Ngày thứ hai thi tốt nghiệp THPT - Chật vật với Sử, Địa

Khác với không khí hồ hởi trong ngày đầu, ngày thi thứ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT đã diễn ra “gay cấn” với nhiều nhận xét trái chiều: Người cho rằng đề thi, nhất là môn Địa tuy dài nhưng “dễ”, đề cập chủ yếu những kiến thức trọng tâm trong chương trình THPT, tập trung ở lớp 12; nhưng số đông các thí sinh lại cho rằng đề thi dài nên không kịp tổng hợp các kiến thức cần thiết cho một bài viết hoàn chỉnh. Đúng như dự đoán, năm nay, ngoài môn văn, hai môn sử và địa đều được coi là các môn “tử thần” khiến thí sinh lúng túng, tuy đã được luyện kỹ.
Ngày thứ hai thi tốt nghiệp THPT - Chật vật với Sử, Địa

Khác với không khí hồ hởi trong ngày đầu, ngày thi thứ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT đã diễn ra “gay cấn” với nhiều nhận xét trái chiều: Người cho rằng đề thi, nhất là môn Địa tuy dài nhưng “dễ”, đề cập chủ yếu những kiến thức trọng tâm trong chương trình THPT, tập trung ở lớp 12; nhưng số đông các thí sinh lại cho rằng đề thi dài nên không kịp tổng hợp các kiến thức cần thiết cho một bài viết hoàn chỉnh. Đúng như dự đoán, năm nay, ngoài môn văn, hai môn sử và địa đều được coi là các môn “tử thần” khiến thí sinh lúng túng, tuy đã được luyện kỹ.

  • Môn Địa: những ý kiến trái chiều

Tại Hà Nội, theo đánh giá chung của giáo viên và học sinh, đề thi Địa năm nay tuy hơi dài nhưng khá dễ. Các thí sinh ở Hội đồng thi THPT Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, tuy các em chủ yếu học khối A, không có thế mạnh về môn Địa, nhưng chỉ cần dùng Atlat Địa lý Việt Nam đã có thể dễ dàng kiếm được 5-6 điểm môn Địa. “Nói chung toàn kiến thức chúng em đã được thầy cô ôn luyện nhiều, không có gì khó khăn”.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Hương, Trường THPT Quỳnh Lưu 3, Nghệ An đang coi thi tại Hội đồng thi ở Quế Phong (Nghệ An), tuy ở Quế Phong chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số nhưng đề thi Địa sáng nay cũng không quá khó đối với các em. Nhiều em làm bài tốt.

“Đề thi yêu cầu học sinh trình bày kiến thức về đặc điểm khí hậu và đất đai, sự phân bố dân cư chưa hợp lý; tình hình phát triển du lịch; sản xuất công nghiệp và sự phân bố các nhà máy nhiệt điện..., nói chung đều là những kiến thức rất cơ bản”, cô Hương cho biết.

Vừa ra khỏi phòng thi các thí sinh xem lại tài liệu để kiểm tra bài thi môn Sử tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Du quận 10. Ảnh: MAI HẢI

Vừa ra khỏi phòng thi các thí sinh xem lại tài liệu để kiểm tra bài thi môn Sử tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Du quận 10. Ảnh: MAI HẢI

Có cách nghĩ khác, tại TPHCM, ghi nhận nhanh cho thấy không ít thí sinh nhận xét, đề thi Địa tương đối khó và dài, với chùm câu hỏi đòi hỏi kiến thức tổng hợp, dàn trải đã khiến thí sinh mất nhiều thời gian để hoàn thành. Không ít thí sinh đã không kịp làm trọn vẹn bài thi, dù đề thi hoàn toàn nằm trong nội dung đề cương ôn tập.

Em Nguyễn Hải Anh, học sinh Trường Nguyễn Trung Trực thi tại hội đồng thi THCS Quang Trung, chia sẻ: đề không quá khó nhưng kiến thức bao quát, đòi hỏi học sinh phải nắm thật chắc và có phương pháp làm bài khoa học mới mong đạt điểm cao. Em hoàn thành bài thi khi vừa hết giờ nhưng không trọn vẹn cho lắm.

