý để các em không chán học văn rồi hãy nghĩ đến mục tiêu bắt học trò hiểu tác phẩm. Cách đọc phù hợp giúp học sinh dễ thâm nhập vào “hồn” của tác phẩm. Tôi cố gắng dùng nhịp điệu, giọng đọc gợi cảm xúc giúp học trò có thể hiểu và nhớ lâu”, cô Xuân chia sẻ. Với những bài văn thơ cổ như Bình Ngô đại cáo, Hịch Tướng sĩ… mà đọc lưu loát như thơ hiện đại, thiếu nhấn nhá bằng giọng trầm hùng chỉ đủ để học sinh trả bài xong là quên hết, không nắm được tinh thần của tác phẩm.

Yêu trò bằng tình thương người mẹ

Nhìn sự chăm chút sáng tạo đầy hứng thú của cô dành cho những tiết văn trên lớp, khó ai ngờ mục tiêu ban đầu của cô không phải là theo đuổi văn chương mà là toán học. Là chị của 7 đứa em, Thanh Xuân đã sớm phải phụ mẹ cha gánh vác việc gia đình. Khi đang là học sinh lớp 12, cô đã bén duyên nghề giáo và đi dạy bậc tiểu học cho một trường tư thục.

Tốt nghiệp tú tài, cô thực hiện ước mơ dạy toán bằng khóa học trung cấp sư phạm. Vì mê dạy toán nên cô gái trẻ không ý thức chăm chút cho chữ viết, thay vì tập cho mình phong cách đứng lớp thì cô dành thời gian cho việc tìm hiểu những công thức, số học... Nhưng trường có nội quy rất nghiêm, giờ ra chơi nhất định bắt cô giáo trẻ phải ở lại kẻ bảng tập viết, chỉnh sửa từng câu chữ.

“Lúc đó, mình rất bực và trách thầm, mình dạy toán mà sao nhà trường lại khắt khe, tỉ mỉ như dạy văn”. Tập riết rồi thành quen, mỗi khi trường thiếu giáo viên dạy văn, cô Thanh Xuân lại xung phong dạy thế. Cái duyên tình cờ lại trở thành chữ “nợ” lúc nào không hay, cô bắt đầu hứng thú với những giờ dạy văn đầy cảm xúc và thi vào cao đẳng rồi Đại học Sư phạm ngành Ngữ văn.

Kể từ ngã rẽ định mệnh ấy đến nay đã 30 năm, cô Thanh Xuân không ngừng tìm kiếm cách dạy làm sao cho học trò hứng thú học văn. Cô tâm niệm: Dạy văn không chỉ là dạy chữ mà còn dạy các em làm người. Cũng nhiều phen, học trò khiến cô giáo phải rơi nước mắt. Nhưng với cô, buồn nhất là lúc chứng kiến học trò phải nghỉ học.

“Tôi làm chủ nhiệm, trước đây có một cô học trò vì mê chơi mà lơ là việc học. Tôi gọi trò lên nhắc nhở và em hứa sẽ sửa đổi, nhưng cô bé lại đi chơi đến quên về nhà, nghỉ học. Bố mẹ vào trường xin rút học bạ và chuyển cháu vào học nội trú ở một ngôi trường khác. Ngày nhìn cô học trò nhỏ vừa đi vừa khóc, tôi không kìm được nước mắt. Vì nếu mình quan tâm nhiều hơn nữa biết đâu em sẽ không như thế”, cô Xuân nhớ lại.

Đã 34 năm, ngày nào cô cũng đều đặn đạp chiếc xe đạp cũ đến trường, gặp những đứa học trò nhỏ như đã trở thành một thói quen. Dù đã là tổ trưởng môn văn nhưng ngày nghỉ, cuối tuần, cô đều dành thời gian lên trường ôn tập cho học sinh giỏi, nắn nót từng con chữ, câu văn cho các em. Nhưng với cô, thử thách lớn hơn chính là việc phụ đạo, bồi dưỡng học sinh yếu kém.

Buổi trưa nào cô cũng ở lại giúp các em học yếu ôn bài, trả bài cho đến khi thuộc mới về nhà nghỉ ngơi. Chính vì vậy, học trò rất quý cô, những em đã tốt nghiệp có dịp về trường, gặp cô lại tha thiết: “Cô ơi vào lớp đi cô, cô giảng Kiều cho tụi con nghe đi”. Và có lẽ đó là niềm hạnh phúc lớn nhất giữ cô ở lại với bục giảng. Nhưng như cô tự nhận là người đa đoan, nên khi vừa lo xong học trò của mình, cô lại vùi mình vào các lớp học tình thương, xóa mù chữ cho trẻ em nghèo…

Lần đầu, tôi xin một cuộc hẹn phỏng vấn, cô giản dị: “Cô rất muốn chia sẻ nhưng thôi, em hãy chọn thầy cô khác xứng đáng hơn. Cô chẳng có gì đặc biệt cả”.

Tiêu Hà

Tin cùng chuyên mục