Vì sao dân Pháp không muốn cải cách luật lao động?

Nước Pháp đang đối mặt với làn sóng đình công lớn phản đối luật lao động mới vừa được chính phủ nước này thông qua. Luật lao động mới theo đánh giá của các nhà kinh tế là nhằm đưa nền kinh tế Pháp thoát khỏi sự tuột dốc không phanh giữa lúc nợ công và thất nghiệp tăng cao kỷ lục. Thế nhưng vì sao người lao động Pháp lại phản đối?
Vì sao dân Pháp không muốn cải cách luật lao động?

Nước Pháp đang đối mặt với làn sóng đình công lớn phản đối luật lao động mới vừa được chính phủ nước này thông qua. Luật lao động mới theo đánh giá của các nhà kinh tế là nhằm đưa nền kinh tế Pháp thoát khỏi sự tuột dốc không phanh giữa lúc nợ công và thất nghiệp tăng cao kỷ lục. Thế nhưng vì sao người lao động Pháp lại phản đối?

Luật lao động mới không ổn?

Luật lao động mới, thường được gọi là luật El Khomri, đặt theo tên Bộ trưởng Lao động Pháp Myriam El Khomri, đã làm cho người lao động Pháp sôi sục trong vài tuần gần đây. Thay đổi đáng kể nhất là luật cho phép người lao động làm việc trên 35 giờ so với hiện nay, có thể lên đến 46 giờ (nhưng với các thỏa thuận trả thêm khá hào phóng từ giờ thứ 36 trở đi). Ngoài ra, luật cho phép giới chủ dễ dàng cắt giảm lương, sa thải hoặc thuê mướn người lao động. Các công ty có lực lượng lao động từ 10 người trở xuống có thể sa thải nhân viên sau một tháng sụt giảm thu nhập, trong khi những công ty có tới 300 nhân viên phải chứng minh 3 quý liên tiếp các khoản thu giảm mới có thể sa thải nhân viên và cả các công ty lớn hơn nữa phải chứng minh kết quả thu nhập trong 1 năm.

Công nhân đường sắt quốc gia Pháp đình công

Luật này trong quá trình chuẩn bị đã không tham khảo ý kiến của công đoàn đại diện cho những người lao động mà Chính phủ Pháp tự soạn thảo và không thông qua quốc hội. Điều đó làm cho luật sớm được ban hành nhưng cũng bị phản đối mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, luật lao động mới của Pháp được xem là cứu tinh cho nền kinh tế nước này khi mà các công cụ khác như lãi suất đã vô tác dụng. Pháp đang cần một nền kinh tế cạnh tranh hơn. Ngành công nghiệp của nước này và ngành xuất khẩu đang tụt hậu so với các nước lớn trong Liên minh châu Âu (EU) như Đức và Anh. Luật lao động trước đó của Pháp do được xem là thân thiện nhất ở châu Âu khiến nền kinh tế nước này kém tính cạnh tranh. Giờ lao động 35 giờ tuần tại Pháp được xem là số giờ lao động thấp nhất thế giới. Đây là lý do tại sao ngay cả khi diễn ra hàng loạt vụ đình công lớn, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bác bỏ việc rút lại luật lao động mới. Phát biểu trên truyền hình Pháp, ông Hollande nói: “Luật mới sẽ mang lại hiệu suất tốt nhất cho các doanh nghiệp và tạo thêm quyền cho người lao động”.

Thực ra, luật lao động mới của Pháp đang gần hơn với các thành viên khác trong EU nhằm tăng khả năng cạnh tranh so với kim ngạch xuất khẩu từ các nước như Ấn Độ và Trung Quốc. Chính phủ của đảng Xã hội do Thủ tướng Manuel Valls đứng đầu tin rằng cải cách luật lao động sẽ đưa mô hình lao động của Pháp gần gũi hơn với  Đức và Anh, sẽ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp cao dai dẳng của Pháp hơn 10% và ngăn chặn đà trượt dốc của nền kinh tế. Tuy nhiên, các công đoàn Pháp lại xem đây là một cuộc tấn công vào các quyền cơ bản của các thành viên của họ.

Kết quả của cuộc khủng hoảng này sẽ có một tác động mạnh mẽ đến cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2017. Với luật lao động mới, Tổng thống Hollande rất ít cơ hội tái cử. Dù ai làm tổng thống trong năm tới cũng sẽ phải đối mặt với thách thức về nền kinh tế của Pháp đang trên đà trượt dốc.

Kinh tế Pháp lao đao

Theo bảng xếp hạng của các nước cạnh tranh nhất thế giới do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đưa ra, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan là những nước có luật bảo vệ việc làm tương tự như luật lao động mới của Pháp đã giúp thu hút đầu tư nước ngoài và tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn.

Ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nền kinh tế Pháp tăng trưởng khoảng 3% so với 6% của Đức, 8% của Vương quốc Anh và 10% của Mỹ. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của Pháp hiện đang ở mức 3,5% GDP và tỷ lệ nợ công trên GDP là 96% và đang tiếp tục tăng. Điều đáng nói là trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, nước Anh vẫn tạo ra rất nhiều việc làm. Ngược lại, ở Pháp, sử dụng lao động trở thành cơn ác mộng.

Nguyên nhân là tiền lương thực tế tại Pháp tương đối cao, người sử dụng lao động phải trả các chi phí xã hội rất lớn do nhà nước quy định. Hơn nữa, rất khó sa thải người người lao động. Kết quả là tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp hơn 10%, cao gấp đôi Anh và Đức. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ và dân tộc ít người còn cao hơn nhiều. Điểm yếu của thị trường lao động này ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế: các doanh nhân miễn cưỡng khởi nghiệp; đầu tư của cả công ty Pháp và công ty nước ngoài gặp khó khăn và tiêu dùng bị ảnh hưởng do tỷ lệ thất nghiệp cao.
Theo báo Telegraph, những gì đang diễn ra ở Pháp giống với nước Anh những năm 1980 khi chưa có cải cách lao động từ Thủ tướng Margaret Thatcher. Nhưng những gì diễn ra tại Pháp khác biệt vì thái độ của người dân. Theo các cuộc thăm dò gần đây, khoảng 7/10 người Pháp nghĩ rằng chính phủ nên rút lại luật lao động mới.

Tình trạng này có thể được tóm tắt như sau: người dân Pháp không chấp nhận Tổng thống Hollande vì cho rằng ông đã thất bại trong việc cải thiện hiệu suất kinh tế nhưng lại hoàn toàn bác bỏ bất cứ biện pháp nào mà ông đang cố gắng đưa ra. Trong bối cảnh chính trị này, rất khó khăn cho Chính phủ Pháp hiện tại hoặc bất cứ chính phủ nào tiếp theo có thể để thúc đẩy cải cách thực sự triệt để.

Trong khi đó, ở Anh và Đức dưới thời Thatcher và Thủ tướng Schröder cũng có các cải cách tương tự về thị trường lao động nhưng được người dân chấp nhận.

Trước mắt, các cuộc đình công lớn cùng với lo ngại an ninh sau hàng loạt vụ khủng bố, theo Ủy ban Du lịch của Paris, hậu quả sẽ là ngành du lịch gánh chịu. Rõ ràng là hình ảnh về những vụ đụng độ dữ dội giữa người biểu tình với cảnh sát trong trong thủ đô Paris, được truyền đi khắp thế giới, khiến nhiều du khách ngoại quốc e ngại đặt chân đến nước Pháp trong lúc này, nhất là trong bối cảnh nguy cơ khủng bố vẫn còn đó. Ngành du lịch ở Pháp, hiện vẫn chưa gượng dậy được hoàn toàn sau loạt khủng bố ở Paris tháng 11 năm ngoái, đang trông chờ rất nhiều vào giải vô địch bóng đá châu Âu Euro-2016. Cho nên các lãnh đạo ngành du lịch mong là phong trào đình công biểu tình sẽ chấm dứt trước giờ khai mạc sự kiện thể thao sẽ thu hút giới say mê bóng đá toàn thế giới. Theo thẩm định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), giải Euro-2016 có thể mang lại cho nền kinh tế Pháp 1,2 tỷ EUR. Nhưng chắc chắn đó sẽ chỉ là thẩm định trên lý thuyết.

THỤY VŨ tổng hợp

Tin cùng chuyên mục