Giỏi việc nước, đảm việc nhà

Chúng ta kỷ niệm 105 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và 1.975 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong sự tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; trong mối quan tâm nhằm phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã nêu tấm gương trung trinh, tiết liệt, luôn xứng đáng là lớp hậu duệ của Bà Trưng, Bà Triệu… làm rạng ngời truyền thống “Anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang”. Đức hy sinh của người phụ nữ, của các bà mẹ Việt Nam cho đất nước là vô cùng cao cả. 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là dịp nhắc nhở truyền thống, chiến công mà trong đó có sự đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ, của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tượng đài của mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam, mẹ Suốt ở Quảng Bình, mẹ Nguyễn Thị Rành ở TPHCM, của những bà mẹ trên khắp mọi miền Tổ quốc… luôn đẹp mãi trong tâm thức người Việt Nam. Không có tấm huân chương nào, phần thưởng nào bù đắp sự hy sinh tột cùng của các bà mẹ dành cho Tổ quốc. Tổ quốc và mẹ chính là hai điều thiêng liêng nhất trong tâm tưởng mỗi chúng ta.

Trong thời kỳ xây dựng đất nước, người phụ nữ vẫn gánh nặng hai vai việc nước, việc nhà; vừa lo cho gia đình, chăm sóc con cái, vừa vươn ra xã hội, nhận lãnh những trọng trách lớn lao. Chiếm trên 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Trong đó nhiều ngành sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, chế biến, dệt may, y tế, giáo dục… phụ nữ chiếm tỷ lệ khá cao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã luôn tạo điều kiện phát huy vai trò phụ nữ. Hiến pháp 2013 khẳng định quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, trong đó nêu rõ vấn đề bình đẳng giới: “Công dân nam nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Hiện nay, Quốc hội tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới, tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới… nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Nghị quyết 11 năm 2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có nêu chỉ tiêu: “Việt Nam phấn đấu đạt 35% nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân”. Gần đây, Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp, đã nêu: “phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có cán bộ nữ trong ban thường vụ cấp ủy”.

Cho đến nay, việc thực hiện chỉ tiêu đề ra của Đảng, cũng như một số chỉ tiêu quốc gia về bình đẳng giới còn đạt thấp. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2011-2016 chưa đạt yêu cầu (nữ đại biểu Quốc hội là 24,4%, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 25,17%). Hiện có 15/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có cán bộ chủ chốt là nữ và 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân là nữ. Trong đời sống gia đình, ở không ít địa phương, tình trạng bạo lực gia đình vẫn chưa giảm mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng số vụ bạo lực gia đình năm qua là gần 15.000 vụ. Đánh giá chung là nhận thức về bình đẳng giới trong xã hội còn những hạn chế nhất định. Trách nhiệm giải trình khi không thực hiện các chỉ tiêu cũng chưa rõ. Chính vì thế, khi tiến hành đại hội Đảng các cấp nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế, giải pháp khả thi nhằm tạo sự bình đẳng về vị thế, cơ hội… cho phụ nữ, cán bộ nữ.

Đối với phụ nữ, dù được tạo điều kiện cống hiến và vươn ra xã hội đến đâu, vẫn luôn không ngừng phấn đấu, rèn luyện để vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà. Để giỏi việc nước, đòi hỏi phải có trình độ văn hóa, tri thức khoa học, hiểu biết pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp… Và ở những vị trí quản lý nhà nước, quyết định chính sách… còn đòi hỏi phải có trình độ toàn diện, chuyên sâu và am hiểu thực tiễn. Để đảm việc nhà, làm tốt vai trò “giữ lửa” trong gia đình, đòi hỏi phải có tình thương, trách nhiệm, kiến thức nuôi dạy con, năng lực tổ chức cuộc sống… sao cho gia đình ấm no, hạnh phúc. Đó là những công việc không hề nhẹ và không thể xem nhẹ, nhiều khi phải giảm những sở thích riêng, nhu cầu riêng.

Phụ nữ thời hiện đại, thời hội nhập và phát triển, tuy có nhiều mặt thuận lợi hơn so với trước nhưng với vai trò và thiên chức của mình vẫn như luôn đứng trước những đòi hỏi nặng nề và chịu nhiều áp lực. Đảng, Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện để phát huy vai trò phụ nữ, nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ, bản thân cán bộ nữ cũng không ngừng phấn đấu để hoàn thiện hơn, giỏi giang hơn.

Phụ nữ luôn sát cánh cùng nam giới trong xây dựng và bảo vệ gia đình, cộng đồng và đất nước. Nam giới, cộng đồng và xã hội chúng ta vẫn luôn đồng hành, san sẻ cùng giới nữ. Trong lúc nhận thức giới vẫn còn có chỗ, có nơi lệch lạc, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau làm thay đổi định kiến giới một cách căn bản, bền vững để gia đình và xã hội Việt Nam không ngừng vươn tới ấm no, hạnh phúc và giàu mạnh. Trong đó TPHCM luôn là địa phương tự đặt ra cho mình những mục tiêu tích cực về kinh tế -xã hội, về bình đẳng giới… và công tác cán bộ nữ.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục