Vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ: Nỗ lực khắc phục thảm họa

Khẩn trương dọn dẹp hiện trường
Vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ: Nỗ lực khắc phục thảm họa

Bước sang ngày thứ 2 của thảm họa sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, các đơn vị cứu hộ vẫn khẩn trương tìm kiếm nạn nhân mất tích. Chuyến thăm, động viên của Chủ tịch nước như kịp thời sưởi ấm tấm lòng quân dân Cần Thơ- Vĩnh Long. Bên cạnh những cố gắng, nỗ lực kịp thời, vẫn còn đó những điều cần phải được làm rõ để yên lòng các nạn nhân xấu số.

Khẩn trương dọn dẹp hiện trường

Vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ: Nỗ lực khắc phục thảm họa ảnh 1

Đội ngũ y tế và tình nguyện viên nỗ lực cứu chữa người bị nạn

Vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ: Nỗ lực khắc phục thảm họa ảnh 2

Đội ngũ y tế và tình nguyện viên nỗ lực cứu chữa người bị nạn

Trong suốt đêm 26 và ngày 27- 9, bằng những nỗ lực không mệt mỏi, lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm thi thể những nạn nhân còn kẹt lại dưới khối bê- tông, giàn giáo đổ sập. Từ sáng sớm 27-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có mặt tại hiện trường để chủ trì buổi họp với các bộ, ngành liên quan, bàn biện pháp khắc phục hậu quả. Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị khẩn trương xác định và tìm cách đưa nạn nhân ra ngoài càng sớm càng tốt.

Theo đề xuất của nhà thầu chính Nhật Bản, biện pháp cứu hộ và dọn dẹp hiện trường sẽ được tiến hành bằng cách phá từng mảng bê- tông từ trên trụ xuống nhằm tránh khả năng sập tiếp theo. Hiện các đơn vị đã cắt 2 mảng bê tông của 2 trụ 13-14 và sẽ tiếp tục cắt ở các trụ khác.

Từ sáng 27-9, một cơn mưa lớn kéo dài đến tận chiều, đã làm công tác cứu hộ thêm khó khăn. Dù vậy, đến 20 giờ tối qua, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm 8 tử thi (trong đó, 7 nạn nhân đều là công nhân của Công ty Vĩnh Thịnh, cùng huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; thi thể còn lại chưa đưa được ra khỏi hiện trường). Kết hợp với thống kê của các bệnh viện, đến chiều tối 27-9, thảm họa sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ làm ít nhất 45 người chết (đã tìm thấy thi thể).

Hiện tại, các bệnh viện đang điều trị cho 76 nạn nhân, trong đó có 17 nạn nhân bị thương nặng, 2 nạn nhân bị thương rất nặng và 1 người phải chuyển lên TPHCM. Trong khi đó, theo báo cáo chính thức của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào sáng 27-9, tổng số công nhân bị tai nạn là 122 người…

Một cán bộ công an khám nghiệm tử thi cho biết, xác của 2 nạn nhân được đưa ra khỏi hiện trường trong chiều tối qua là Phạm Minh Quân (SN 1958) và Nguyễn Văn Sơn (SN 1967), đã bắt đầu phân hủy. Do vậy, lực lượng pháp y phải dùng các biện pháp nghiệp vụ giúp gia đình nạn nhân nhận dạng người thân để đưa về an táng.

Theo thống kê của nhà thầu, dưới đống đổ nát còn khoảng 10 nạn nhân mắc kẹt. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, cơ hội sống sót của họ rất mong manh. Vấn đề đặt ra là sớm thu dọn hiện trường và nhanh chóng khôi phục thi công để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.

Nhiều nạn nhân không được hưởng trợ cấp tai nạn lao động

Danh sách 8 nạn nhân vừa được tìm thấy

Huỳnh Văn Thanh
Đặng Văn Sóc
Dương Văn Khải
Nguyễn Văn Mùa
Lê Văn Thạnh
Phạm Minh Quân
Nguyễn Văn Sơn
Người thứ 8 chưa được đưa ra khỏi hiện trường

1981
1976
1980
1976
1964
1958
1967

 

Nhiều công nhân còn sống sót cho biết: Có người làm việc đã lâu, có người vài tháng nhưng hầu hết không được người sử dụng lao động (các nhà thầu phụ) đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế và không ký hợp đồng lao động...

Khi xác minh thông tin này vào chiều 27-9, Huỳnh Thị Ngọc Linh, Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long, khẳng định: 2 nhà thầu phụ là công ty Vĩnh Thịnh và công ty VSL không đóng BHXH cho người lao động ở chỗ chúng tôi. Có khả năng, họ đóng BHXH tại Cần Thơ vì đây là gói thầu số 2- cầu chính- do 3 nhà thầu Nhật Bản đảm trách. Hiện BHXH Vĩnh Long đang kiểm tra toàn bộ lao động người Vĩnh Long làm việc trong các công trường xây dựng cầu Cần Thơ có tham gia BHXH hay không.

Chúng tôi lại làm việc với Giám đốc BHXH TP Cần Thơ Trần Văn Minh và được ông cho biết: Liên danh 3 nhà thầu chính của Nhật Bản là Taisei- Kajima-Nippon Steel có tham gia BHXH, bảo hiểm y tế cho người Việt Nam từ tháng 11- 2005. Hiện tại, có 91 người Việt Nam đang làm việc cho liên danh này có BHXH và bảo hiểm y tế. 2 nhà thầu phụ là công ty Vĩnh Thịnh và công ty VSL hoàn toàn không tham gia BHXH tại Cần Thơ. BHXH TP Cần Thơ còn xác nhận: Nhà thầu Trung Quốc (gói thầu số 3- cầu Cần Thơ) đến giờ này vẫn chưa đóng BHXH cho lao động người Việt Nam đang làm việc cho họ. BHXH tỉnh Vĩnh Long cũng khẳng định các nhà thầu Việt Nam trong gói thầu số 1 cũng không đóng BHXH cho lao động Vĩnh Long đang làm việc trong công trường xây dựng…

Bộ Y tế chi viện 8 máy thở

Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã gửi thư khen và thưởng nóng 290 triệu đồng đối với các đơn vị y tế trực tiếp vận chuyển, cấp cứu, điều trị các nạn nhân. Ông cũng nhiệt liệt biểu dương và khen ngợi tinh thần hết lòng vì người bệnh trong 24 giờ tham gia vận chuyển, cấp cứu nạn nhân của Trung đoàn Cảnh sát cơ động 21 (Bộ Công an).

Bộ Y tế cũng quyết định cấp 5 máy thở cho Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, 2 máy cho Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ và 1 máy cho Bệnh viện 121 (Quân khu 9). Bộ cũng đã tổ chức cuộc vận động và đã quyên góp được hơn 91 triệu đồng ủng hộ các nạn nhân- tính đến chiều qua… Đoàn cán bộ tăng cường của Bệnh viện Chợ Rẫy gồm 29 bác sỹ và điều dưỡng vẫn tiếp tục làm việc tại các bệnh viện trên địa bàn TP Cần Thơ.

Sở Y tế TPHCM tiếp tục cử bác sỹ và điều dưỡng của các bệnh viện: 115, Bình Dân, Chấn thương chỉnh hình và Trưng Vương tới hỗ trợ ngành y tế Cần Thơ. Theo Sở Y tế Cần Thơ, tính đến chiều 27-9, đã có 77 nạn nhân được cấp cứu và điều trị miễn phí tại các cơ sở điều trị, trong đó có 14 người bị thương rất nặng.

NHÓM PV

Thiệt hại khoảng 2,5 triệu USD
* Tổng trị giá hợp đồng bảo hiểm cầu Cần Thơ: Trên 3.210 tỷ đồng

Hôm qua 27-9, Công ty Bảo hiểm PJICO- cùng với Công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), là 2 nhà bảo hiểm chính của dự án xây cầu Cần Thơ- cho biết: PJICO và PVI đã chỉ định Công ty Giám định quốc tế Crawford tới hiện trường để xác định thiệt hại.

Theo đánh giá ban đầu trên cơ sở các hồ sơ, hóa đơn thầu, thiệt hại của vụ tai nạn được xác định khoảng 2,5 triệu USD. Trên cơ sở nguyên nhân và tổn thất thực tế được xác định, PJICO khẳng định sẽ thực hiện trách nhiệm của mình. Được biết, tổng trị giá hợp đồng bảo hiểm cầu Cần Thơ là trên 3.210 tỷ đồng, tương đương 100% trị giá các hạng mục được bảo hiểm.

Ngoài việc bảo hiểm phần thiệt hại vật chất công trình, PJICO còn bảo hiểm con người, công nhân các nhà thầu thi công, với mức trách nhiệm 10 triệu đồng/người. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Tổng giám đốc PJICO Nguyễn Anh Dũng đã đến hiện trường và quyết định giải quyết bồi thường ngay theo hợp đồng đã ký với PJICO. Ngoài ra, PJICO cũng quyết định hỗ trợ các nạn nhân 200 triệu đồng.

HÀM YÊN


Trong khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vẫn di chuyển như “con thoi” xung quanh hiện trường để chỉ đạo khắc phục hậu quả, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã có cuộc trao đổi với nhiều PV gần nơi xảy ra sự cố. Không hẹn mà gặp, cánh báo chí đều tập trung “truy vấn” những câu hỏi mà dư luận đã xầm xì mấy ngày qua với Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng.

Bắt đầu là thông tin vết nứt và lún sàn đã được phát hiện trước khi vụ sập xảy ra? “Tôi có nghe thông tin này hôm qua (ngày 26-9), nhưng phải chờ cơ quan giám định”- Bộ trưởng trả lời. Cánh báo chí tiếp tục “truy”: Thực chất nhà thầu Nhật Bản có bán thầu hay không?. Bộ trưởng cho biết phía nhà thầu Nhật có bán thầu cho Việt Nam. Tuy nhiên khi PV hỏi bộ trưởng về thông tin nhà thầu Việt Nam tiếp tục bán cho nhà thầu nhỏ hơn, ông cho rằng, chưa nắm được thông tin này.

Về tình hình công nhân làm việc trên công trường không có hợp đồng lao động, không BHXH, ông Dũng lại bảo: “Chỉ mới nghe thông tin hôm qua và đang chờ các cơ quan điều tra kiểm chứng. Song, không loại trừ khả năng này”. Cánh báo chí tiếp tục “Nếu phát hiện…”. Ông Dũng trả lời: “Thì xử đúng theo pháp luật”.

- Vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ: Tìm thêm được thi thể 8 nạn nhân

Tin cùng chuyên mục