Đồng hành cùng chủ trương và các biện pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, duy trì đời sống ổn định cho các tầng lớp nhân dân của TPHCM, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP đã có nhiều phương thức hỗ trợ kịp thời giúp công nhân (CN) nghèo ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất.
Tăng trợ cấp bằng 1/3 lương
Đầu tháng 3-2011, một tin vui đến với công nhân (CN) Công ty Kollan (KCX Linh Trung 1) khi ban giám đốc công ty quyết định tăng đồng loạt nhiều khoản trợ cấp cho người lao động. Nếu như trước đây, tiền phụ cấp nhà trọ chỉ được 50.000 đồng thì nay tăng lên gấp 4 lần: 200.000 đồng/CN. Trợ cấp tiền ăn cũng tăng gấp đôi, từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng/CN.
Ngoài ra, hàng tháng, nếu đi làm đầy đủ, CN còn được hưởng trợ cấp chuyên cần 100.000 đồng/CN, trợ cấp công việc từ 100.000 - 150.000 đồng/CN. Mức tăng của tổng các khoản trợ cấp từ 600.000 - 650.000 đồng/CN. Đây là mức tăng ngoài lương cơ bản (vốn đã được công ty điều chỉnh tăng theo quy định của nhà nước vào đầu năm 2011).
Tính cụ thể thì mức trợ cấp tăng thêm bằng 1/3 tiền lương cơ bản của CN.
Ở Công ty Latek (KCX Linh Trung 1), nhiều khoản trợ cấp cho CN cũng được điều chỉnh tăng khi vật giá gia tăng. Cụ thể, tiền hỗ trợ đi lại cho mỗi CN là 260.000 đồng/người/tháng, tiền hỗ trợ sinh hoạt là 200.000 đồng/người, tiền ăn 160.000 đồng/người. Bình quân, ngoài tiền lương, tiền thu nhập thêm từ tăng ca, CN được thêm mỗi tháng trên dưới 600.000 đồng.
Anh Nguyễn Văn Thái, CN Công ty Latek nói: “Từ khi công ty nâng lương và nâng các khoản phụ cấp, cộng thêm tiền tăng ca nữa thì nhiều CN đã có mức thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng - lọt vào diện phải đóng thuế thu nhập rồi”.
Còn tại Công ty Nissei, CN được ở nhà lưu trú của công ty. CN nào không ở nhà lưu trú thì được hỗ trợ 150.000 đồng/người, tiền chuyên cần 200.000 đồng, tiền phụ cấp tay nghề từ 50.000 - 300.000 đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, CN Công ty Nissei cho biết: “Nếu so với mức tăng của tiền phòng, tiền điện, nước, tiền thức ăn hàng ngày thì số tiền phụ cấp của công ty cũng gần đủ để bù vào các khoản tăng đó”.
Chia sẻ khó khăn để ổn định sản xuất
Bắt đầu từ đầu năm 2011, Công ty Theodore Alexande (KCX Linh Trung 2) đã áp dụng mức lương cơ bản tối thiểu là 1,95 triệu đồng (cao hơn mức lương tối thiểu mà nhà nước quy định). Đến tháng 2-2011, công ty áp dụng cộng thêm trực tiếp vào lương 100.000 đồng cho mỗi CN làm việc dưới 1 năm. CN làm từ 1 - 4 năm được thêm 150.000 đồng, làm từ 4 - 7 năm được 200.000 đồng/CN, CN làm trên 7 năm thì được thêm 250.000 đồng/CN.
Ngoài ra, công ty còn tăng thêm 4.000 đồng tiền cơm tăng ca cho mỗi CN. Công ty Feetrend A cũng quyết định tăng thêm 200.000 đồng phụ cấp sinh hoạt hàng tháng cho CN.
Tại Công ty Super Art, tiền hỗ trợ mới được tính theo ngày. Cụ thể, nếu ngày nào CN đi làm thì được hưởng trợ cấp tiền xăng xe và nhà trọ 7.700 đồng/ngày. Công ty Iwasaki Electric cũng linh hoạt áp dụng các mức trợ cấp mới cho CN khi có biến động về giá cả gây ảnh hưởng đến đời sống người lao động (NLĐ).
Cụ thể, công ty trợ cấp tiền xăng từ 130.000 - 160.000 đồng/CN. Tăng lương cơ bản 50.000 đồng/CN, trợ cấp chuyên cần từ 50.000 - 200.000 đồng/CN. Riêng khoản trợ cấp thâm niên được tính từ 50.000 - 500.000 đồng/CN. Tổng cộng, CN có thể được tăng khoảng từ 500.000 - 1.000.000 đồng/tháng.
Trong cuộc họp với các sở, ngành TP về tình hình ngừng việc trên địa bàn TP, Sở LĐTB-XH TP đã đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có kế hoạch thông tin cho DN về những khó khăn của NLĐ, từ đó có kế hoạch nâng lương, tăng phúc lợi, chia sẻ khó khăn với NLĐ, đảm bảo bình ổn quan hệ lao động để tiến tới mục đích cuối cùng là ổn định, phát triển sản xuất.
Thực tế cho thấy, những DN nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của CN và kịp thời có những điều chỉnh lương, trợ cấp như vừa nêu trên trong thời điểm hiện tại, đều có quan hệ lao động hài hòa, không có tranh chấp xảy ra, duy trì được lực lượng lao động để phục vụ sản xuất.
Một khi DN đã có động thái chia sẻ khó khăn với NLĐ thì NLĐ càng thêm gắn bó, nỗ lực lao động cùng DN vượt qua khó khăn.
Mai Hương
Lan tỏa yêu thương Người ta thường bảo: “Trong hoạn nạn, mới nhận ra đâu thực sự là bạn”. Người ta cũng thường nói: “Khi khó khăn, là lúc con người ta biết đoàn kết, đứng về một phía”… Mỗi câu thành ngữ ấy, tuy thể hiện một tình huống, hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều là sự đúc kết sâu sắc kinh nghiệm cuộc sống và tình người. Trong cuộc sống, khi đa số chúng ta đều no đủ, việc giúp đỡ một ai đó gặp khó khăn, là chuyện quá đỗi bình thường. Nhưng khi đa số chúng ta đều khó khăn, thì việc sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua mới thực sự là điều quý báu. Những ai đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, càng thấu hiểu được ý nghĩa lớn lao của sự đoàn kết gắn bó, chia sẻ yêu thương trong lúc khó khăn. Chúng ta đang khó khăn. Đất nước chúng ta đang khó khăn. Cả thế giới chúng ta đang khó khăn. Sự khó khăn của mỗi người, mỗi nhà, mỗi đối tượng, mỗi khu vực tuy có những màu sắc và mức độ khác nhau, song khó khăn lớn nhất, chung nhất vẫn là vấn đề kinh tế, đời sống. Và đương nhiên, đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất luôn là những người thuộc tầng lớp lao động nghèo. Ở nước ta, khảo sát mới nhất của Công đoàn Khu chế xuất Linh Trung tại TPHCM cho thấy, trung bình một cặp vợ chồng công nhân nuôi một con nhỏ, với tổng thu nhập 6 triệu đồng/tháng, sẽ phải chi các khoản tối thiểu bao gồm tiền nhà trọ, tiền điện nước, tiền ăn, tiền nuôi giữ con, tiền đi lại, tiền khám chữa bệnh... tổng cộng lên đến 5.960.000 đồng/tháng. Trường hợp đau yếu đột xuất hay có biến cố bất ngờ, đa phần công nhân lại phải đi vay mượn. Chỉ những công nhân còn độc thân, hàng tháng mới dám chi vài chục ngàn đồng cho các hoạt động văn hóa như đọc sách báo, giải trí, học hành… Đất nước chúng ta có một truyền thống đoàn kết gắn bó quý báu. Mỗi khi khó khăn, truyền thống quý báu đó lại trỗi dậy mạnh mẽ. Trong lúc tình hình lạm phát, giá cả tăng cao như hiện nay, hình ảnh những chủ nhà trọ không tăng giá nhà cho công nhân thuê - từ một vài nơi ban đầu lan rộng ra cả quận Thủ Đức, rồi nhiều địa bàn khác ở TPHCM - đã là một sự thể hiện cảm động cho tinh thần đoàn kết, đùm bọc sẻ chia đó. Mới đây nhất, đồng hành cùng chủ trương và các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ và chỉ thị của Bộ Chính trị, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều đơn vị, doanh nghiệp - dù cũng đang gặp rất nhiều khó khăn bởi tình hình chung - cũng đã có các phương thức hỗ trợ kịp thời, sáng tạo giúp công nhân nghèo ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất, như hỗ trợ thêm tiền ăn ở, đi lại… Trước đó, để cái tết tươi vui đến được với đồng bào nghèo, tiếp nối những năm trước, hàng chục doanh nghiệp cũng đã tham gia chương trình bình ổn giá trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán vừa qua… Tuy vậy, việc sẻ chia đó dường như mới tập trung ở một số địa bàn, địa phương, chưa thực sự lan tỏa mạnh mẽ, đều khắp trong cộng đồng và các địa phương trên cả nước. Tình hình thế giới cũng như trong nước đang tiếp tục có nhiều biến động và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp. Tất cả chúng ta đều mong mỏi có những giải pháp hữu hiệu để sớm vượt qua những khó khăn, thách thức đó. Trong bối cảnh như vậy, bên cạnh những giải pháp vĩ mô, chiến lược của Đảng và Chính phủ, thiết nghĩ, các cơ quan ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội ở các địa phương nên chủ động hơn nữa trong việc phát huy sáng kiến, phát động và khơi gợi, làm lan tỏa, thấm sâu đều khắp trong cộng đồng những phong trào lan tỏa yêu thương, chia sẻ trách nhiệm cộng đồng, cùng nhau vượt khó… giữa doanh nghiệp với công nhân, giữa tập thể với cá nhân, giữa người khó khăn ít với người khó khăn nhiều, giữa địa phương này với địa phương khác... ở mọi nơi trên đất nước ta. Đó cũng là cách tốt nhất để làm cho các tầng lớp, đối tượng nhân dân đứng về một phía, đoàn kết vượt qua khó khăn. Và đó cũng là hành động thiết thực thể hiện trách nhiệm cộng đồng và tình người trong cuộc sống. Phạm Phương Đông |