Hiệu quả từ mô hình hợp tác xã tiêu dùng

Mô hình hợp tác xã (HTX) tiêu dùng tại Việt Nam không chỉ giúp người nông dân, nhà sản xuất có đầu ra ổn định cho sản phẩm, mà còn giúp người tiêu dùng được tiếp cận hàng chất lượng, giá tốt. Dù vậy, để mô hình HTX trong lĩnh vực tiêu dùng phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần phải gỡ vướng nhiều điểm nghẽn. 
Hợp tác xã tiêu dùng phát triển mạnh mang lợi ích cho người nông dân và người tiêu dùng
Hợp tác xã tiêu dùng phát triển mạnh mang lợi ích cho người nông dân và người tiêu dùng

Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong mắt các nhà bán lẻ ngoại. Tại hội thảo dành cho nhà quản lý bán lẻ các nước trong khu vực của Liên minh HTX quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (ICA-AP) diễn ra mới đây ở TPHCM, đã thu hút sự tham dự của nhiều quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Malaysia, Myanmar, Philippines... đến tìm cơ hội gia tăng hợp tác, quản lý bán lẻ.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc thường trực của Saigon Co.op, cho hay tại hội thảo lần này, Saigon Co.op đã tập trung giới thiệu và tổ chức tham quan các mô hình bán lẻ hiện đại đã phát triển thành công tại Việt Nam như siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food, cửa hàng bách hóa hiện đại Co.opSmile, cửa hàng tiện lợi 24h Cheers… tới các thành viên trong ICA-AP.

Từ đó có những chia sẻ nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác, học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau trong chặng đường hội nhập quốc tế; đóng góp tích cực cho cộng đồng người tiêu dùng và doanh nghiệp của mỗi quốc gia. Đồng thời, đóng góp chung cho sự phát triển của phong trào HTX khu vực, quốc tế.

Với chủ đề “Quản lý mô hình HTX tiêu dùng ở châu Á và Thái Bình Dương tại Việt Nam năm 2019”, hội thảo đã mổ xẻ các vấn đề về phương pháp vận hành hiệu quả những mô hình bán lẻ hiện đại, chiến lược hàng nhãn riêng và quản lý chuỗi cung ứng. Lần lượt đại diện các thành viên trong ICA-AP cũng đã chia sẻ tình hình phát triển của liên minh HTX tại mỗi quốc gia, đồng thời giới thiệu những mô hình bán lẻ đặc trưng vốn có của các quốc gia trong khu vực.

Chẳng hạn, ở Singapore có NTUC FairPrice - một đơn vị HTX kinh doanh bán lẻ hàng đầu do Công đoàn toàn quốc Singapore (NTUC) thành lập vào năm 1973, có nhiệm vụ đảm bảo giá cả và đời sống cho người dân Singapore. Tới nay, NTUC FairPrice chiếm hơn 56% thị phần với 140 chuỗi siêu thị lớn và 160 cửa hàng tiện ích. 

Còn ở Việt Nam, Saigon Co.op được xem là mô hình kinh tế tập thể HTX điển hình và hoạt động hiệu quả hàng đầu. Saigon Co.op sau 30 năm hoạt động (1989-2019), từ một HTX nhỏ nhiều khó khăn đã trở thành nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam với hơn 800 siêu thị lớn nhỏ.

Hiện Saigon Co.op đón tiếp hơn 1 triệu lượt khách tham quan mua sắm mỗi ngày, với doanh thu trung bình mỗi năm hơn 33.000 tỷ đồng, tương đương gần 1,5 tỷ USD. Sự phát triển của Saigon Co.op được giới chuyên môn đánh giá cao khi nhà bán lẻ này đã luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp Việt và người tiêu dùng Việt.

Cụ thể là luôn ưu tiên hỗ trợ quầy kệ, có chính sách ưu đãi cho hàng Việt chất lượng tiếp cận kênh phân phối của mình; đồng thời thường xuyên phối hợp với nhà cung cấp thực hiện những chương trình khuyến mãi, giảm giá vào các dịp lễ, tết để phục vụ người tiêu dùng. 

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng, để mô hình HTX trong lĩnh vực tiêu dùng tại Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới, cần phải gỡ vướng một số vấn đề. Cụ thể như hiện nay, nhiều HTX chưa quan tâm đầu tư đúng mức đến công nghệ chế biến, làm giảm chất lượng, giá trị sản phẩm đầu ra, chi phí giá thành sản phẩm cao… Vì thế, trong thời gian tới, các HTX phải xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, đầu tư kỹ thuật công nghệ cao, đặc biệt đối với các sản phẩm mang tính đặc sản; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa đưa vào phân phối, lưu thông.

Về phía các nhà phân phối, cần tăng cường hợp tác liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu, kết nối các địa phương để phát triển mạng lưới bán lẻ, tham gia chuỗi sản xuất sản phẩm hữu cơ, xây dựng niềm tin và đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu…

Về điểm này, theo lãnh đạo của Saigon Co.op thì nhà bán lẻ này đang khá tích cực trong việc hợp tác với các HTX sản xuất ở một số địa phương để có nguồn hàng chất lượng, ổn định, giá tốt phục vụ người tiêu dùng. Cùng với đó, Saigon Co.op cũng định hướng cho các nhà sản xuất để họ đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp với yêu cầu, thị hiếu của khách hàng.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, khu vực kinh tế hợp tác và HTX có gần 24.000 HTX, 80 liên hiệp HTX và trên 100.000 tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, với sự tham gia của gần 8 triệu thành viên và giải quyết việc làm cho 30 triệu lao động. Mỗi năm khu vực kinh tế tập thể này đóng góp cho tăng trưởng kinh tế khoảng 10% và tiếp tục được khẳng định là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân. 

Tin cùng chuyên mục