Nguồn nước kêu cứu

Tình trạng nóng lên toàn cầu dẫn đến hàng loạt tác động với môi trường, trong đó có tình trạng nước biển dâng cao gây ngập lụt, xâm nhập mặn dẫn đến tình trạng thiếu nước cho nông nghiệp và sinh hoạt tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Tình trạng này càng ngày càng gay gắt, đặc biệt trong thời điểm El-Nino vẫn chưa chấm dứt.
Nguồn nước kêu cứu

Tình trạng nóng lên toàn cầu dẫn đến hàng loạt tác động với môi trường, trong đó có tình trạng nước biển dâng cao gây ngập lụt, xâm nhập mặn dẫn đến tình trạng thiếu nước cho nông nghiệp và sinh hoạt tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Tình trạng này càng ngày càng gay gắt, đặc biệt trong thời điểm El-Nino vẫn chưa chấm dứt.

Phát triển đi kèm nguồn nước cạn kiệt

Nước là nguồn tài nguyên cần thiết cho sự sống trên hành tinh. Các nguồn tài nguyên nước trên Trái đất chỉ có sẵn 3% và 2/3 lượng nước ngọt nằm ở các tảng băng và sông băng. 1% ở vùng sâu không thể tiếp cận và phần còn lại từ mưa. Nông nghiệp là lĩnh vực sử dụng nhiều nhất nguồn nước ngọt của thế giới, tiêu thụ 70%.  Khi dân số thế giới tăng và tiêu thụ thức ăn nhiều hơn, ngành công nghiệp và phát triển đô thị mở rộng cũng đòi hỏi một tỷ trọng các nguồn nước ngọt tăng thêm. Điều đó càng làm cho tình trạng khan hiếm nước trở thành vấn đề nan giải. Theo Viện Quản lý nước quốc tế ở Sri Lanka, 1/5 dân số thế giới (hơn 1,2 tỷ người) hiện sống ở các khu vực khan hiếm nước, tức là nơi không có đủ nước để đáp ứng tất cả các nhu cầu. Hơn 1,6 tỷ người sống trong các khu vực trải qua tình trạng khan hiếm nước kinh tế (thiếu sự đầu tư để sử dụng nước hoặc năng lực con người không đủ khả năng khai thác).

Nông dân Thái Lan vất vả đối phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn.

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng trên toàn thế giới, tập trung chủ yếu ở các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển. Các thành phố ở châu Phi và châu Á đang phát triển nhanh nhất với 28 trong số 39 thành phố lớn trên toàn thế giới ở các quốc gia đang phát triển. Với sự phát triển như vậy, tình trạng khan hiếm nước là một vấn đề rất phổ biến khi nguồn nước ngọt thường bị ô nhiễm, nguồn nước ngầm khai thác quá mức và nhất là việc xử lý và quản lý nguồn nước không theo kịp đà phát triển dân số.

Hơn thế nữa, với những tác hại ngày càng tăng của biến đổi khí hậu toàn cầu càng làm cho các chiến lược quản lý nguồn nước càng khó khăn hơn.

Hậu quả từ biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã làm  gia tăng tình trạng di cư trên thế giới, báo cáo của Liên hiệp quốc (LHQ) hồi tháng 12-2015 cho biết mực nước biển tăng kèm theo hạn hán làm cho những khu vực  ven biển Bangladesh và các đảo Thái Bình Dương trở thành những nơi không có người ở. Tị nạn khí hậu - cụm từ mới sẽ trở nên phổ biến trong những thập kỷ tới, theo dự báo của LHQ. Cơ quan này ước tính 200 triệu người vào năm 2050 sẽ phải rời bỏ nhà cửa do mực nước biển dâng cao hay thiếu nước sinh hoạt. Trong số này, hàng triệu người ở Bangladesh phải bỏ nhà đi nơi khác và Bangladesh vốn có dân số đông đúc sẽ chịu mất thêm nhiều vùng đất ven biển do mực nước biển dâng. Đất nông nghiệp và việc cung cấp nước ngọt ở nhiều nơi khác thuộc khu vực Nam Á cũng bị đe dọa ngày càng trầm trọng hơn do nước mặn xâm nhập. Ở miền Nam Thái Bình Dương, các cư dân của quần đảo Marshall - một quốc đảo san hô đang bị  nước biển dâng và hạn hán. Người dân đảo quốc này đã bắt đầu di cư đến Mỹ. Khoảng 10.000 đến 70.000 người của đất nước này hiện đang sống tại Springdale, Arkansas.

Một số đảo san hô khác cũng không ở được vì nước mặn làm hoen ố đất nông nghiệp và nguồn cung cấp nước ngọt quý giá. Theo báo cáo của Đại học Bonn (Đức) dựa trên số liệu của Cơ quan Môi trường và an toàn con người LHQ (UNU-EHS) và Ủy ban Kinh tế - Xã hội LHQ, hầu hết các hộ gia đình ở các quốc đảo Kiribati, Nauru và Tuvalu bị mực nước biển dâng, xâm nhập mặn, lốc xoáy và hạn hán đã thúc đẩy họ tìm nơi mới sinh sống trong nước hoặc ở nước ngoài. Khoảng 23% người dân Kiribati và 8% ở Tuvalu phải di tản do biến đổi khí hậu. Khoảng 10.000 người dân ở 3 quốc gia nói trên muốn di cư từ năm 2005 đến năm 2015 nhưng đã không thể vì lý do tài chính.

