Trước đó, giải trình, tiếp thu về một số chỉ tiêu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mục tiêu tăng GDP năm 2020 khoảng 6,8% là mức hợp lý, bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội.
Về vấn đề nhập siêu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, kinh tế và thương mại thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo tiếp tục giảm tốc; xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng; xu hướng tăng của dòng vốn đầu tư nước ngoài để đón đầu cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu có thể dẫn đến kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu tăng cao… Do vậy, khả năng năm 2020 sẽ nhập siêu, vì thế giữ mục tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% để phấn đấu.
Trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc và theo dự báo có khả năng tiến tới ngưỡng suy thoái toàn cầu, thì mức tăng trưởng 6,8% của một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là gian nan. Một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế là khu vực kinh tế tư nhân. Tính đến hết 9 tháng năm 2019, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng, đạt hơn 102.300 doanh nghiệp nhưng cũng có hơn 54.420 doanh nghiệp giải thể, phá sản. Theo Ủy ban Kinh tế, dù điều kiện kinh doanh đã cắt giảm, vượt mục tiêu đề ra song vẫn còn những quan ngại cho rằng điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp; một số chính sách trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải chờ nhiều văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm vẫn chưa được khắc phục, vốn giải ngân một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn nhiều vướng mắc. Trong hoạt động xuất khẩu, Ủy ban Kinh tế cũng bày tỏ lo ngại và đề nghị Chính phủ phân tích rõ các yếu tố tác động khiến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến, và ở chiều ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc tăng.
Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000USD. Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào nhóm đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù họ bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn. Do đó, để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, cần thiết phải có những mũi nhọn đột phá như: trình độ lao động; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; khởi nghiệp sáng tạo... Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, để kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, cần tiếp tục dành nguồn lực xây dựng hệ thống luật pháp đồng bộ và ổn định; sớm xây dựng khung khổ pháp lý liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý và hỗ trợ cho sự phát triển mô hình kinh doanh mới, đổi mới sáng tạo…
Các chỉ tiêu như về tăng trưởng GDP, CPI, tăng trưởng xuất nhập khẩu, nhập siêu… được Quốc hội thông qua lần này khá tương đồng với các chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết nghị cho năm 2019. Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch năm 2020 là không dễ khi mà năm 2019, các chỉ tiêu đã đạt được ở mức khá cao, nhất là đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn có những thách thức khó lường, còn trong nước vẫn còn đó nhiều tồn tại, hạn chế chưa thực sự được khắc phục (như giải ngân vốn đầu tư công chậm). Theo các chuyên gia, để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới, động lực chính là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Những giải pháp được nhắc tới vẫn là: tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động…