Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TPHCM được đánh giá năng động đứng đầu cả nước

Sáng 3-4, Sở KH-CN TPHCM tổ chức “Hội nghị triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp năm 2024”, nhằm đồng hành với cộng đồng đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại thành phố và tổng kết hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023, định hướng triển khai các hoạt động trong năm 2024.

Theo báo cáo của Sở KH-CN TPHCM, trong năm 2023, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại TPHCM được đánh giá năng động nhất, xếp hạng đứng đầu cả nước, với gần 50% số lượng startup và 40% cơ sở ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp. Ngoài ra, trong năm qua, hệ sinh thái ĐMST tại thành phố đã thu hút 44% lượng vốn đầu tư và 60% số thương vụ của cả nước.

Về kết quả hỗ trợ, Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong 2023 đã hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 2.586 doanh nghiệp; ươm tạo phát triển 308 dự án, trong đó có 27 đơn vị được đăng ký tài sản trí tuệ; hỗ trợ 40 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Bên cạnh đó, có 1.871 lượt doanh nghiệp đã áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào hoạt động sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.

Về nghiên cứu ứng dụng KHCN, trong năm 2023, thành phố đã công bố 107 bài báo, sách chuyên khảo trên các tạp chí trong nước và quốc tế; đào tạo được 32 chuyên gia trình độ thạc sĩ và 14 chuyên gia trình độ tiến sĩ.

IMG_1487.jpg
Theo báo cáo của Sở KH-CN TPHCM, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại TPHCM được đánh giá năng động nhất, xếp hạng đứng đầu cả nước

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng theo đại diện Sở KH-CN TPHCM, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong năm 2023 vẫn còn nhiều điểm hạn chế như: Chất lượng hỗ trợ của các chính sách nhà nước chưa cao, năng lực các cơ sở trung gian hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước còn thấp. Một số trường đại học và tổ chức nghiên cứu công lập đang hoạt động chưa hiệu quả trong việc đóng góp kinh tế, chuyển giao công nghệ, hợp tác với ngành công nghiệp và phát triển các dự án phụ trợ. Thậm chí, nhu cầu đào tạo kiến thức và kỹ năng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cao nhưng chưa có các chương trình đào tạo thật sự chất lượng…

Với vai trò là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, TPHCM hiện đang có hơn 2.000 startup (chiếm 0,5% số lượng doanh nghiệp tại thành phố và gần 50% so với cả nước). Theo báo cáo của Tổ chức Startup Genome, gần đây TPHCM đã xếp hạng nằm trong nhóm 81-90 thị trường startup mới nổi của toàn cầu.

Để củng cố và tiếp phát huy vị thế đó, Sở KH-CN TPHCM đã đưa ra những nhận xét, định hướng trong năm 2024 để đẩy mạnh năng lực khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn thành phố. Sở KH-CN TPHCM đã công bố giải thưởng ĐMST và khởi nghiệp TPHCM năm 2024 (I-Star 2024), phát động cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp ĐMST trong khu vực công năm 2024 - Saigon Govtech Challenge 2024 (Gov.Star 2024)”.

IMG_1485.jpg
Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại hội nghị

Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng cho biết, hiện nay sở đang hoàn thiện các thủ tục chính sách miễn giảm thuế cho các tổ chức cá nhân khởi nghiệp ĐMST, hy vọng thông qua đó các tổ chức ươm tạo, các quỹ đầu tư, trường đại học cần có sự quan tâm hơn để tạo ra sự đột phát, ươm tạo nhiều dự án trong năm 2024.

"Giải thưởng I-Star đã bước qua năm thứ 7, những năm gần đây số lượng hồ sơ dự thi đã tăng, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng so với cộng đồng khởi nghiệp ĐMST tại thành phố. TPHCM hiện có 3.000 doanh nghiệp, 600 tổ chức KH-CN, gần 100 trường đại học, cao đẳng, nhưng mỗi năm giải thưởng I-Star chỉ tiếp nhận khoảng 300 hồ sơ dự thi, con số trên còn quá khiêm tốn, đặc biệt là các nhóm dự án ĐMST giải quyết các vấn đề xã hội phục vụ cộng đồng. Thông qua hội nghị, Sở KH-CN mong muốn nhận được thêm nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy cuộc thi I-Star, có thêm các dự án ĐMST nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TPHCM và cả nước”, ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục