Mẹ Nguyễn Thanh Tùng

Hiến dâng tất cả cho ngày độc lập

Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Hiến dâng tất cả cho ngày độc lập

Chồng con đã hy sinh, mẹ đang ở với một đồng đội cũ, hai chị em đều là vợ liệt sĩ. Mẹ đã hiến dâng tất cả cho ngày độc lập hôm nay...

Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Hiến dâng tất cả cho ngày độc lập ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang.

Trong số những người mẹ Việt Nam mà tôi từng gặp, có người mất trọn năm sáu người con; cũng có những người hiến dâng cho Tổ quốc cả con lẫn chồng; có người là thương binh, là liệt sĩ; có người được phong tặng-truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND)… Và mẹ Nguyễn Thanh Tùng là một trong những bà mẹ Việt Nam như thế, lẫn khuất một mình giữa dòng đời hối hả, trong cái tuổi xế chiều mơ về chồng và những đứa con.

“Ngay khi sinh thằng Phạm Quốc Trung, rồi Phạm Quốc Nam ra ngay trong lòng địa đạo Phú Thọ Hòa, mẹ phải giao tụi nó cho cơ sở trong nội thành nuôi dưỡng. Đến khoảng mười, mười mấy tuổi gì đó, là tụi nó theo cơ sở đi làm giao liên…”, mẹ Tùng bùi ngùi kể về những đứa con của mình. Tôi hình dung ra cái cảnh mẹ con bà gặp nhau giữa nội thành thông qua một cơ sở cách mạng làm trung gian. Những đứa con gọi mẹ bằng “cô”, bằng “dì” còn người mẹ phải xưng hô với núm ruột của mình là “tôi”, với “cháu”. Họ ôm nhau, vuốt tóc, hỏi han nhau đủ thứ chuyện, rồi người mẹ móc trong túi ra mấy túm lạc rang, mươi quả bắp non làm quà cho con. Hết! Những cuộc gặp ngắn ngủi ấy chỉ diễn ra mỗi năm một lần, mẹ Tùng kể: “Chỉ có dịp hiếm hoi mẹ đi công tác, canh đường tụi nó đi học rồi chạy đến lén hôn túi bụi lên mặt, lên tóc các con rồi thôi.

Sau Mậu Thân, hầu hết các cơ sở bị lộ, hai thằng Trung và Nam được rút ra cứ. Mẹ nhớ rất rõ lá thơ cuối cùng gửi về, tụi nó viết: “Mẹ ơi, đánh hết Mỹ tụi con về phụng dưỡng mẹ, tụi con hứa…”. Rồi Sài Gòn sắp được giải phóng, ngày 1-2-1975, cả hai anh em nó là đặc công, tham gia bao vây đánh chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc (không cho lính ngụy đánh sập cầu chặn đường giải phóng quân tiến về Sài Gòn). Toàn quân số 52 chiến sĩ thì hy sinh hết 51 người, hai đứa con của mẹ hy sinh cùng một ngày!”.

Ngồi trong ngôi nhà vắng, tôi chỉ thấy chiếc bàn thờ đề tên 3 liệt sĩ và một người mẹ đứng ngồi thắp hương. Trên bàn thờ, cũng chỉ có liệt sĩ Phạm Văn Tám (chồng mẹ Tùng) là còn di ảnh (ông hy sinh 1967), riêng hai liệt sĩ Phạm Quốc Trung và Phạm Quốc Nam, chỉ thấy dòng chữ trên bằng Tổ quốc ghi công viết: Hy sinh ngày 1-2-1975!

Anh hùng Lực lượng vũ trang

Được 4 tuổi thì cô bé Tùng mồ côi do mẹ bị giặc Pháp giết hại, còn cha thì bị bắt đày ra Côn Đảo. 14 tuổi, cô đã tham gia vận chuyển vũ khí, trinh sát đồn địch. Hỏi lại chuyện đánh giặc năm xưa, mẹ Tùng trở nên linh hoạt hẳn: “Năm 1964, tụi Tổng nha Cảnh sát thường đi xe hơi rảo vòng quanh khu vực Trường đua Phú Thọ để lùng sục bắt lính, phá cơ sở và uy hiếp quần chúng. Được giao trừng trị bọn này, cấp trên cử tổ biệt động của mẹ đi đánh. Do vũ khí của ta tự tạo nên mọi người còn e ngại, thế là mẹ xung phong đánh. Mẹ cùng một đồng đội đóng vai tình nhân đi xe gắn máy áp sát mục tiêu. Xe tụi nó vừa giảm tốc để quẹo thì xe mẹ vọt lên, mẹ rút chốt mìn quăng vào trong, xe cháy, diệt và làm bị thương mấy tên ác ôn”...

Bà mẹ VNAH Nguyễn Thanh Tùng, Anh hùng LLVTND Việt Nam, 77 tuổi đời, 48 tuổi Đảng, hiện đang sinh hoạt Đảng tại Chi bộ 6A, Đảng bộ phường Nguyễn Thái Bình, Q1, TPHCM.

Mẹ Tùng rót nước trà và mời tôi ăn mứt gừng do chính tay mẹ làm. Giọng nói Nam bộ đặc sệt, mẹ kể tiếp: “Còn trận cướp bót Trần Văn Châu (Q8),  mẹ và 2 đồng chí nữa… liều lĩnh dùng loa phóng thanh kêu gọi lính trong bót ra hàng. Thấy giặc giằng co, mẹ chạy vào trong xóm lao động gần đó vận động khoảng 20 thanh niên trốn quân dịch ra để… uy hiếp. Giặc thấy vậy sợ quá nộp 25 cây súng. Trận đó ta bắt sống 37 tên, còn 20 thanh niên trốn quân dịch chạy theo ta ra cứ luôn. Lại còn có bận mẹ gánh 2 quả đạn nặng khoảng 50kg vào thành thì bị lộ, giặc vây xe xét nên mẹ xuống trạm sớm và… gánh bộ 10 cây số, đến bây giờ vai vẫn còn thẹo...”…

Xem bảng thành tích của Anh hùng LLVTND Việt Nam - Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng, rồi tiếp xúc với Bà mẹ VNAH này, người ta không thể tưởng tượng hết sự gan dạ và sức chịu đựng phi thường của bà. Tôi ngại là mình sẽ gây xúc động cho mẹ khi hỏi về cuộc sống một thân một mình như hiện nay, nhưng trái lại, mẹ chỉ bảo tôi rằng: “Không con cái, không chồng, mẹ đang ở với một đồng đội cũ, hai chị em đều là vợ liệt sĩ, con ạ. Sự thành công nào cũng phải trả giá, mẹ hiến dâng tất cả cho ngày độc lập hôm nay...!”.

Minh Anh

Tin cùng chuyên mục