Hội đồng Nhân dân TPHCM (HĐND TPHCM), bắt đầu từ tháng 9-2008, sẽ mở thêm “kênh” để nhân dân góp ý, gọi là Chương trình tham vấn cộng đồng, nói nôm na là hỏi dân. Gọi là mở thêm “kênh” vì từ nhiều năm nay HĐND TPHCM đã có không ít “kênh” thu thập ý kiến của người dân, như các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND TPHCM trước và sau mỗi kỳ họp, Chương trình “Nói và làm” định kỳ của HĐND TPHCM trên Đài Truyền hình TPHCM, trên Báo Sài Gòn Giải Phóng..., các chuyến đi giám sát của các ban HĐND TPHCM. Mở thêm “kênh tham vấn cộng đồng” để tập hợp rộng rãi hơn, sâu sắc hơn ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời cũng để cùng bàn luận với người dân về những vấn đề nóng bỏng trong cuộc sống về những chủ trương, quy định của chính quyền. Nói như Chủ tịch HĐND TPHCM bà Phạm Phương Thảo mở thêm “kênh tham vấn cộng đồng” chính là để người dân bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình về những chủ trương, chính sách của TPHCM. Qua đó chính quyền cân nhắc, điều chỉnh kịp thời những quy định, chính sách đã ban hành nhưng chưa thật hợp quy luật, hợp lòng dân.
Và đây cũng là một khâu có ý nghĩa quyết định trong quá trình ban hành quy định, chủ trương mới.
Theo kế hoạch từ nay đến tháng 12 HĐND TPHCM sẽ tổ chức tham vấn và tập hợp ý kiến người dân về 3 vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống người dân. Đó là vấn đề nếp sống văn minh đô thị, vấn đề môi trường, và nhà tái định cư. Cách thức tham vấn sẽ được tiến hành như sau: các ban HĐND TPHCM khảo sát thực địa, kiểm tra; họp với lãnh đạo các phường xã; tổ chức hội thảo; tiếp nhận đơn thư của người dân gửi đến; điều tra xã hội học; thu thập ý kiến của người dân thông qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong cuộc sống của người dân TPHCM có biết bao điều bức xúc mà cách giải quyết của chính quyền còn bị kêu ca nhiều nhưng trước mắt tập trung vào 3 vấn đề bức bách trên để tìm ra hướng khắc phục hiệu quả nhất. Kết quả tham vấn sẽ được thông báo tại kỳ họp HĐND TPHCM thường lệ vào dịp cuối năm. Bước đầu hai cuộc tham vấn về ô nhiễm môi trường sẽ được tiến hành tại phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) và xã Đa Phước (huyện Bình Chánh).
Hỏi dân về những vấn đề bức bách trong cuộc sống và bàn với dân cách giải quyết là phương pháp công tác thể hiện quan điểm dân là gốc; thể hiện bản chất của chế độ ta “của dân, do dân và vì dân”.
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong”
Bài học về công tác dân vận nhớ đời, nằm lòng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy trong kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị trong hòa bình xây dựng hôm nay.
Những cán bộ, công bộc của dân đã lỡ xa dân hãy học lại bài học dân là gốc!
MINH THÔNG