Gieo chữ giữa biển khơi

Ai đã một lần ra Trường Sa hẳn sẽ rất ấn tượng khi nhìn thấy đám trẻ nô đùa tinh nghịch dưới bóng những cây phong ba, bàng vuông xanh thắm. Bất ngờ hơn khi gặp những lớp học đặc biệt giữa đảo khơi. Trường, lớp, giáo viên đều khác với đất liền nhưng tất cả đều có chung lý tưởng: Vì một thế hệ trẻ đang lớn dần nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Gieo chữ giữa biển khơi

Ai đã một lần ra Trường Sa hẳn sẽ rất ấn tượng khi nhìn thấy đám trẻ nô đùa tinh nghịch dưới bóng những cây phong ba, bàng vuông xanh thắm. Bất ngờ hơn khi gặp những lớp học đặc biệt giữa đảo khơi. Trường, lớp, giáo viên đều khác với đất liền nhưng tất cả đều có chung lý tưởng: Vì một thế hệ trẻ đang lớn dần nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

1. Đến xã đảo Song Tử Tây thuộc huyện Trường Sa (Khánh Hòa) vào những ngày cuối tháng 3-2011, chúng tôi rất ngạc nhiên khi tiếng học sinh tập đọc ê a hòa lẫn với những cung bậc thăng trầm của sóng biển. Lớp học nằm ngay trong trụ sở UBND xã, dưới những tán cây phong ba, bàng vuông đặc thù của vùng biển đảo phủ dày bóng mát. Cũng bàn ghế, cũng phấn trắng bảng đen, cũng những chương trình học phổ thông như đất liền. Bất ngờ với chúng tôi là sĩ số lớp học ở đây nhiều nhất chỉ 2 học sinh. Đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy cho con em trên đảo chủ yếu là cán bộ xã kiêm nhiệm. Toàn xã Song Tử Tây chỉ có 8 học sinh nhưng lại được chia thành 5 khối lớp (từ mầm non đến lớp 4) nên có lớp chỉ một học sinh.

Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây Đoàn Quốc Thái đang dạy học cho các em trên đảo.
Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây Đoàn Quốc Thái đang dạy học cho các em trên đảo.

Anh Đoàn Quốc Thái, quê huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) tình nguyện công tác ở đảo Song Từ Tây từ 3 năm qua. Anh là Phó chủ tịch UBND xã nhưng công việc chính của anh chủ yếu là dạy học. “Công việc hành chính ở xã thì nhàn trong khi các cháu ở đây chưa chưa có giáo viên chính thức để dạy. Không để các em thất học, với vốn kiến thức của mình, những cán bộ xã ở đây đều tìm cách tốt nhất để truyền đạt cho các em”, anh Thái giãi bày. Lớp học ở đây cũng khác với lớp học ở đất liền. Do quá ít học sinh nên các thầy giáo phải tổ chức dạy ghép. Nếu như đất liền 1 khối học có nhiều lớp thì ở đảo ngược lại, một lớp học có nhiều khối. Ghé lớp học bên cạnh do thầy giáo Nguyễn Đình Việt (cũng là Phó chủ tịch UBND xã) phụ trách. Hai đầu lớp hai chiếc bảng, học trò chia thành hai nhóm ngồi quay lưng lại với nhau.

Thầy giáo cứ ngược xuôi, xuôi ngược, hết viết ở bảng này xong, lại chạy đến bảng kia để vẽ hình, làm toán, giảng cho lớp khác. Hết nghe bên này lớp 2 tập đọc, tiếp đến lại quay sang chấm bài cho các em lớp 3 đang tập viết. Cháu Nguyễn Thị Linh Đoan, học sinh lớp 4 duy nhất thì đang cặm cụi làm toán. Khó khăn là vậy nhưng các học sinh ở đây năm nào cũng đạt loại khá. “Cuối năm nay cháu phải vào đất liền học rồi vì ở đảo chưa có ai dạy lớp 5. Các thầy bảo lớp 5 phải vào trong đất liền học để thi tốt nghiệp chuyển cấp chứ ở ngoài này không có hội đồng thi.

Cháu rất muốn học ngoài này cùng các em và được gần bố mẹ” – Linh Đoan bày tỏ nguyện vọng. Đó cũng là mong muốn của chính quyền và người dân xã đảo Song Tử Tây về việc có giáo viên đủ chuyên môn nghiệp vụ từ đất liền ra đảo để các em đỡ vất vả. “Bình thường tôi dạy lớp 3 và 4, nhưng thỉnh thoảng cũng phụ với thầy khác dạy các cháu mẫu giáo.

Mấy anh em đều là nam giới nên khi dạy các cháu hờn, khóc rất khó dỗ dành. Thậm chí lúc đầu có cháu đang học tè ra quần chúng tôi cũng lóng ngóng không biết xử lý thế nào. Nhưng rồi vì trách nhiệm và tình thương nên chúng tôi luôn gắn bó với lớp, với những công dân trẻ trên đảo. Nhìn các em ê a tập đọc, tập viết, ham học đến mức nửa đêm cũng nhờ phụ huynh đưa đến nhà để hỏi bài. Có thể nói chưa ở đâu tình thầy trò lại gắn bó với nhau như ở trên đảo”, thầy Thái giãi bày.

2. Ở đảo Sinh Tồn có 4 cán bộ có chức danh trong UBND xã thì cả bốn đều làm thầy giáo. Thầy Cao Văn Giáp, sinh năm 1984, Phó chủ tịch UBND xã và là giáo viên lớp 4. Khi chúng tôi đến đây làm một trắc nghiệm nho nhỏ về kiến thức của các em thì em nào cũng đọc vanh vách tên từng đảo lớn, đảo nhỏ ở quần đảo Trường Sa. Và trẻ em ở đây từ nhỏ đến lớn đều thuộc làu khúc quân ca Trường Sa. Thật xúc động khi các em trong giờ chơi luôn miệng hát đồng ca: “Biển này là của ta, đảo này là của ta…”.

Lớp học của thầy Giáp có lẽ là lớp học đặc biệt nhất trên thế giới. Bởi lẽ chỉ duy nhất 1 học sinh lớp 4. Góc bảng ghi rõ “Sĩ số 1, vắng 0”. Nhưng cũng lẽ vì cái đặc biệt đó mà thầy quan tâm đến học sinh của mình nhiều hơn. Thầy kể, học sinh Lê Thị Thục Quyên trước khi cùng gia đình ra đảo học lực rất yếu nhưng nay cháu học rất khá và sắp chuyển vào đất liền để học lớp 5 ở Cam Ranh.

Thầy Giáp không chịu nói nhiều về mình nhưng những đồng nghiệp của thầy kể: Sau khi học ở Đại học Đà Lạt, Giáp tham gia đội thanh niên tình nguyện của tỉnh Khánh Hòa đi vùng sâu, vùng xa để cống hiến vô thời hạn. Giáp từng làm việc ở một trung tâm giáo dục lao động của tỉnh nhà rồi tình nguyện lên giúp đồng bào dân tộc Rắc Lây ở xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa định canh định cư, làm kinh tế, nâng cao nhận thức. Rồi cũng theo tiếng gọi tình nguyện, năm 2008, Giáp chia tay bà con Rắc Lây ra với xã đảo Sinh Tồn.

Để rồi từ đó Giáp gắn bó với mảnh đất nhiều sóng gió nhưng luôn đầy ắp tình người. Giáp luôn tâm niệm một điều rằng, thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu giành lấy chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc thì thế hệ trẻ hôm nay phải có trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước.

3. Không như ở các xã đảo khác, tại đảo Trường Sa Lớn lần đầu tiên đã có một cô giáo được đào tạo bài bản xung phong ra đảo vì sự nghiệp trồng người. Đó là cô Bùi Thị Nhung. Sinh năm 1981, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, cô Nhung từng dạy học ở Trường Tiểu học xã Suối Cát (Cam Lâm, Khánh Hòa) trước khi cùng chồng con ra đảo định cư. Cũng như lớp học ghép trên đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn nhưng ở Trường Sa Lớn, một mình cô Nhung dạy từ mẫu giáo đến lớp 4.

Tổng số học sinh ở đây có 11 cháu, trong đó có hai cháu học lớp 4, một cháu học lớp 3, hai cháu học lớp 2 và sáu cháu học lớp mẫu giáo. Cô Nhung cho biết: “Nếu tính về sĩ số thì chỉ bằng 1/4 lớp thường trong đất liền nhưng cái cực nhất ở đây mình phải dạy tất cả các khối lớp trong cùng 1 lớp”. Quả thật, một mình cô Nhung dạy hết tất cả các môn cho tất cả các lớp. Cả sáng lẫn chiều, khi dạy tập viết, tập đọc cho học sinh lớp 1, lúc dạy văn, dạy toán cho các em lớp 2, lớp 3, lớp 4. Riêng lớp 4, cô phải soạn giáo án đến 11 môn học, các lớp 2 và 3 phải soạn 9 môn. Đó là chưa kể ở đảo Trường Sa Lớn được mọi người gọi vui là cô là người có nhiều chức danh nhất: hiệu trưởng, thủ quỹ, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn...
 
Theo cô Nhung, dù thiếu thốn về trang thiết bị và điều kiện dạy học so với đất liền, nhưng với sĩ số học sinh ít, nên có thời gian kèm cặp, giảng bài cụ thể, chi tiết hơn. Cô Nhung cũng ấp ủ sẽ truyền đạt vốn kiến thức ngoại ngữ và vi tính ít ỏi của mình để cho học sinh không còn “lạc hậu” khi vào học ở đất liền.

Khi được hỏi về động lực nào đã đưa cô đến với các trẻ ngoài đảo, cô Nhung nhớ lại: “Khi tôi quyết định đi, cô hiệu trưởng và các em học sinh trường cũ khuyên tôi ở lại. Nhưng tôi nghĩ các em ở ngoài đảo đang rất cần giáo viên nên quyết tâm ra đi. Ban đầu cũng phải thuyết phục gia đình và chồng. Cũng may chồng tôi hiểu và thông cảm và cùng nhau ra đảo”. Kết quả của sự chung sức đồng lòng là một thành viên mới của gia đình cô sẽ ra đời vào tháng 5 tới và hiện tại chồng cô cũng đã có công việc ổn định trên đảo và quyết tâm gắn bó lâu dài với biển đảo, với các thiên thần nhỏ của cô.

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục