Trường Quốc tế Mỹ Việt bỗng dưng... biến mất

Những tưởng sau khi Báo SGGP có bài viết “Trường quốc tế… lừa người học”, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để xử lý sai phạm, đồng thời bảo vệ quyền lợi của gần 300 sinh viên bị lừa. Tuy nhiên, đến nay Trường Quốc tế Mỹ Việt (AVIS) bỗng dưng... biến mất và được đổi thành Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế Vạn Xuân. Nguy cơ gần 300.000 USD học phí chảy vào túi những kẻ lừa đảo đang thành hiện thực...
Trường Quốc tế Mỹ Việt bỗng dưng... biến mất

Những tưởng sau khi Báo SGGP có bài viết “Trường quốc tế… lừa người học”, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để xử lý sai phạm, đồng thời bảo vệ quyền lợi của gần 300 sinh viên bị lừa. Tuy nhiên, đến nay Trường Quốc tế Mỹ Việt (AVIS) bỗng dưng... biến mất và được đổi thành Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế Vạn Xuân. Nguy cơ gần 300.000 USD học phí chảy vào túi những kẻ lừa đảo đang thành hiện thực...

AVIS biến mất

Theo phản ánh của nhiều sinh viên, AVIS bỗng dưng tháo dỡ bảng hiệu, băng rôn và thay bằng “Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế Vạn Xuân” đóng tại số 36 đường A4 Khu K300, phường 12, quận Tân Bình, TPHCM. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết viện này có cơ quản chủ quản là Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Vạn Xuân.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Ngô Huy Hồ, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ về việc lãnh đạo AVIS đã tiến hành treo băng rôn, giới thiệu AVIS chuyển thành viện của trường vì tất cả chỉ mới nằm trên giấy. Chúng tôi đang chờ văn bản cho phép của Bộ GD-ĐT mới thực hiện tuyển sinh, đào tạo”.

Tuy nhiên, khi nghe thông tin đơn vị này đang tiếp tục tuyển sinh, đào tạo chui và chưa giải quyết quyền lợi cho gần 300 sinh viên được tuyển chui trong năm học 2009-2010, ông Hồ tá hỏa: “Tôi bất ngờ với thông tin này. Tôi sẽ ra thông báo hủy ngay các quyết định hợp tác đến khi nào ông Tống Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị AVIS (người mua lại AVIS từ ông Lê Công Đức) giải quyết xong mọi vấn đề liên quan đến số sinh viên nói trên”.

Trước đó, ông Tống Thanh Tùng đã ký kết hợp đồng hợp tác đào tạo với ông Nguyễn Danh Châu, Giám đốc đại diện Trung tâm Giáo dục quản lý và Hợp tác quốc tế - Comedic (Viện Quản trị doanh nghiệp).

Tiếp đó, ông Nguyễn Danh Châu ký tiếp quyết định: “Tiếp nhận số sinh viên theo học tại AVIS về học tại chương trình đào tạo đại học theo chương trình hợp tác của Viện Quản trị doanh nghiệp do Comedic thực hiện tại TPHCM”. Tuy nhiên, theo văn bản của Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GD-ĐT cấp cho Viện Quản trị doanh nghiệp ngày 24-10-2005 có ghi rõ: “Đồng ý về mặt nguyên tắc việc Viện Quản trị doanh nghiệp thực hiện chương trình bồi dưỡng kiến thức cho học viên…”.

Thực hiện theo văn bản này, Sở GD-ĐT TPHCM đã cấp giấy phép cho Viện Quản trị doanh nghiệp thực hiện chương trình bồi dưỡng kiến thức và hoàn toàn không cho phép đào tạo trình độ ĐH hay CĐ. Không có chức năng đào tạo nhưng đại diện Viện Quản trị doanh nghiệp vẫn nói dối để số sinh viên bị tuyển chui theo học giáo trình của ĐH North West mà viện này đang giữ bản quyền.

Chưa hết, viện còn in một danh sách dài ngoằng giới thiệu các giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư… tham gia giảng dạy tại AVIS. Tuy nhiên, khi PV liên hệ với nhiều giảng viên trong danh sách, họ đều tỏ ra bất ngờ khi không biết AVIS là ai, ở đâu thì làm sao có thể tham gia giảng dạy được?

