“Hóa giải” những bài toán khó

Năm 2023, thành tựu nổi bật nhất của ngoại giao Việt Nam là đã “hóa giải” được bài toán hóc búa mà có những quốc gia không làm được, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang diễn ra ngày càng quyết liệt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân chủ trì Lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân chủ trì Lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân. Ảnh: TTXVN

Thực hiện đúng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa, năm 2023 Việt Nam nâng cấp quan hệ với những đối tác quan trọng như Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Trong đó, việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng, nhất là ở khía cạnh phát triển kinh tế. Bên cạnh việc nâng cấp mới quan hệ, Việt Nam cũng cải thiện và thắt chặt quan hệ với các đối tác truyền thống. Trong đó có thể kể đến việc Việt Nam - Trung Quốc đã nhất trí xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc” trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào trung tuần tháng 12-2023.

Điều này một mặt thể hiện sự tin cậy ở mức cao nhất của lãnh đạo hai nước, mặt khác có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Bên cạnh việc lựa chọn hợp tác để cân bằng lợi ích song phương, đa phương, Việt Nam cũng giữ chính sách trung lập, không chọn phe cũng như không để mình bị rơi vào thế buộc phải phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác. Việt Nam tiếp tục đưa các mối quan hệ đối ngoại song phương đi vào chiều sâu, tạo thế đan xen lợi ích, “tăng độ tin cậy”.

Trong khi đó, đối ngoại đa phương cũng chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị, kinh tế quốc tế. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng khi bối cảnh thế giới và khu vực đã, đang xuất hiện nhiều dấu hiệu căng thẳng leo thang. Một điểm nhấn quan trọng nữa trong đối ngoại của Việt Nam năm 2023 là chúng ta đã duy trì và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng, góp phần đảm bảo an ninh chung cho khu vực. Trên đất liền, Việt Nam có 3 nước láng giềng là Trung Quốc, Lào, Campuchia và quan hệ với các nước này đều được tăng cường thắt chặt ở cấp ngoại giao Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân.

Quan hệ của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới trên biển (ngoài Trung Quốc và Campuchia) như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan cũng được tăng cường. Kinh tế cũng là kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động ngoại giao của Việt Nam năm 2023. Nhìn lại bức tranh tăng trưởng kinh tế năm nay có thể thấy, chính dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư ngoại vào môi trường năng động và ổn định như Việt Nam là một trong những động lực giúp duy trì tăng trưởng kinh tế.

Theo ước tính, năm 2023 xuất nhập khẩu đạt gần 700 tỷ USD với hơn 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; thu hút FDI tăng 14,8% trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới với những công nghệ tiên tiến và những ngành trọng yếu (như bán dẫn) đã đặt vấn đề hợp tác, đầu tư vào Việt Nam. Đây là điểm sáng của kinh tế Việt Nam, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành ngoại giao.

Những năm tới, tình hình thế giới và khu vực được dự báo còn nhiều biến động. Trong bối cảnh đó, ngoại giao cần “đi trước, nhìn trước, dự báo trước” để có những sách lược đối ngoại phù hợp. Trọng tâm xuyên suốt vẫn là tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ môi trường hòa bình, ổn định nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín đất nước.

Đường lối, chính sách ngoại giao cũng phải dựa trên sự bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia và dân tộc với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi vì lợi ích quốc gia, dân tộc nhưng cũng vẫn phải bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia và xem đây là mục tiêu tối thượng, là xuyên suốt và bất biến.

Tin cùng chuyên mục