Giỡn mặt với… “bom nổ chậm”

Trên địa bàn TPHCM, việc quản lý các loại bình khí nén dường như đang bị thả nổi trong khi thời gian qua, khá nhiều vụ nổ bình khí nén xảy ra gây bất an cho người dân. Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, việc dùng bình khí nén bơm bóng bay không khác gì giỡn mặt với… bom nổ chậm!
Giỡn mặt với… “bom nổ chậm”

Trên địa bàn TPHCM, việc quản lý các loại bình khí nén dường như đang bị thả nổi trong khi thời gian qua, khá nhiều vụ nổ bình khí nén xảy ra gây bất an cho người dân. Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, việc dùng bình khí nén bơm bóng bay không khác gì giỡn mặt với… bom nổ chậm!

Hiện trường một vụ nổ bình hơi. Ảnh: TUẤN VŨ

Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, trên địa bàn TPHCM có rất nhiều điểm bơm vá xe sử dụng bình khí nén - thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng không nắm rõ các yêu cầu về an toàn đối với thiết bị nên trong quá trình sử dụng đã xảy ra nhiều sự cố gây hậu quả nghiêm trọng. TPHCM từng xảy ra vụ phát nổ bình khí nén tại điểm sửa xe, bơm hơi lưu động nằm trên đường dẫn vào đường cao tốc Tân Tạo - Chợ Đệm (huyện Bình Chánh); nổ bình khí nén ở tiệm sửa xe trên đường Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận), đều gây ra thương vong.

Liên quan đến bình khí nén, việc dùng bình khí nén bơm bóng bay được Cảnh sát PCCC TPHCM coi không khác gì giỡn mặt với… bom nổ chậm! Được biết, các bình khí nén để bơm bóng bay hầu hết là loại bình cũ kỹ được tận dụng lại từ các bình chứa khí ôxy (O2) hay axetilen (C2H2) hoặc bình tự chế. Các loại bình nén khí không hề được kiểm tra, kiểm định, cũng không có đồng hồ đo áp suất hay van điều áp. Không những tràn lan các loại bình quá cũ không được kiểm định, người dân còn sử dụng nhiều loại bình nén khí tự chế, nhập lậu có chất lượng kém. Với các loại bình này, chỉ cần nén khí vào bình vượt quá mức cho phép hoặc gặp nhiệt độ cao là các bình có thể phát nổ với sức công phá kinh hoàng, gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong khi đó, quy trình điều chế khí hydrô nói riêng và các loại khí nén nói chung diễn ra tự phát, không tuân theo quy trình, tiêu chuẩn nào. Dù dùng khí hydrô hay axêtilen bơm bóng bay cũng đều rất nguy hiểm về cháy nổ vì hai khí này rất dễ cháy và có thể gây nổ, đặc biệt là khí hydrô. Vụ bình khí nén tại một căn nhà trên đường Nguyễn Văn Công (quận Gò Vấp) nổ khiến một người tử vong tại chỗ và 2 người bị thương nặng cho thấy hiểm họa khôn lường từ những “quả bom nổ chậm”.

Cảnh sát PCCC TPHCM khuyến cáo, khi xảy ra các vụ cháy, nổ do bình khí nén, người dân cần lưu ý, hiện trường là môi trường có chứa magiê (như vụ nổ trên) thì không được dùng nước để dập lửa, vì nước làm magiê cháy dữ dội hơn. Các bình cứu hỏa chứa điôxít cacbon CO2 cũng không được dùng do magiê cháy trong cacbonic. Vì thế, phải dập lửa bằng cát hay các bình cứu hỏa bằng hóa chất khô cấp D (nếu có)

Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, hiện chưa có tiêu chuẩn về sản xuất, sử dụng hydrô nên việc xử lý các trường hợp như nêu trên gặp khá nhiều khó khăn. Việc quản lý các loại bình khí nén dường như đang bị thả nổi trong khi thời gian qua, khá nhiều vụ nổ bình khí nén xảy ra gây bất an cho người dân. Vì thế, việc sản xuất, vận chuyển và sử dụng các loại khí nén trong bình kim loại cần có một quy định rõ ràng, cụ thể và phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn.

LÊ ANH QUÂN

Tin cùng chuyên mục