Sổ tay

Giúp gia đình nạn nhân bằng “sổ tiết kiệm có điều kiện”

Sau khi xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ được thông tin trên báo đài, ngay lập tức nhiều tổ chức, cá nhân khắp nơi hỗ trợ tiền của giúp gia đình các nạn nhân vượt qua nỗi đau. Tính đến chiều ngày 6- 10, ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long (nơi có người chết nhiều nhất) đón trên 300 đoàn đến cứu trợ. Một số gia đình nạn nhân được các tổ chức, cá nhân giúp đỡ khoảng 100 triệu đồng, có hộ nhận từ 300- 400 triệu đồng trở lên… Số tiền rất lớn đối với người dân nông thôn.

Có thể nói, đây là đợt giúp đỡ gia đình có người bị nạn rất lớn, thể hiện đạo lý “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Tất cả tấm lòng của những nhà hảo tâm là đáng quý và đáng trân trọng. Tuy nhiên, mấy ngày qua ở Bình Minh xảy ra một số trường hợp đáng tiếc khi người chết chưa yên thì nội bộ gia đình tranh giành tiền cứu trợ (!?).

Mẹ chồng làm đơn yêu cầu chính quyền can thiệp khi con dâu giữ hết tiền bạc mà không chi cho bà? Gia đình cha ruột và cha vợ giành làm đám tang để được nhận cứu trợ. Anh em trong nhà đòi tiền nhau vì thấy các nhà hảo tâm giúp đỡ quá nhiều. Thậm chí có trường hợp, chồng đang bị thương nặng chưa biết ra sao nhưng vợ lấy tiền cứu trợ đi mua điện thoại di động…? Chuyện chi tiêu và giành tiền cứu trợ đang làm đau đầu các ngành chức năng huyện Bình Minh. Vấn đề đặt ra hiện nay là nhanh chóng giải quyết tiền cứu trợ hợp lý nhằm tránh xảy ra những mâu thuẫn đáng tiếc.

Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang đề xuất: “Không nên cứu trợ bằng tiền quá nhiều như hiện nay, mà tính đến một giải pháp căn cơ hơn. Có thể đầu tư cố định như nhận đỡ đầu con em nạn nhân học hành, lập quỹ giải quyết việc làm, hoặc xây nhà cho gia đình nghèo… Làm như vậy mới hiệu quả”.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Thế, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Minh cho biết: “Tới đây, huyện sẽ điều tra nắm lại từng hoàn cảnh cụ thể của các gia đình để cứu trợ hợp lý. Có thể gởi tiết kiệm, lo nhà cửa… chứ không cứu trợ bằng tiền nữa”.

Ông Nguyễn Thành Loan Tư, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Vĩnh Long nói: “Tỉnh đang phối hợp cùng các ngành chức năng khảo sát xem từng gia đình đã nhận cứu trợ bao nhiêu. Vận động bà con sử dụng đúng mục đích, giúp họ quản lý vốn không để thất thoát. Phía Vĩnh Long và TP Cần Thơ vừa thống nhất trao tiền cứu trợ đợt 3 cho những gia đình có người chết và bị thương nặng đặc biệt là 100 triệu đồng/người; bị thương nặng 80 triệu đồng/người; bị thương trung bình 50 triệu đồng/người; bị thương nhẹ 5- 10 triệu đồng/người… Số tiền cứu trợ được trao cho gia đình nạn nhân theo phương thức lập “sổ tiết kiệm có điều kiện” tại ngân hàng gần nhất.

Hàng tháng chủ hộ được rút lãi chi tiêu, nhưng không được tự ý rút tiền gốc. Nếu muốn rút tiền gốc phải có lý do hợp lý và được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Giao cho UBND xã và ngân hàng quản lý chặt những hộ được cấp “sổ tiết kiệm có điều kiện”, không để thất thoát.

UBND huyện Bình Minh hoan nghênh sáng kiến của Báo SGGP về việc xây nhà ở cho gia đình khó khăn, Báo Tuổi trẻ tặng học bổng tiếp sức cho con em những nạn nhân đến trường… Đây được xem là những giải pháp hiệu quả, lâu dài.

Huyện Bình Minh cám ơn sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân và khuyến cáo không nên cứu trợ trực tiếp từng gia đình mà tập trung tại nơi tiếp nhận của MTTQ tỉnh và huyện. Từ đây, số tiền sẽ được phân phối đúng mục đích, tránh được chuyện tranh giành tiền bạc trong gia đình những nạn nhân. 

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Thông tin liên quan:

- Báo SGGP thành lập “Quỹ hỗ trợ nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ”

Sẽ tổ chức lễ truy điệu các nạn nhân vào chiều Chủ nhật 30-09

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Chăm lo người sống là tỏ ân tình với người qua đời

Nỗ lực khắc phục thảm họa

Tin cùng chuyên mục