HĐND các tỉnh chất vấn những vấn đề nóng

Chiều 8-12, phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VII “nóng” với vấn đề nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa xuống cấp nhưng chưa được khắc phục kịp thời. 
Đại biểu Huỳnh Cư (tỉnh Thừa Thiên - Huế) chất vấn về khai thác cát sỏi trên sông Hương. Ảnh: Thái Bình
Đại biểu Huỳnh Cư (tỉnh Thừa Thiên - Huế) chất vấn về khai thác cát sỏi trên sông Hương. Ảnh: Thái Bình
Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Tiến Dũng lý giải rằng, toàn tỉnh có gần 1.000 di tích được kiểm kê, lập hồ sơ. Trong đó, tính đến cuối tháng 11-2017 đã có 156 di tích được xếp hạng các cấp. Giai đoạn 2011-2016, các đơn vị, địa phương đã tiến hành bảo tồn, tu bổ cho 30 công trình, với tổng kinh phí khoảng 30,5 tỷ đồng. Năm 2017, nguồn kinh phí dành cho công tác này gần 10 tỷ đồng. Dù đã có những cố gắng, với các giải pháp kịp thời, song công tác chống xuống cấp di tích vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để ngăn chặn tình trạng xuống cấp hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ông Phan Tiến Dũng đề nghị HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế nghiên cứu để ban hành nghị quyết trong việc bố trí kinh phí thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị đối với các di tích. Đồng thời, đề nghị các địa phương chủ động bố trí và huy động nguồn lực xã hội hóa để lựa chọn ưu tiên thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo các di tích do địa phương trực tiếp quản lý.
Tại kỳ họp thứ 5 HĐND Khánh Hòa khóa VI, nhiều đại biểu quan ngại đến hàng loạt dự án điện mặt trời đã được cấp phép trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quỹ đất sản xuất của người dân trong tương lai. 
Theo tờ trình của UBND tỉnh Khánh Hòa, tỉnh đề nghị thu hồi hơn 1.988ha đất để thực hiện 210 dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, trong số các dự án ngoài ngân sách có 14 dự án điện mặt trời với tổng diện tích đất khoảng 1.239,88ha.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hải, Phó Chủ tịch HĐND thị xã Ninh Hòa, cho rằng, cần xem xét cẩn trọng việc thu hồi đất để làm các dự án điện mặt trời, bởi có những dự án chiếm diện tích đất rất lớn như dự án điện mặt trời Long Sơn (Ninh Sơn, Ninh Hòa) chiếm đến 200ha. Nếu không cẩn trọng, sau này người dân sẽ thiếu đất sản xuất. Đại biểu Phan Minh Lý, Chủ tịch HĐND TP Cam Ranh, cho biết chủ trương phát triển điện năng lượng mặt trời là đúng. Tuy nhiên, cần phải khảo sát kỹ càng về tác động môi trường và hỗ trợ người dân chuyển đổi việc làm. 
Theo ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, qua khảo sát, các nhà đầu tư kết luận Khánh Hòa là khu vực thứ 2 (sau Ninh Thuận) có tiềm năng về điện mặt trời. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, các nhà đầu tư đăng ký 16 dự án điện mặt trời, trong đó có 2 dự án được thực hiện trên lòng hồ, 14 dự án khác cần thu hồi đất. Tất cả các dự án đều đã lấy ý kiến từ cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã có ý kiến chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện mặt trời sớm thực hiện thủ tục đầu tư và kịp giải phóng mặt bằng trong năm 2018, để hoàn thành trong năm 2019 theo chủ trương của Chính phủ.
Sáng 8-12, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Cà Mau khóa IX của đại biểu Nguyễn Sơn Ca xung quanh vấn đề cấp phép xây dựng căn nhà số 1 - 3 Đề Thám (phường 2, TP Cà Mau) không đúng thẩm quyền và hướng giải quyết, xử lý.
Ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, nói: “Căn nhà 1-3 Đề Thám được xây dựng theo giấy phép số 694 ngày 21-7-2016 quy mô là 6 tầng, do Chủ tịch UBND TP Cà Mau cấp. Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư có điều chỉnh quy mô lên 8 tầng. UBND TP Cà Mau cấp phụ lục giấy phép số 32 ngày 28-11-2016, quy mô 8 tầng. Theo văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng, nhà ở quy mô 8 tầng là công trình cấp 2, phải tỉnh cấp phép. Giấy phép này khác nhau ở chỗ UBND TP Cà Mau cấp phép hay Sở Xây dựng ký thôi. Chủ nhà thực hiện đúng giấy phép. Như vậy, trong trường hợp này nếu có sai thì chính quyền sai chứ người dân không sai”.
Sau phần trả lời của ông Hùng, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Xung quanh việc cấp phép xây dựng căn nhà số 1- 3 Đề Thám, đây là vụ việc được rất nhiều cử tri và đại biểu quan tâm. Khi nâng từ 6 tầng lên 8 tầng, UBND TP Cà Mau rất thận trọng khi cấp phép và làm đúng quy trình; lấy ý kiến Sở Xây dựng về điều kiện để nâng lên 2 tầng nữa có được hay không? Sở Xây dựng trả lời về quy hoạch, kiến trúc, về mức độ an toàn, chất lượng kết cấu công trình là đảm bảo thì Chủ tịch UBND TP tiếp tục ban hành phụ lục giấy phép xây dựng. Cái đó hoàn toàn đúng, không sai. Trước đây, do giám đốc Sở Xây dựng tiếp cận hồ sơ chưa toàn diện nên trả lời với đại biểu là Chủ tịch UBND TP Cà Mau cấp phép sai thẩm quyền là chưa đúng. Tôi khẳng định cấp đúng thẩm quyền và trình tự thủ tục không sai”.

Tin cùng chuyên mục