Hai tàu hải quân New Zealand thăm hữu nghị Việt Nam

Trưa 24-9, hai tàu hải quân New Zealand gồm tàu hộ vệ tên lửa HMNZS Te Mana và tàu tiếp tế HMNZS Aotearoa do Chuẩn Đô đốc James Gilmmour, Tư lệnh Liên quân New Zealand dẫn đầu đã cập Cảng quốc tế TPHCM, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Việt Nam trong 5 ngày.
Thượng tá Lê Anh Hoài, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đón Chuẩn Đô đốc James Gilmmour, Tư lệnh Liên quân New Zealand. Ảnh: TTXVN

Thượng tá Lê Anh Hoài, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đón Chuẩn Đô đốc James Gilmmour, Tư lệnh Liên quân New Zealand. Ảnh: TTXVN

Chuẩn Đô đốc James Gilmmour, Tư lệnh Liên quân New Zealand cho biết, chuyến thăm của hai tàu hải quân New Zealand đến Việt Nam diễn ra sau chuyến thăm thành công của Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tới New Zealand vào tháng 7-2023.

Chuyến thăm lần này là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác sâu sắc giữa New Zealand và Việt Nam, góp phần thắt chặt mối quan hệ quốc phòng cũng như giữa nhân dân hai nước.

New Zealand cam kết hợp tác quốc phòng với Việt Nam trên cơ sở thượng tôn pháp luật quốc tế và các quy định dựa trên luật lệ về tự do hàng hải và tin tưởng việc phát triển và mở rộng quan hệ song phương giữa hai nước sẽ góp phần duy trì an ninh khu vực.

Các sĩ quan trên hai tàu Hải quân Hoàng gia New Zealand cùng đến thăm Việt Nam

Các sĩ quan trên hai tàu Hải quân Hoàng gia New Zealand cùng đến thăm Việt Nam

“Thủy thủ đoàn của hai tàu HMNZS Te Mana và HMNZS Aotearoa rất vui mừng được đến thăm Việt Nam. Họ rất háo hức được tìm hiểu về văn hóa và con người Việt Nam, cũng như chia sẻ một chút văn hóa “Kiwi” tới các bạn Việt Nam”- Tư lệnh Liên quân New Zealand, Chuẩn Đô đốc James Gilmour cho biết.

Tàu Hải quân Hoàng gia New Zealand cập cảng Sài Gòn

Tàu Hải quân Hoàng gia New Zealand cập cảng Sài Gòn

Trong những năm qua, New Zealand và Việt Nam thường xuyên trao đổi thông tin và thúc đẩy hợp tác qua cơ chế Đối thoại chiến lược quốc phòng thường niên và đối thoại chính sách quốc phòng thường niên, cũng như trong các khuôn khổ đa phương như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).

Trong thời gian 5 ngày lưu trú tại TPHCM, đoàn sĩ quan và thủy thủ sẽ tham gia nhiều hoạt động, bao gồm các buổi giao lưu, gặp gỡ giữa hải quân hai nước, giao hữu thể thao và các hoạt động cộng đồng. Hai tàu của hải quân New Zealand cũng sẽ tham gia diễn tập sa bàn với Bộ Tư lệnh Vùng 2 của Hải quân Việt Nam về các quy tắc ứng xử trong các cuộc gặp trên biển.

Tàu được trang bị nhiều thiết bị hiện đại

Tàu được trang bị nhiều thiết bị hiện đại

Tàu hộ vệ tên lửa HMNNZS Te Mana mang số hiệu F111 dài 118m, rộng 14,8m, mớn nước 6,2m, lượng giãn nước 3.660 tấn, có tốc độ tối đa hơn 50km/giờ, phạm vi hoạt động hơn 11.000km. Thủy thủ đoàn gồm 174 người, do Trung tá John Mc Queen chỉ huy.

Vũ khí chính của HMNNZS Te Mana là pháo hạm đa năng Mark 45 cỡ nòng 127mm; hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) Mark 41; tổ hợp pháo phòng không tầm gần MK-15 Phalanx. HMNNZS Te Mana mang theo máy bay trực thăng hải quân SH 2G Super Seasprite. Năm 2022, HMNNZS Te Mana được trang bị thêm hệ thống quản lý chiến đấu mới, radar mới, cảm biến phát hiện điện tử, hệ thống tên lửa tự vệ...

Tàu tiếp tế HMNZS Aotearoa mang số hiệu A11, được đưa vào sử dụng năm 2020 là tàu chiến lớn nhất của hải quân New Zealand. Tàu HMNZS Aotearoa có chiều dài 173m, chiều rộng 24,5m, lượng mớn nước 8,5m, lượng giãn nước 25.000 tấn, tốc độ tối đa 37km/giờ và tầm hoạt động gần 12.000km. Biên chế 96 người, do Trung tá David Barr chỉ huy.

Tàu HMNZS Aotearoa có thể mang theo 22 container 20 feet, 9.500 tấn nhiên liệu hàng không và hàng hải; có hệ thống sản xuất nước ngọt công suất cao. Đặc biệt, tàu HMNZS Aotearoa được thiết kế để tác chiến trong môi trường nhiệt độ thấp, nước đóng băng như tại các vùng Cực.

Tin cùng chuyên mục