Trụ sở của AVIS tại 36 Đường A4 khu K300, P12, Quận Tân Bình, TPHCM giờ được đổi thành Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế Vạn Xuân.

Trụ sở của AVIS tại 36 Đường A4 khu K300, P12, Quận Tân Bình, TPHCM giờ được đổi thành Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế Vạn Xuân.

Thiếu trách nhiệm 

Sau khi Báo SGGP phản ánh vụ việc, ông Lê Công Đức, giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo nguồn nhân lực quốc tế Mỹ Việt (tự xưng là Trường Quốc tế Mỹ Việt) đã đến báo giải trình và cam kết “phối hợp với ban giám đốc mới của AVIS giải quyết quyền lợi cho gần 300 sinh viên, tìm đối tác để các sinh viên học tiếp hoặc trả lại tiền cho các em…”.

Tuy nhiên, đã hơn một tháng trôi qua nhưng ông Đức vẫn tỏ ra thiếu trách nhiệm với hậu quả mà mình đã gây ra. Khi được hỏi về việc khi nào giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho số sinh viên mà AVIS tuyển sinh, đào tạo chui, ông Đức nói đã có công văn, gọi điện cho ban giám đốc mới để giải quyết nhưng họ không cho gặp sinh viên…

Theo thông tin mà chúng tôi có được, khi bán lại công ty cho ông Tùng, ông Đức không hề có cam kết hoặc hợp đồng gì để yêu cầu ban giám đốc mới giải quyết quyền lợi cho số sinh viên mà ông đã tuyển chui.

Đã vậy, lãnh đạo mới của AVIS là ông Tống Thanh Tùng cũng chần chừ kéo dài thời gian trong việc giải quyết quyền lợi cho sinh viên một cách khó hiểu. Ban giám đốc mới vẫn kiên quyết chuyển gần 300 sinh viên trên sang học chương trình ĐH của Trường University of North West (Hoa Kỳ). Tuy nhiên, thực tế Viện Quản trị doanh nghiệp không có chức năng và liên kết đào tạo chương trình trên.

Sau khi vụ việc vỡ lở, ông Tùng cũng không phối hợp giải quyết vụ việc mà tiếp tục tìm kiếm các đối tác khác, mặc cho sinh viên liên tục đòi trả lại tiền học phí đã đóng cho trường. Mặc khác, ông Tùng vẫn cho AVIS tiếp tục tuyển thêm sinh viên mới theo học chương trình của Trường University of North West.

Hiện nay, số sinh viên mới cũng đang bị “mắc kẹt” do đã đóng học phí. Sau khi AVIS biến mất, ông Tùng đã được “phong” làm Phó Giám đốc Viện Hợp tác đào tạo quốc tế Vạn Xuân (do Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân ký quyết định thành lập ngày 20-8-2010).

Để xảy ra vụ việc trên, trước hết trách nhiệm lớn thuộc về Sở LĐTB-XH TPHCM. Việc một trung tâm được cấp phép đào tạo sơ cấp nghề đã tự xưng trường quốc tế, tuyển sinh, đào tạo chui gần 300 sinh viên mà vẫn để lọt sổ. Đã vậy, sau khi báo chí phản ánh, thanh tra sở này tiếp tục kiểm tra nhưng vẫn không phát hiện AVIS tiếp tục tuyển thêm nhiều sinh viên khác để đào tạo chui và cũng không hề kiến nghị xử phạt theo luật.

Chưa hết, Bộ GD-ĐT cũng đứng ngoài vụ việc này. Ngay cả thông tin Viện Quản trị doanh nghiệp tự xưng đào tạo chương trình của Trường University of North West, Bộ GD-ĐT cũng không có bất kỳ phản ứng nào để bảo vệ người học.

Những sinh viên đa phần ở các tỉnh đã đóng gần 300.000 USD cho AVIS có nguy cơ bị mất trắng, còn người đã thu tiền, đào tạo trái luật vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. 

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục