Xác định tâm thế mới trong công tác đối ngoại

Ngày 18-12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương” đã khai mạc tại Hà Nội.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thông tin tại hội nghị, Cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Như Hiếu khẳng định, hợp tác quốc tế cấp độ địa phương đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất. Trong 3 năm qua, các địa phương đã ký kết 422 thỏa thuận quốc tế với các địa phương/đối tác/doanh nghiệp nước ngoài, tăng 111% so với giai đoạn trước. Công tác ngoại giao kinh tế phát huy vai trò là động lực quan trọng cho phát triển nhanh và bền vững của các địa phương. Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong giai đoạn 2021-2023 đạt 48,2 tỷ USD (tăng 22% so với giai đoạn trước) và có mặt tại 63/63 tỉnh thành. Công tác ngoại giao văn hóa được chú trọng, góp phần nâng tầm và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.

Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU), để xúc tiến thương mại đầu tư hiệu quả, các địa phương cần xác định lựa chọn những sản phẩm ưu thế của mình; xây dựng dữ liệu xúc tiến quảng bá trên cơ sở phát triển kinh tế địa phương và có sự tham khảo các cơ quan đại diện; tìm hiểu kỹ nhu cầu của đối tác.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, trong thành tựu chung to lớn của đối ngoại có đóng góp quan trọng của đối ngoại địa phương. Thời gian qua, công tác đối ngoại địa phương được triển khai chủ động, tích cực và đồng bộ hơn, nhiều mặt đã được đổi mới, sáng tạo và hiệu quả hơn. Các địa phương đã thực hiện tốt công tác biên giới lãnh thổ, góp phần củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển. Ngoại giao kinh tế của hầu hết các địa phương đã được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Năm 2023, xuất khẩu của TPHCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên và Hải Phòng đã vượt tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cách đây 10 năm. Ngoại giao văn hóa ở các địa phương tiếp tục khởi sắc với 13 danh hiệu được UNESCO công nhận trong 3 năm qua và còn nhiều hồ sơ di sản đang được UNESCO xem xét…

Thế và lực của nước ta ngày nay đã khác so với trước trên nhiều phương diện. Các địa phương cần xác định tâm thế mới trong quan hệ với các đối tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tiếp cận liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng, hiệu quả và tính bền vững làm tiêu chí hàng đầu.

Tin cùng chuyên mục