Từ Thái Lan đến Mỹ đều kêu cứu

Theo báo Bangkok Post, Bộ Y tế công cộng Thái Lan vào ngày 22-2 cho biết 5 bệnh viện ở miền Bắc và Đông Bắc nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng do hạn hán, trong đó đã ảnh hưởng đến các dịch vụ y tế của bệnh viện.  Tại Bệnh viện Phra Thong Kham, nước bị lắng đọng trầm tích đã vượt tiêu chuẩn an toàn, trong khi các bệnh viện Wiang Kao và San Pa Tong phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Bộ Y tế Thái Lan đã phải nhờ đến các cơ sở sản xuất nước máy địa phương để cung cấp nguồn nước bổ sung cho các bệnh viện, cùng với việc nâng cao chất lượng nước cho phù hợp với tiêu chuẩn an toàn.

Theo Bộ Y tế Thái Lan, có 2.216 người đã mắc các bệnh do thiếu nước gây ra kể từ tháng 1-2016. Các bệnh gồm ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy và thương hàn. Nhà chức trách đề nghị mọi người đảm bảo sử dụng nước và thực phẩm sạch để phòng ngừa bệnh tật. 17 trạm bơm nước tại 14 tỉnh chủ yếu ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Trong số này, trạm bơm nước ở tỉnh Chachoengsao  bị nước biển xâm thực nặng nhất. Lượng nước biển xâm nhập vào nguồn nước thô ảnh hưởng đến nước tưới tiêu và sinh hoạt khi nồng độ muối vượt quá mức cho phép. Tại Bangkok, độ mặn ở sông Chao Phraya ở mức 2,13 gram muối/lít, cao hơn so với tiêu chuẩn an toàn để sử dụng nông nghiệp là 2 gram/lít. Nông dân ở nhiều nơi thuộc phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan đối mặt với  vấn đề thiếu nước tưới cho các cánh đồng ngô rộng lớn.

Ảnh minh họa tình trạng xâm nhập mặn từ chiều dọc và chiều ngang. Nguồn Floridaswater.com

Tại bang California, Mỹ, tình trạng thiếu nước vẫn đang diễn ra gay gắt. Mực nước ngầm tiếp tục suy giảm đáng kể. Thiếu nước đã đẩy hàng chục ngàn hécta hạnh nhân, quả óc chó và khoảng hai chục loại cây trồng khác vào cảnh khốn đốn. Nước ngầm là huyết mạch của nông nghiệp California. Trong ngành công nghiệp hạnh nhân, gần 70% các trang trại thông thường dựa trên ít nhất một số nguồn nước ngầm để tưới tiêu. Tại California, 30% tổng số nguồn nước là từ nước ngầm, 43% cư dân của tiểu bang có được uống nước từ nước ngầm. Vào tháng 1 và 2, Sở Tài nguyên nước của bang xác định 21 lưu vực và tiểu lưu vực nước ngầm đang bị cạn kiệt  gây nên tình trạng xâm nhập mặn và sụt lún đất. Đất tại nhiều khu vực sụt gần 2 inch mỗi tháng ở một số nơi. Nguyên nhân chính là do khai thác nước phục vụ nông nghiệp. Tại khu vực Porterville, trung tâm trồng cam của Mỹ, khoảng 1.100 giếng ngầm đã cạn từ cuối năm 2015 phải dùng nước từ xe bồn.

Từ thập niên 1920 và 1930, người nông dân California đã bắt đầu bơm nước ngầm để trồng cây, vì vậy mặt đất bị lún hơn 9m trong suốt thế kỷ 20. Khi các dự án nước của tiểu bang và liên bang lấy từ nước sông, nước ngầm đã bắt đầu hồi phục. Nhưng trong 10 năm qua, nguồn cung cấp nước từ sông cũng đã giảm, nông dân đã đào giếng sâu hơn, tiếp tục gây sụt lún đất. Ngoài ra, trong 20 năm qua, các loại cây trồng chủ đạo ở bang California thay đổi từ cây trồng hàng năm sang cây lâu năm, gây ra sự phụ thuộc nhiều hơn vào nước ngầm.

Khi cuộc khủng hoảng ngày càng tăng, các nhà môi trường Mỹ cho rằng California là bang duy nhất của Mỹ không điều tiết sử dụng nước ngầm. Vào lúc đỉnh cao hạn hán năm 2014, Đạo luật quản lý nước ngầm bền vững đã được bang này thông qua và được Thống đốc Jerry Brown ký vào mùa thu năm 2014. Theo đạo luật này, chính quyền bang  giám sát sâu rộng hoạt động khai thác và sử dụng nước ngầm và thu phí sử dụng nước ngầm.

Theo dự báo, hạn hán nghiêm trọng hơn sẽ xảy ra tại Thái Lan vào thời điểm giữa tháng 3 và tháng 4. Hiện  Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố 11 tỉnh trong tình trạng thảm họa do khan hiếm nước. Quân đội Thái Lan đã được huy động để giúp người dân vượt qua thời kỳ khó khăn. Lưu vực sông Chao Phraya, được gọi là vành đai lúa của Thái Lan, hạn hán sẽ tăng mạnh trong 2 tháng tới khi mùa nóng bắt đầu. Mực nước ở sông Chao Phraya thấp hơn bình thường chủ yếu do nước đang được tích tại các con đập lớn nằm ở thượng nguồn. Trong khi đó, dự trữ nước của các đập chỉ ở mức 11% công suất, mức thấp nhất trong vòng 47 năm qua. Các quan chức đập đã phải kêu gọi người dân không trồng lúa trái vụ và giảm diện tích nuôi cá. Một số nơi ngừng đưa nước vào các con đập để ngăn chặn sự xâm nhập của nước biển ngày  càng trầm trọng hơn vào các con sông.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục