Hồ Kết vực dậy nghề tanh

“Tanh” trong tiếng đồng bào Khùa (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) là nghề đan truyền thống bằng cây mây, cây tre dưới núi Giăng Màn. Qua thời gian, nghề tanh gần như biến mất, nhưng gần đây, nghề này đã được anh Hồ Kết (35 tuổi, ở bản Ma Rai) vực dậy thành công.

Hồ Kết đã truyền thụ nghề đan lát, mây tre truyền thống cho hàng trăm người dân ở Quảng Bình
Hồ Kết đã truyền thụ nghề đan lát, mây tre truyền thống cho hàng trăm người dân ở Quảng Bình

Vượt qua tật nguyền

Hồ Kết có một tuổi thơ dưới đỉnh núi Cô Pi đầy ắp niềm vui và giàu kinh nghiệm đi rừng. Sống chan hòa với tự nhiên, anh theo bố mẹ làm rẫy từ nhỏ. Như bao thanh niên trai bản, Hồ Kết cần cù lao động để sẵn sàng cho lễ trưởng thành lúc 17 tuổi. Nhưng thật không may, vào năm 2004, đang tuổi “bẻ gãy sừng trâu” thì anh bị ngã vào lửa trong lúc dọn rẫy, thân hình biến dạng vì bị bỏng nặng. Khi chữa lành, việc đi lại của anh rất khó khăn.

“Lúc đó, tôi đã nghĩ đến cái chết nhưng bố mẹ, bạn bè, dân bản động viên phải vượt qua. Không đi nhanh như con sóc trong rừng, không leo trèo đi ăn ong lấy mật như trai tráng trong bản thì phải nghĩ cách nào để vượt qua nỗi đau tàn tật”, Hồ Kết kể.

Từ đó, anh không lên rừng mà quanh quẩn ở bản, tìm những người lớn tuổi học về nghề tanh truyền thống. Cả bản cũng chỉ một, hai người biết, bởi cuộc sống hiện đại đã thay thế những chiếc giỏ, mâm cơm, gùi làm từ mây tre đan bằng những chất liệu khác tiện dụng hơn. Trăn trở với điều này, Hồ Kết quyết tâm phục dựng lại bằng được những ku tóc (mâm cơm), cà nhăng (giỏ đựng đồ), a chói (đồ đựng hoa quả, nấm), ca pha (gùi lớn)… để bảo tồn cho con cháu sau này biết được gia tài nghề đan lát của nhiều thế hệ cha ông người Khùa.

Ông Hồ Đom, một bậc cao niên ở bản Ma Rai, nhận xét: “Hồ Kết rất có ý chí vươn lên, tuy tàn tật nhưng cái suy nghĩ phải bảo tồn nghề tanh của cha ông người Khùa rất mạnh mẽ. Ý chí cậu ấy như cây táu, cây lim nên những người già trong bản đã truyền nghề cho Hồ Kết vượt khó”. Hết học nghề ở bản Ma Rai, Hồ Kết lại sang bản khác tìm người già biết đan lát để “tầm sư”. Có khi, anh còn sang xã khác, huyện khác xin học nghề với túi gạo và chiếc xe đạp cà tàng. Những già làng thấy vậy đã truyền nghề cho Hồ Kết. Học hết những ngón nghề đan lát thủ công dưới rặng Giăng Màn thành công, Hồ Kết liền tìm đến Trung tâm Giáo dục dạy nghề huyện Minh Hóa xin học tiếp nghề đan lát. Về đây, Kết không những học tốt mà còn trình diễn kỹ năng đan lát điêu luyện với những kỹ thuật gần như đã thất truyền. Thấy vậy, nhiều học viên nhờ anh hướng dẫn, từ đó, Kết có được chứng chỉ đan lát xuất sắc để về bản mưu sinh bằng nghề.

Anh Đặng Đại Bàng, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình, cho hay, Hồ Kết vượt lên số phận nên vinh dự là một trong 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểu của cả nước vừa được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen và vinh danh tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022. Đó là một tấm gương vượt lên nghịch cảnh với sự lạc quan, tự tin vào cuộc sống.

Đưa tanh xuất ngoại

Năm 2009, Hồ Kết lấy vợ. Với người bình thường ở miền núi vốn đã khó khăn, thì với Kết, phải vượt qua nghịch cảnh để gia đình có đủ cơm ăn, áo mặc, duy trì nghề nghiệp càng khó khăn hơn bội phần. Cũng nhờ đan lát giỏi mà những vật dụng của Hồ Kết làm ra được dân bản ở 2 xã Trọng Hóa, Dân Hóa đón nhận nhiệt tình, rồi người Lào ở Lằng Khằng (Khăm Muộn) cũng đặt mua. Danh tiếng nghệ nhân Hồ Kết cứ thế lan xa.

Năm 2013, Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình giới thiệu Hồ Kết với Công ty TNHH Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Vạn Xuân (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Tại đây, Hồ Kết được nhận vào làm việc và được đánh giá là người giỏi nhất về nghề tanh. Ông Trang Thanh Tường, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Vạn Xuân, cho biết: “Hồ Kết rất giỏi, nhiều đối tác của công ty ở Mỹ, Nhật, Pháp… ra ý tưởng sản phẩm, bộ phận thiết kế vẽ và giao cho Hồ Kết thực hiện ngay. Sản phẩm dù khó mấy cậu ấy cũng thực hiện được. Không những giỏi nghề, Hồ Kết còn truyền thụ nghề đan một cách chuyên nghiệp cho 120 người khác. Cứ mỗi sản phẩm mới, Hồ Kết đan xong là hướng dẫn cho các thợ đan lát miền xuôi gia công để xuất khẩu. Nhưng thật không may, năm 2015, công ty chúng tôi đóng cửa vì những cơ chế không thể vượt qua, nhìn người giỏi nhất là Hồ Kết trở về bản làng mà lòng tôi nặng trĩu”.

Cũng nhờ tài đan lát giỏi, Hồ Kết lại được chị Anna (người Đức, chủ một quán cà phê bên sông Nhật Lệ, TP Đồng Hới) đặt hàng nhiều sản phẩm đan mây tre thủ công độc đáo nên việc làm cũng vì thế không ngớt tay. Hàng xuất khẩu sang Đức và một số nước châu Âu đều đặn, bởi những sản phẩm làm ra được chăm chút tỉ mẩn như tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Nhưng, niềm vui chẳng tày gang, công việc đang thuận buồm xuôi gió thì đại dịch Covid-19 ập đến, chị Anna sang quán, người chủ sau không chăm lo các sản phẩm nghề tanh thường xuyên.

“Mỗi lần như vậy, tôi lại động viên mình và mười mấy người cùng làm nghề đan trong vùng phải thắt lưng buộc bụng, tìm cách sáng tạo để vượt qua khó khăn. Ban đầu thì làm các sản phẩm phục vụ bản địa, sau đó tìm kiếm khách hàng mới để có việc làm”, Hồ Kết nói.

Ông Trang Thanh Tường chia sẻ thêm: “Dù tôi không duy trì được công ty, nhưng vẫn giữ tình cảm quý mến với Hồ Kết, bởi em ấy là người giỏi. Vì vậy, những khi đối tác ở nước ngoài hay trong nước nhờ tìm kiếm nguồn hàng, tôi vẫn ưu tiên số một là Hồ Kết. Em ấy khuyết tật nhưng rất nghị lực vượt lên chính mình, thông minh, sáng tạo. Nghề đan lát của người Khùa dưới núi Giăng Màn đã thất truyền với hơn 350 bộ thuật đan cổ xưa, nhưng Hồ Kết đã vực dậy tất cả. Đó là một nhân chứng sống động biết giữ gìn nghề của cha ông vừa để mưu sinh, vừa nghĩ chuyện bảo tồn một cách mãnh liệt”.

Bám làng giữ nghề

Bây giờ, ở bản Ma Rai, Hồ Kết cần mẫn chuốt từng ngọn mây, từng thanh tre nứa già trên rẫy nhà để đan làm gùi, giỏ đựng đồ, mâm cơm... thật thành thạo. Từ khi về lại bản làng, Hồ Kết tập hợp nhiều bạn bè đồng trang lứa, ai có việc đi làm ăn xa cứ đi, ai ở nhà cần việc thì đến với Hồ Kết học nghề đan lát. “Tôi sẵn sàng dạy cho ai cần, yêu thích và muốn giữ nghề truyền thống của cha ông. Những người đến với tôi ít nhiều có hoàn cảnh khó khăn, người bị tai nạn, người bị mảnh bom gây sát thương. Anh em đều cần cù và sáng dạ. Sản phẩm nào đan được cũng được dân bản đón nhận, vừa ủng hộ, vừa tạo công ăn việc làm nên cuộc sống cũng không đến nỗi chật vật”, Hồ Kết nói.

Hồ Bai, một người dân bản đang theo học nghề với Hồ Kết nói: “Có Hồ Kết dẫn dắt, anh em tự tin hẳn. Đường đi phía trước dù còn chông gai, nhưng nếu giữ được nghề của cha ông, chắc chắn cái khó sẽ được đẩy lùi”.

Ngày nay, Hồ Kết không chỉ bán sản phẩm cho người dân trong vùng mà còn quảng bá sản phẩm lên các nền tảng mạng xã hội nên những đồ dùng đan lát thủ công của Hồ Kết còn được nhiều đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đồng bào ở Tây Nguyên đặt mua vào dịp cuối năm. Không ít người mỗi lần lên xã miền núi Trọng Hóa công tác, đều tìm đến Hồ Kết để mang về xuôi một vài sản phẩm dùng trong nhà. Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, kể: “Người Khùa tưởng đã mất nghề tanh thì may mắn có Hồ Kết, tuy tàn tật nhưng ý chí mạnh mẽ đã phục dựng được, không để nghề này thất truyền. Những gì Hồ Kết làm đã chứng minh rõ vùng đất biên viễn có gia tài văn hóa đan lát độc đáo, cùng với các địa danh hùng vĩ biên cương, chắc chắn nghề tanh sẽ được du khách đón nhận và tạo thêm việc làm cho dân bản mai này”.

Tin cùng chuyên mục