Hòa thượng Danh Nhưỡng – Người dành cả cuộc đời cống hiến cho đạo pháp và dân tộc

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Trưởng lão Hòa thượng Danh Nhưỡng là tấm gương sáng hạnh nguyện phục vụ đất nước, đạo pháp và dân tộc. Xuyên suốt cuộc đời – đạo nghiệp của mình, Hòa thượng Danh Nhưỡng đã tiếp bước các vị danh Tăng tiền bối, thể hiện rất rõ hạnh nguyện phục vụ đất nước, đạo pháp và dân tộc.
Hội thảo nhận hoa chúc mừng từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Hội thảo nhận hoa chúc mừng từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Ngày 26-8, tại Chùa Candaransi (quận 3, TPHCM), Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN)) phối hợp Trường ĐH KHXH&NV TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM) tổ chức Hội thảo khoa học Hòa thượng Danh Nhưỡng: Cuộc đời, đạo nghiệp, những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc. Hoạt động nhân kỷ niệm 5 năm viên tịch Cố Trưởng lão Hòa thượng Danh Nhưỡng (1929-2017), Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Hội thảo có sự tham dự gần 250 học giả, nhà nghiên cứu trong cả nước.

Theo TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, Trưởng lão Hòa thượng Danh Nhưỡng là một vị giáo phẩm cấp cao của GHPGVN. Ngài uyên thâm Phật học và thế học, đã dành cả cuộc đời cống hiến cho đạo pháp và dân tộc, phụng sự nhân dân và Tổ quốc. 

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đánh giá việc tổ chức hội thảo là việc làm có ý nghĩa, nhằm làm rõ hơn và vinh danh những cống hiến to lớn của cố Trưởng lão Hòa thượng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển GHPGVN và đất nước. Đây là nguồn tư liệu khoa học quý báu để giáo dục thế hệ Tăng ni, Phật tử về tấm gương sáng hạnh nguyện phục vụ đất nước, đạo pháp và dân tộc.

Hòa thượng Danh Nhưỡng – Người dành cả cuộc đời cống hiến cho đạo pháp và dân tộc ảnh 1 Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đạo từ chỉ đạo tại hội thảo

Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, Hòa thượng đã tích cực tham gia ủng hộ cách mạng, góp phần vào thắng lợi chung của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng đã kiên định phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Xã hội chủ nghĩa”.

Với cương vị Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp hoằng dương chánh pháp và giáo dục của Giáo hội. Hòa thượng hết lòng quan tâm chăm lo đến đời sống đồng bào Khmer Nam bộ, giáo dưỡng và dìu dắt đồng bào Phật tử bền vững đạo tâm, trang nghiêm giáo hội.

Hòa thượng Danh Nhưỡng – Người dành cả cuộc đời cống hiến cho đạo pháp và dân tộc ảnh 2 Hội thảo có sự tham dự của các Chư tăng, phật tử

Hòa thượng Thích Giác Toàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đề nghị, sau cuộc hội thảo, GHPGVN, Hệ phái Nam tông Khmer và Phật tử cần sưu tầm thêm những tài liệu liên quan đến Hòa thượng; Giáo hội cùng Hệ phái Nam tông Khmer cùng sự giúp đỡ của Nhà nước thực hiện phát triển, bảo trì các di tích liên hệ đến Trưởng lão Hòa thượng Danh Nhưỡng; cần tổ chức thêm nhiều hội nghị, hội thảo về Trưởng lão Hòa thượng, rút ra bài học về tấm gương sáng, công đức của ngài.

Hòa thượng Danh Nhưỡng – Người dành cả cuộc đời cống hiến cho đạo pháp và dân tộc ảnh 3 Ông Ngô Sách Thực phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhận định, Trưởng lão Hòa thượng Danh Nhưỡng với hạnh nguyện vì đạo pháp dân tộc đã dìu dắt đồng bào Phật tử giữ vững đạo tâm, cống hiến cả cuộc đời phục vụ đất nước, đạo pháp và dân tộc. Hơn 40 năm, Hòa thượng Danh Nhưỡng cùng các sư sãi, Phật tử Khmer đóng góp xây dựng GHPGVN, đất nước Việt Nam vững mạnh, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, làm phong phú văn hóa Việt Nam.  

Báo cáo đề dẫn hội thảo, Hòa thượng Danh Lung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer cho biết, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 36 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, học giả về nhiều khía cạnh học thuật, xoay quanh 2 chủ đề chính: “Hòa thượng Danh Nhưỡng: Cuộc đời - Đạo nghiệp - Những đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc” và “Chùa Candaransi trong đời sống văn hóa của người Khmer Nam bộ và vai trò kết nối Phật giáo quốc tế”.

Tin cùng chuyên mục