Giống như Hải Anh, Trần Văn Thành, thi tại hội đồng thi Nguyễn Trung Trực cũng cho rằng đề thi môn Địa tương đối khó. Với học sinh học lực khá như em cũng chỉ hy vọng đạt điểm 7. Em đã hoàn thành gần như trọn vẹn đề thi nhưng ở câu hỏi sử dụng Atlat em làm chưa tốt.

“Em thấy câu hỏi đề thi có độ bao phủ khá rộng, trong từng câu chia ra làm nhiều phần khiến tụi em lúng túng trong việc chọn lựa và chọn phương án làm bài phù hợp. Nhiều bạn phòng em làm không kịp vì đề dài, làm mỗi câu một ít, em cũng vậy nên chắc điểm sẽ không cao. Em hy vọng mình đạt 6,5 điểm” - Thành nói.

Buổi sáng thi môn Địa, nhiều học sinh quên mang theo bản đồ Atlat Việt Nam mặc dù đây là một trong những tài liệu quan trọng để các em vận dụng khi làm bài thi. Tại hội đồng thi ở Trường THCS Minh Đức (quận 1, TPHCM), 20 học sinh không mang theo Atlat tỏ ra lo lắng, nhiều em bật khóc. Tuy rằng sau đó, một số phụ huynh ở cổng trường đã tìm mua và trao tận tay cho các em học sinh này. Trái ngược với tâm lý lo lắng đầu giờ, cuối buổi thi, các thí sinh tỏ ra hồ hởi với đề thi môn Địa, đa phần các TS nhận định đề thi khá hay.

  • Môn Sử: có thể đạt điểm trung bình

Đúng như dự đoán, sau đề thi môn Sử, các TS bước ra khỏi phòng thi với trạng thái mệt mỏi và căng thẳng. Đa phần các TS đều trả lời đề thi không quá khó, tuy nhiên đề thi yêu cầu TS phải chú ý các vấn đề nhỏ lẻ, nhìn chung điểm không cao nhưng vẫn có thể đạt điểm trung bình.

TS Phi Khanh, học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết: “Mặc dù trường yêu cầu học sinh phải học tất cả kiến thức trong sách giáo khoa. Tuy nhiên tâm lý chung của tụi em vẫn học tủ. Thế nhưng đề thi khác mọi năm là không yêu cầu TS phải trả lời trọn vẹn một sự kiện lớn hoặc một chiến dịch lớn nào. Đa phần là những kiến thức nhỏ lẻ và xung quanh các sự kiện, chiến dịch lớn đó”.

Đặc biệt, tại Hội đồng thi Trường THPT Hùng Vương, thí sinh Trần Nguyên Hưng cho biết: trong phòng thi nhiều bạn chỉ làm bài được khoảng 40 phút thì không làm tiếp được nên đã gục mặt trên bàn ngủ gật. Tại Hội đồng thi Trường Võ Thị Sáu tình trạng này cũng diễn ra tương tự.

Tại Hà Nội, khác với TPHCM, nhiều thí sinh cho biết môn Sử khá “dễ thở”, có thể kiếm điểm tốt. Tuy vậy, nhiều thí sinh than khó với câu hỏi về sử thế giới thuộc phần tự chọn. Tuy vậy vì câu này chỉ 3 điểm nên các em cho biết nếu làm tốt 2 câu sử Việt Nam cũng đã dễ dàng kiếm 6-7 điểm. Vì vậy nhiều em không lo điểm môn Sử.

Ngày mai 4-6, các thí sinh tiếp tục thi buổi sáng môn Toán; buổi chiều môn Ngoại ngữ, riêng thí sinh hệ GDTX thi môn Lý.


Khó đạt điểm 9, 10 

Trao đổi với PV Báo SGGP, thầy Trần Văn Quang, Tổ trưởng tổ Địa, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) cho biết: “Đề thi năm nay 60% câu hỏi kiểm tra thuần về mặt kiến thức, chỉ có 40% yêu cầu kỹ năng thực hành. Song, đây lại là phần thí sinh dễ kiếm điểm nhất do trong đề đã xác định cụ thể hình thức vẽ biểu đồ, không đòi hỏi phân tích nhiều về mặt số liệu. Riêng ở phần lý thuyết, ý 2 câu I.1 yêu cầu giải thích nguyên nhân phân hóa độ cao khí hậu giữa đai nhiệt đới gió mùa miền Bắc và miền Nam là một câu hỏi khó do không có trong bài giảng chương trình của Bộ GD-ĐT. Để làm được câu này, thí sinh phải tham khảo thêm phần bài tập trong sách giáo khoa, kết hợp cùng kỹ năng phân tích, tổng hợp mới có thể giành được trọn vẹn số điểm. Ngoài ra, câu III.1 hỏi về tình hình phát triển chăn nuôi gia súc ở vùng Trung du miền núi Bắc Bộ cũng là một câu hỏi khó khiến nhiều thí sinh cắn bút. Do trong khoảng 4 năm trở lại đây, phần Trung du miền núi Bắc Bộ đã được lặp đi lặp lại đến 3 lần trong các đề thi tốt nghiệp khiến nhiều thí sinh dự đoán năm nay đề không ra nữa, chỉ tập trung vào 6 vùng kinh tế trọng điểm còn lại. Mặt khác, các phần kiểm tra lý thuyết cũng nằm rải rác trong cả chương trình, đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng lựa chọn, tổng hợp kiến thức, nếu không sẽ dễ viết lan man, sa đà vào những phần không cần thiết”.

Thầy Quang dự báo, với đề thi năm nay, thí sinh dễ đạt điểm 6, 7 nhưng 9, 10 là điều rất khó.

Riêng ở câu II.2 yêu cầu thí sinh trình bày ý nghĩa của việc đánh bắt hải sản xa bờ đối với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng nước ta, thầy Nguyễn Đăng Lợi, giáo viên Địa Lý, Trường THPT Vĩnh Viễn, TPHCM cũng nhận xét, đây là một trong những câu hỏi tương đối hay và lạ, nội dung tuy nằm trong chương trình giáo khoa địa lý nhưng vấn đề biển đảo, khai thác kinh tế biển, an ninh quốc phòng đang rất thời sự, thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội. Do đó, đưa vào đề thi rất hợp lý.

Đối với khối GDTX, đề thi năm nay cũng được nhiều giáo viên đánh giá không dễ kiếm điểm. Do tập trung nhiều vào phần kiến thức của học kỳ 1 nên nếu không học kỹ bài, các em sẽ khó có kết quả cao. Các câu hỏi kiểm tra thuần về mặt kiến thức thuộc lòng ít hơn so với các năm trước, phần kiểm tra kỹ năng thực hành lại nhiều hơn khiến nhiều thí sinh loay hoay, làm không kịp bài trong thời lượng 90 phút.

Trái ngược với buổi thi sáng, môn Sử vào buổi chiều cùng ngày lại được nhiều giáo viên và học sinh đánh giá là nhẹ nhàng, nội dung bám sát chương trình, không có nhiều câu hỏi đánh đố thí sinh.

Cô Trần Thị Nga, Tổ trưởng bộ môn Sử, Trường THPT Phú Nhuận, TPHCM cho biết, các câu hỏi ở phần chung đề thi năm nay đều nằm trong chương trình sách giáo khoa, vừa tầm với học sinh trung bình, khá. Riêng ở phần tự chọn, cả 2 câu đều đòi hỏi thí sinh phải có thêm khả năng tư duy, phân tích mới hưởng được trọn số điểm.

Đồng quan điểm, thầy Đoàn Văn Đạo, Trung tâm luyện thi đại học Vĩnh Viễn cũng đánh giá, dự báo năm nay thí sinh học lực trung bình, khá vẫn dễ dàng đạt được điểm 6, 7. Riêng đối với các em học lực giỏi, đạt điểm 9, 10 sẽ không quá khó. Tuy nhiên, theo đánh giá của một giáo viên dạy Sử, Trường THPT Gia Định, câu 2 phần lịch sử Việt Nam hỏi về nội dung Hiệp định Paris, đây là phần đã ra trong đề thi đại học năm ngoái khiến nhiều thí sinh bỏ qua phần này. Do đó, nếu ôn tập không nghiêm túc, các em sẽ dễ bị “trật tủ”, mất điểm ở câu hỏi này.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Tôi đánh giá cao cách ra đề Sử năm nay. Đề giúp các em học sinh có thể làm bài tốt, đạt điểm mà không cần phải vắt óc nhớ quá nhiều sự kiện, con số, chi tiết. Đề Sử năm nay chủ yếu yêu cầu học sinh nắm được ý nghĩa của sự kiện để trình bày hiểu biết của mình, đó là một sự tiến bộ của việc ra đề Sử. Lâu nay xã hội bức xúc với tình trạng học sử, dạy sử hiện nay. Mùa thi năm trước đã có hàng ngàn bài Sử điểm 0 khiến ngành giáo dục phải nhìn lại cách dạy và học Sử trong nhà trường. Vừa qua, Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học lịch sử chúng tôi đã có nhiều cuộc bàn bạc để cải thiện việc học Sử, dạy Sử trong nhà trường, tôi tin là trong thời gian tới sẽ có nhiều cải thiện. Chúng ta có thể phải cần thêm thời gian, nhưng những nỗ lực của ngành giáo dục trong việc này là đáng được ghi nhận và ủng hộ”.

2 nông dân thi tốt nghiệp... lần 9

Đó là trường hợp của nông dân Lê Văn Hoàng (năm nay 53 tuổi, trú xã Vĩnh Biên, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) và Danh Út Hiền (54 tuổi, trú xã Vĩnh Quới, huyện Ngã Năm). 2 nông dân này thi chung tại phòng thi số 18, Hội đồng thi Trường THPT Mai Thanh Thế, huyện Ngã Năm. Anh Hoàng mang số báo danh 280429, còn của anh Út là 280427.

Do gia cảnh khó khăn nên tuổi nhỏ cả hai không được học hành đến nơi đến chốn, phải nghỉ học giữa chừng để phụ việc đồng áng cho gia đình. Đến tuổi trưởng thành, hai nông dân này cưới vợ, có con và chỉ đến khi cuộc sống sung túc, con cái trưởng thành, hai nông dân này mới có điều kiện tiếp tục việc khoa cử. Anh Hiển tâm sự: “Dù tuổi tác đã lớn nhưng chúng tôi không ngại, phải thi cử lấy bằng để làm gương cho con cháu mình”.

Dù đã cố công học tập nhưng do tuổi cao, cả 8 lần thi trước, sĩ tử Út và Hoàng đều thi trượt. Không chấp nhận số phận, kỳ thi năm nay, cả hai quyết định đi thi tiếp hòng lấy được bằng tốt nghiệp THPT. Cả hai cho biết, trong 4 buổi thi vừa qua, các anh làm bài tốt hơn mọi năm, khả năng trên trung bình. “Nếu năm nay chẳng may rớt nữa, năm tới chúng tôi lại tiếp tục thi chừng nào đậu mới thôi”, anh Út cười tươi, nói.

12 thí sinh bị đình chỉ thi 

Tổng hợp về ngày thi tốt nghiệp 3-6, Bộ GD-ĐT nhận định, đề thi của các môn Địa lý và Lịch sử được bảo mật an toàn tuyệt đối cho đến khi chuyển đến từng thí sinh trong các phòng thi.

Đề thi của các môn Địa và Sử tiếp tục nhận được sự đánh giá tích cực của thí sinh và dư luận xã hội nói chung: nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với nội dung học tập và ôn luyện, đảm bảo vừa sức, kiểm tra được kiến thức cơ bản và có khả năng phân hóa trình độ của thí sinh. Đề thi của cả hai môn được đánh giá có khả năng phân loại năng lực, trình độ người học.

Trong cả hai buổi thi, không có hiện tượng tung tin thất thiệt và không có ý kiến thắc mắc gì về đề thi, không có cán bộ coi thi vi phạm quy chế; cả nước có 12 thí sinh bị đình chỉ thi (5 thí sinh GD THPT và 7 thí sinh GDTX).

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục