Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang đặt mục tiêu trở thành nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực thành phố thông minh. Chính phủ Hàn Quốc dự kiến cung cấp một nền tảng tích hợp dữ liệu cho từng địa phương trong tổng số 108 chính quyền địa phương vào cuối năm 2020, theo đó tạo điều kiện cho 60% dân số Hàn Quốc tiếp cận những tiện ích của thành phố thông minh.
Tầm nhìn trên được Tổng thống Hàn Quốc công bố trong chuyến thăm Songdo - khu đô thị mới nằm trên khu lấn biển Hoàng Hải, cách thủ đô Seoul 65km về phía Tây Nam. Songdo là thành phố thông minh được thiết kế để giải quyết các vấn đề tồn đọng thường thấy ở các thành phố bằng cách tận dụng các công nghệ mới như ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) và big data (dữ liệu lớn). Dự án thành phố thông minh của Songdo được chia thành 6 lĩnh vực bao gồm: Vận tải; phòng ngừa tội phạm; phòng chống thiên tai; môi trường và tương tác công dân; cung cấp các ứng dụng thông minh trong đó nổi bật là quản lý mạng lưới nước sạch, nước thải và nước đã qua xử lý; nhà thông minh. Các dịch vụ thông minh khác liên quan đến nhà ở, cửa hàng, học tập, sức khỏe… cũng đang được tích cực triển khai. Theo Tổng thống Moon Jae-in, chìa khóa của thành phố thông minh là việc thiết lập một hệ thống vận hành thành phố bằng cách sử dụng dữ liệu đô thị thu thập từ camera quan sát và cảm biến. Đây sẽ là xu hướng và có tiềm năng phát triển nhanh nhất trong tương lai, đồng thời là một nền tảng cho sự phát triển theo định hướng đổi mới sáng tạo của quốc gia.
Giới chuyên gia kinh tế dự đoán thế giới sẽ cạnh tranh gay gắt về tốc độ phát triển và lan tỏa của các thành phố thông minh, trong đó thị trường thành phố thông minh toàn cầu được dự báo sẽ tăng lên 820 tỷ USD vào năm 2025. Là một trong những quốc gia châu Á tiên phong trong lĩnh vực này, Hàn Quốc đã sớm tiến hành xây dựng thành phố thông minh đầu tiên là Songdo từ năm 2002, với số vốn đầu tư hơn 40 tỷ USD.
Từ giữa năm 2018, Hàn Quốc đã chọn thành phố thông minh là một trong 8 động lực tăng trưởng sáng tạo mới của nước này. Đứng cùng vị trí với thành phố thông minh là nhà máy thông minh, trang trại thông minh, thiết bị bay không người lái, sức khỏe, xe hơi tương lai, năng lượng mới và công nghệ tài chính (fintech). Đến năm 2019, Hàn Quốc tiếp tục công bố thêm 2 dự án thành phố thông minh ở Sejong và Busan.
Trong 2 thành phố trên, quyền sở hữu ô tô tư nhân sẽ bị hạn chế, thay vào đó là hệ thống xe tiết kiệm nhiên liệu. Các bệnh viện có thể được kết nối với nhau trong cùng một mạng lưới. Ngoài ra, những thành phố thông minh này còn có hệ thống quản lý nước và rác thải vô cùng tân tiến, sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát toàn bộ quy trình xử lý rác thải, cung cấp nước cho cư dân. Bên cạnh đó, AI còn được sử dụng để giúp giải quyết hàng loạt bài toán như tắc đường, ô nhiễm khí thải, ngăn chặn dịch bệnh, quản lý rác thải, bảo vệ môi trường nước... Theo kế hoạch, ở thành phố thông minh Sejong, người dân sẽ dùng xe điện nhỏ gọn hoặc sử dụng xe bus tự lái để di chuyển hàng ngày. Còn tại thành phố thông minh ở Busan, robot sẽ được triển khai để hỗ trợ cuộc sống hàng ngày của người dân.