Hiểm họa từ phân bón vô cơ

Nhiều nguy hiểm
Hiểm họa từ phân bón vô cơ

Nhiều nguy hiểm

Vừa qua, Cảnh sát PCCC TPHCM kiểm tra an toàn PCCC tại Nhà máy phân bón Hiệp Phước (Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè). Đoàn kiểm tra ghi nhận, trong các kho có tồn trữ các loại hóa chất dùng trong phân bón hữu cơ, hóa chất gồm DAP; Ure; SA, KCL, lân… Tuy sản phẩm của nhà máy ít có nguy cơ gây cháy,  nổ  nhưng quá trình sản xuất lại có nguy cơ cháy nổ cao. Đơn vị có mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định song chỉ mang tính chất đối phó. Việc sắp xếp bảo quản hàng hóa, nguyên liệu trên đường giao thông chưa đúng quy định về chữa cháy, lối thoát nạn. Tại thời điểm kiểm tra, các kho, xưởng không có cửa thoát nạn. Nhà máy chỉ có hệ thống chữa cháy ngoài nhà và họng nước chữa cháy trong nhà. Họng nước chữa cháy ngoài nhà khi thử áp lực nước lại không đảm bảo… Sau khi kiểm tra, Cảnh sát PCCC TPHCM và các cơ quan ban ngành đã yêu cầu nhà máy thực hiện các giải pháp PCCC, duy trì các điều kiện về an toàn trong suốt quá trình hoạt động.

Những vụ nổ gây chết người xuất phát từ việc pha trộn hóa chất không đúng quy trình kỹ thuật, trong quá trình sản xuất phân bón không đảm bảo an toàn đã từng xảy ra.

Hiện trường vụ nổ Công ty Đặng Huỳnh. Ảnh: Tuấn Vũ

Tháng 10/2014, vụ nổ kinh hoàng tại Công ty TNHH SX-TM Đặng Huỳnh (quận 12, TPHCM) liên quan đến việc sản xuất phân bón vô cơ, làm 3 người chết, 4 người bị thương, sập 7 căn nhà và 85 căn nhà khác bị hư hỏng. Nguyên nhân vụ nổ là do trong quá trình sản xuất, đóng gói phân bón lá, các công nhân có sử dụng bếp gas mini và đã xảy ra sự cố nổ bếp gas. Sự cố tạo áp suất lớn và lửa đã kích nổ các bao, thùng chứa hóa chất nguy hiểm (Kali Nitrat - KNO3), Kali Clorat - KCLO3, Urê) đặt gần đó. Sau khi vụ nổ xảy ra, cơ quan điều tra đã khám nghiệm hiện trường, thu được hàng chục thùng phuy chứa các hợp chất hóa học khác như Napthalen Acetic Axit (NAA), Mono Kali Photphat (MKP) và một số đơn chất hóa học như lưu huỳnh, kẽm, canxi… Đây là các tiền chất tạo ra chất nổ. Thầy Ngô Văn Cờ, giảng viên Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, với những hợp chất hóa học thu được tại hiện trường, bất thường nhất là sự xuất hiện của hợp chất hóa học Kali clorat. Về góc độ chuyên môn, hợp chất này ít được dùng để chế biến phân bón vô cơ mà được dùng chủ yếu để chế biến thuốc nổ đen.

Lỏng lẻo trong quản lý

Phân hóa học, còn gọi là phân khoáng hoặc phân vô cơ, là những hợp chất ở dạng hóa học chứa một hoặc nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng, dùng công nghệ để chế tạo. Về mặt nào đó, phân bón cần một số nguyên tố để giúp cây trồng tăng trưởng như kali, lưu huỳnh. Tuy nhiên, khi những hợp chất hóa học này gặp nhiệt hay điện thì có thể xảy ra phản ứng hóa học, dẫn tới phản ứng cháy hoặc nổ. Như vụ nổ tại Công ty Đặng Huỳnh được các chuyên gia đánh giá tương đương sức công phá của 1kg thuốc TNT. Và có thể nói, do Công ty Đặng Huỳnh trữ hóa chất quá nhiều nên mới gây ra thảm họa.

Vào tháng 4/2013, hai học sinh lớp 8 là Phạm Lê Đông Nam và Nguyễn Đức Anh Minh (quận 5) mang hóa chất lên sân thượng nhà ở để tự chế pháo sáng. Trong lúc nhào bột chế pháo thì bất ngờ bột phát nổ.

Tại TPHCM, người ta có thể mua bán hóa chất dễ như mua một món hàng hóa thông thường, đặc biệt là ở chợ “tử thần” Kim Biên. Thực tế cho thấy, một số loại hóa chất  không phải là chất cấm nên không thể cấm mua bán trên thị trường. Dựa vào đó nhiều tiểu thương vì lợi nhuận đã bất chấp hậu quả vẫn bán hóa chất nguy hiểm. Trong khi đó, việc quản lý mua bán hóa chất lại có nhiều khó khăn, bất cập và chồng chéo. (Ví dụ, hóa chất được dùng để sản xuất phân bón hiện nay do Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân chia quản lý).

TPHCM đã giao cho Sở Công thương TPHCM nhận trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất phân bón có sử dụng hóa chất trên địa bàn TP. Các sở, ngành, quận, huyện lên phương án di dời, giải tỏa các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nằm xen kẽ trong khu dân cư.  Đồng thời, phối hợp rà soát nguồn gốc những hóa chất, nguyên liệu, nơi mua bán, mục đích sử dụng; lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất dễ cháy, nổ. Các cơ quan ban ngành liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất, kiên quyết xử phạt nếu phát hiện vi phạm.

MINH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục