Giáo viên đoạt giải Võ Trường Toản năm 2011 - Lặng thầm người truyền lửa

Có câu nói: “Người thầy tốt giống như một ngọn nến, tự đốt cháy mình để thắp sáng cho những người khác”. Cô Văn Thị Hoa, giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THPT Võ Thị Sáu TPHCM, đã âm thầm thắp lên những ngọn lửa nhiệt huyết cho bao thế hệ học trò suốt 30 năm qua.
Giáo viên đoạt giải Võ Trường Toản năm 2011 - Lặng thầm người truyền lửa

Có câu nói: “Người thầy tốt giống như một ngọn nến, tự đốt cháy mình để thắp sáng cho những người khác”. Cô Văn Thị Hoa, giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THPT Võ Thị Sáu TPHCM, đã âm thầm thắp lên những ngọn lửa nhiệt huyết cho bao thế hệ học trò suốt 30 năm qua.

Trước khi đứng lớp, cô Văn Thị Hoa từng là cô học trò nhỏ vô cùng yêu mến cô giáo dạy lịch sử của mình nên đã đăng ký thi vào Trường ĐH Sư phạm khoa Lịch sử và theo nghề cho đến tận bây giờ. Hơn ai hết, cô hiểu được vai trò vô cùng quan trọng của người giáo viên trong mắt học trò. Thầy cô có tạo được cảm hứng thì học trò mới yêu thích môn học. Với một môn phụ như môn lịch sử, vốn không nhận được nhiều thời gian đầu tư của học sinh, cô Hoa đã chọn dạy học trò mình theo một cách rất khác.

Cô Văn Thị Hoa bên học trò thương yêu của mình.

Cô Văn Thị Hoa bên học trò thương yêu của mình.

Môn lịch sử của cô không chỉ có những con số, những dữ liệu mà còn là những tiết học với các thước phim tư liệu; học sinh tự chuẩn bị bài và lên thuyết trình với Power Point để phát triển sự sáng tạo, tư duy cũng như thay đổi không khí lớp.

Qua mỗi bài giảng của mình, cô Hoa luôn dạy cho học trò điều quan trọng nhất sau từng sự kiện là phải rút ra được bài học lịch sử dưới nhiều góc độ, nhiều khía cạnh. Cách dạy của cô là tiếp nối những kiến thức trong sách giáo khoa đến những bài học về kỹ năng sống mà thực tế đang đòi hỏi.

Như tin đã đưa, tối 19-11, tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM) sẽ diễn ra lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 14 năm 2011 cho 30 thầy cô giáo tiêu biểu của TPHCM. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV 9 của Đài Truyền hình TPHCM từ 20 giờ 30. Từ hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc 3 trong số 30 gương mặt nhà giáo tiêu biểu đại diện cho 3 ngành học: mầm non, THPT và TH chuyên nghiệp.

Các giáo viên và học sinh trong trường đều nhận xét cô Hoa rất giản dị, nghiêm túc và hiền lành, yêu thương học sinh như con, nhận được rất nhiều sự tín nhiệm từ đồng nghiệp cũng như phụ huynh.

Cô Hoa chia sẻ, những ngày đầu mới đi dạy, cô rất khó tính, thường xét nét bắt lỗi học sinh. Học trò chỉ cần chưa lau bảng, chưa giặt giẽ hay đặt ghế ngồi của cô ở xa bàn giáo viên thì cô cũng phật lòng. Nhưng khi dạy học trò những bài học làm người, cô tự thấy chính mình nên là tấm gương trước nhất để các em học hỏi.

Khi ngồi cạnh một đồng nghiệp đang xếp lại những bài kiểm tra, cô Hoa bắt gặp một tờ giấy thi mà học sinh trong lúc vội vàng dứt từ tập ra đã làm thủng hai lỗ to, mất thẩm mỹ vô cùng và cô có hơi cằn nhằn.

Cô giáo đồng nghiệp nói: “Thôi kệ, chứ bắt học trò bỏ tờ giấy cũng tội nghiệp”. Từ đó, cô tự thấy nếu mình giữ nếp nghĩ này sẽ tạo ra cách biệt với học trò. Dần dà cô bớt nóng tính, và sau đó cô đã “thu phục” được rất nhiều những học trò cá biệt trong những năm làm công tác chủ nhiệm. “Mình có yêu thương học trò thì các em mới yêu thương mình được” - cô Hoa chia sẻ.

Với lớp chủ nhiệm, ban đầu học sinh cũng có tâm lý e dè, đối phó và co cụm. Cô Hoa tìm cách “đọc” tâm lý mỗi em qua bản sơ yếu lý lịch đầu năm, lọc ra những bạn cá biệt để có cách tiếp cận riêng. Nhờ có sự quan tâm, thân thiện, gần gũi đó mà học sinh nhiều thế hệ vẫn vô cùng yêu mến cô.

Cứ mỗi năm đến ngày 20-11, cô Hoa lại hân hoan đón chờ những thế hệ học sinh lần lượt trở về thăm, trút bầu tâm sự và chia sẻ với cô từ chuyện học hành, công việc, đến tình cảm. “Thấy học sinh của mình ngày một trưởng thành và mình cũng góp phần hun đúc nên tính cách, bản lĩnh cho các em, đó chính là điều hạnh phúc nhất trong quá trình theo nghề giáo”. 

MINH THƯƠNG

Tin cùng chuyên mục