
Ngày Công ty TNHH T.Q.T - chuyên kinh doanh thiết bị máy tính, phần mềm tin học và các thiết bị văn phòng - chính thức khai trương vào dịp đầu năm 2008 đã trở thành một sự kiện của cả giới trẻ ở vùng núi, đồi miền trung du thuộc xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Rất nhiều bạn trẻ ở tận Hà Nội và các tỉnh khác cũng lặn lội đường xa đến chúc mừng người giám đốc rất đặc biệt được các cộng sự đẩy đi bằng xe lăn để tiếp khách.
“Lớp học” bên ô cửa sổ

Gây ấn tượng với mọi người là cơ ngơi của Công ty T.Q.T rất bề thế, với dàn máy tính đời mới hiện đại cùng đội ngũ nhân viên hơn chục người đều là các kỹ sư, cử nhân trẻ có tay nghề, kinh nghiệm từ khắp nơi đầu quân về công ty mới toanh ở vùng núi, đồi nghèo khó này. Nhưng đặc biệt nhất chính là giám đốc của nó, Trần Quốc Toàn, vừa bước sang tuổi 29 với thân hình chỉ như trẻ lên 10, nặng chưa đến 30kg, bị bại liệt toàn thân, muốn đi lại phải dùng xe lăn, có dây bảo hiểm và người đẩy.
Mới 11 tháng tuổi, một cơn sốt dai dẳng đã để lại di chứng khủng khiếp nơi Toàn. Anh bị liệt và teo dần cả hai chân. Rồi đôi tay cũng teo dần, co quắp lại, cột sống bị vẹo và cơ thể không thể tiếp tục phát triển được. Thương con, gia đình Toàn đưa cậu bé đi chữa trị khắp nơi, từ các bác sĩ Tây y đến các ông thầy lang vùng rừng, núi nhưng đều vô vọng. Bệnh lại ngày càng nặng hơn. Bệnh không thuyên giảm, bố mẹ đành đưa Toàn về nhà. Và cứ thế, hàng ngày, bố mẹ đi làm, các anh đi học, còn cậu bé “nửa nằm, nửa ngồi” bên ô cửa sổ nhìn ra cuộc sống bên ngoài với những mơ cháy bỏng của tuổi thơ.
“Học chữ và phải học bằng được” là những suy nghĩ trong lòng cậu bé tật nguyền khi nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường. Thấy ước muốn của con, ông Nguyễn Như Pháp, bố Toàn đã mua bảng chữ cái và kiên trì dạy chữ cho con. Hàng đêm, hai cha con cần mẫn ngồi bên nhau, dạy, đọc từng chữ cái vỡ lòng. Không cầm bút viết được nhưng cậu bé Toàn lại có trí nhớ khá tốt và đức tính kiên trì. Cậu học thuộc từng chữ cái, ráp vần.
Người anh trai của Toàn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài biết em mình ham học đã gửi về cho Toàn một chiếc máy tính xách tay. Được bạn bè chỉ bảo, Toàn kiên trì tự học với một bàn tay gõ phím và chiếc cằm dùng để nhấn “Enter”. Từ đây, chiếc máy vi tính như người bạn thân nhất của Toàn mặc dù không ít lần, Toàn chật vật với những cơn đau “tái mặt” khi phải cử động những ngón tay vốn đã không lành lặn của mình.
Từ một cậu bé tật nguyền, sau mấy năm, Toàn đã trở thành người giỏi tin học nhất xã nghèo miền trung du. Toàn nài nỉ bố mẹ “đầu tư” cho mình một “trung tâm tin học” vừa kinh doanh vừa là nơi “xóa mù tin học” miễn phí cho trẻ em nghèo trong xóm. Ban đầu, ai cũng ái ngại nhưng rồi trước sự kiên trì thuyết phục và niềm đam mê mãnh liệt của Toàn, gia đình cũng chấp thuận. Toàn cùng một người bạn thạo máy móc lên đường về Hà Nội tự mày mò mua máy vi tính, thuê ô tổ chở về nhà lắp đặt, làm hợp đồng kết nối Internet với bưu điện.
Căn nhà của Toàn trở thành trung tâm tin học lớn nhất vùng với 16 máy vi tính hiện đại dùng làm nơi trao đổi thông tin và dạy tin học miễn phí cho các bạn trẻ. Toàn cũng là người đầu tiên đưa Internet về làng. “Cả thế giới” đã ở trên bàn tay nhấp chuột của Toàn và các em nhỏ nghèo cùng xóm. Trên chiếc xe lăn do bạn bè đẩy đi, Toàn đi khắp xã để lắp đặt máy, cài đặt chương trình và tư vấn cho khách hàng.
Công ty tin học của giới trẻ vùng cao
Nửa nằm, nửa ngồi trên chiếc giường kê máy vi tính tại “phòng giám đốc”, Toàn cười tự tin nói: “Tôi tin rằng chỉ trong vài năm nữa, thương hiệu máy vi tính T.Q.T không chỉ nổi tiếng khắp Phú Thọ mà còn mở rộng thị trường khắp nước”. Toàn bảo, anh muốn công ty tin học của mình sẽ là một sân chơi, nơi hội ngộ và phát huy trí tuệ của giới trẻ miền trung du. “Công ty tôi sẵn sàng đón nhận tất cả các bạn trẻ khắp nơi cùng về đây góp sức như là một mái nhà chung cho dân mê tin học vùng đồi núi”. Cũng theo Toàn, công ty mới ra đời nhưng đã có những tín hiệu rất khởi sắc. Nhiều hợp đồng lắp đặt máy, bảo trì mạng… đã được ký kết với các doanh nghiệp, công ty lớn ở khắp Phú Thọ. Làm kinh doanh nhưng vẫn không quên công tác xã hội, hàng tuần, Toàn và các cộng sự vẫn duy trì lớp dạy vi tính miễn phí cho trẻ em nghèo trong xóm.
Toàn nói sau việc thành lập công ty, Toàn sẽ thực hiện tiếp hai ước mơ. “Thứ nhất là học ngoại ngữ Anh và Pháp, vì không biết ngoại ngữ thì sẽ thật lạc lõng trong thế giới phẳng này”. Thứ hai, Toàn đang mày mò tự thiết lập một trang web thông tin, tuyên truyền về Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, thông tin về các liệt sĩ, phần mộ và nghĩa trang các liệt sĩ đã yên nghỉ, nhất là thông tin về các kỷ vật, di vật còn sót lại của các liệt sĩ vô danh… Toàn nói: “Khi trang web lên mạng, em sẽ thành lập một CLB của trang web, các thành viên sẽ tìm đến với nhau để trao đổi những thông tin về các thân nhân liệt sĩ đã tìm được hay còn đang thất lạc của mình”.
Toàn thổ lộ: “Chẳng hiểu sao, em cảm thấy mình có món nợ với các thương binh, liệt sĩ. Nhờ họ mà đất nước mới thanh bình, bọn em, nhất là những người khuyết tật như em mới có cơ hội sống, vươn lên, khẳng định mình trong xã hội. Khi có trang web, chỉ cần giúp một thân nhân, gia đình liệt sĩ biết được con em mình đang nằm ở đâu, trên chiến trường nào mà tìm đến thì mình cũng đã làm được một việc có ích”.
Khi chia tay, Toàn tâm sự: “Người khuyết tật bọn em như cây xương rồng mọc trên cát, dù có khô cằn và chịu nhiều khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng nếu có sự quyết tâm vươn lên thì rồi cũng có lúc sẽ nở hoa làm đẹp cho đời” .
QUỲNH HƯƠNG