“Hàng rào đầu tiên” chống dịch Covid-19 tại cộng đồng

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ những ngày trước Tết Nguyên đán, bất kể thời điểm nào, các y bác sĩ tại TP Đà Nẵng luôn trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Trong đó, đội ngũ thuộc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng là “hàng rào đầu tiên” trong đội ngũ chống dịch đối với những trường hợp tại cộng đồng.
Bác sĩ Phan Thị Thanh Thủy đang tư vấn cho một người dân về cách phòng chống Covid-19 tại bàn trực
Bác sĩ Phan Thị Thanh Thủy đang tư vấn cho một người dân về cách phòng chống Covid-19 tại bàn trực

Những ngày tiếp nhận ca nghi nhiễm

Mùng 3 Tết Canh Tý, hôm đó là phiên trực của bác sĩ Phan Thị Thanh Thủy. Là 1 trong 3 bác sĩ trưởng phiên trực của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, dù là ngày đầu năm, trong lúc người dân được nghỉ Tết, nhưng bác sĩ Thanh Thủy vẫn có mặt tại bệnh viện, sẵn sàng tiếp nhận các ca cấp cứu trong ca trực của mình.

Từ sáng sớm, bác sĩ Thanh Thủy điểm danh các nhân viên trong đội ngũ cấp cứu và kiểm tra các thiết bị cùng với cơ sở vật chất trước khi có một ca cấp cứu gọi đến.

“Alo! Trung tâm cấp cứu 115 xin nghe!”

Đó là câu đầu tiên mà bất kể một người dân nào cũng nhận được khi gọi số 115. Tại tổng đài 115, chỉ cần một cú điện thoại miêu tả trường hợp có dấu hiệu sốt, ho và đến từ địa phương có yếu tố dịch tễ, bác sĩ Thanh Thủy điều phối đội ngũ cấp cứu 115 tại khu vực nhanh chóng đến địa chỉ được thông báo và đưa trường hợp đó đến các bệnh viện được phép thu dung các trường hợp nghi nhiễm Covid-19.

Bác sĩ Thanh Thủy cho biết, từ khi Đà Nẵng triển khai phòng chống dịch bệnh Covid-19, mỗi ngày Trung tâm cấp cứu 115 tiếp nhận hàng chục cuộc điện thoại, trong đó có ngày hơn 20 ca. Với vai trò là bác sĩ trưởng phiên trực, mỗi ngày, bác sĩ Thủy cần phải nắm bắt các tình huống, phân loại trường hợp, tư vấn cho người gọi và điều phối đội ngũ cấp cứu đến để xử lý nhanh các tình huống. Với những trường hợp nghiêm trọng, bác sỹ Thủy sẽ người trực tiếp đi đến hiện trường.

   Bác sĩ Phan Thị Thanh Thủy kiểm tra thiết bị trên xe cấp cứu trước khi bắt đầu một ngày làm việc
“Những ngày ấy dường như tôi cũng nói nhiều hơn, nghe điện thoại nhiều hơn. Ngoài lượng bệnh tiếp nhận ngày thường, chúng tôi còn tiếp nhận thêm một lượng bệnh nhân mà những ca này đòi hỏi việc xử trí của chúng tôi phải chặt chẽ, đúng quy trình để sàng lọc, vận chuyển trong trạng thái khả năng lây nhiễm cao cho cộng đồng”, bác sĩ Thanh Thủy chia sẻ.

Với những trường hợp nghi nhiễm, bác sĩ Thanh Thủy cho biết, cách hỏi thông tin hay cách xử lý, trả lời được khai thác theo những trường hợp có yếu tố dịch tễ, khác hoàn toàn với những trường hợp tiếp nhận thường ngày. Các nhân viên đều có trang bị bảo hộ cần thiết có mặt nhanh chóng tại hiện trường để cấp cứu người bệnh dù hoàn cảnh có khắc nghiệt. Nhiều lúc các y, bác sĩ vừa thay áo quần, xe vừa khử trùng xong lại nhận tin và tiếp tục lên đường tiếp nhận thêm một trường hợp nghi nhiễm Covid-19.

Những bác sĩ ở môi trường “động”

Bác sĩ Trần Công Thông, Gám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP Đà Nẵng cho biết, khác với môi trường ‘tĩnh’ ở bệnh viện, những bác sĩ tại Trung tâm cấp cứu 115 luôn làm việc độc lập với môi trường bên ngoài.

“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các y, bác sĩ không được dựa giẫm vào ai mà còn phải khôn khéo để tránh ảnh hưởng đến những phán đoán hay tổn hại đến thân thể bởi những lực lượng chung quanh”, bác sĩ Trần Công Thông chia sẻ. 

Chiếc xe cấp cứu lăn bánh cùng với đội ngũ y bác sĩ ngay khi tiếp nhận thông tin
Bác sĩ Thanh Thủy cho hay, làm ở tuyến đầu, tiếp xúc với những bệnh nhân đầu tiên, anh em trong đội ngũ cũng lo lắng lắm. Không chỉ lo bản thân mắc bệnh, mà còn lo bản thân làm không tốt để lọt người bị bệnh ra cộng đồng rồi lây cho mọi người. Vì vậy, bác sĩ Thủy cũng chuẩn bị sẵn tâm lý cho mình.

“Làm cấp cứu trong những ngày có dịch Covid-19 tôi cũng đã xác định rồi. Là đội ngũ đầu tiên tiếp xúc với những ca nghi nhiễm thì tôi cũng có khả năng bị lây nhiễm đầu tiên. Do đó giả sử có bị nhiễm thì tâm lý cũng không nặng nề lắm, cách ly điều trị, khi nào khỏi thì về với gia đình thôi”, bác sĩ Thủy cười cho biết.

Có thể nói, chưa năm nào, cán bộ, nhân viên ngành Y tế cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng lại vất vả như những tháng vừa qua. Họ đã không có một cái tết cổ truyền trọn vẹn và giờ đây hàng ngày vẫn phải luôn trong tư thế sẵn sàng trong việc ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục