Chọn bản sắc dân tộc hay lợi ích kinh tế?

Chọn bản sắc dân tộc hay lợi ích kinh tế?

“Bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ không khác nào hành động kích nổ trái bom đặt dưới nền kinh tế Vương quốc Anh”, đây là lời cảnh báo của Thủ tướng Anh David Cameron dành cho người dân nước này khi nói về kịch bản Anh rời EU (Brexit). Tuy nhiên, nhà báo Sophie Pedder của tạp chí The Economist cho rằng chưa chắc khi bỏ phiếu vào ngày 23-6, người Anh cân nhắc những được, mất về kinh tế. Người Anh chỉ lo đánh mất bản sắc dân tộc.

Lựa chọn mang tính quyết định

Thủ tướng Anh cho hay mỗi hộ gia đình có thể thiệt hại 4.300 bảng (6.200 USD)/năm nếu Anh rời khỏi EU.

Sau nỗ lực thuyết phục của Thủ tướng Anh, đến lượt các nghiệp đoàn Anh, đại diện cho 6 triệu công nhân cũng đã kêu gọi các thành viên của mình nói “không” với việc rời EU. Các tổng thư ký của các nghiệp đoàn như Unite, Unison và GMB nằm trong số 10 lãnh đạo nghiệp đoàn, cùng soạn thảo bức thư gửi báo Guardian khẳng định các quyền lợi về thai sản, quyền được trả lương khi nghỉ phép, quyền được đối xử công bằng giữa công nhân làm việc toàn thời gian, bán thời gian và người lao động trong các cơ quan ở Anh chắc chắn sẽ bị đe dọa nếu nước Anh không còn nằm trong mái nhà chung châu Âu.

Thủ tướng David Cameron cùng những người dân Anh phản đối Brexit

Cùng lúc đó, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo cảnh báo nếu Brexit xảy ra, các nhà xuất khẩu nước này có nguy cơ phải chi thêm 5,6 tỷ bảng Anh (8,2 tỷ USD) tiền thuế hải quan mỗi năm. Theo số liệu thống kê, hiện 47% hàng hóa của Anh xuất khẩu sang các nước khác trong EU và khoảng 13% sang các đối tác thương mại ưu đãi của khối này. Nếu Anh rời khỏi EU, nước này sẽ không được hưởng các ưu đãi khi tiếp cận thị trường 58 quốc gia tham gia 36 thỏa thuận thương mại của EU.

Cho đến bây giờ, Anh vẫn không sử dụng đồng tiền chung châu Âu (EUR) và vẫn còn đứng ngoài khu vực tự do đi lại Schengen.

Yves Pertonicini, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Âu Jacques Delors tin rằng những yếu tố lịch sử và địa lý đã khiến Anh xa cách châu Âu. Về mặt địa lý, nước Anh là một hòn đảo, mà trong quá khứ từng ngự trị một đế quốc rộng lớn. Trong quan điểm của người Anh, Anh có lợi hơn khi giao lưu với các nền kinh tế đang phát triển, đó là những khu vực đang có tỷ lệ tăng trưởng cao. Thứ hai, Anh là thành viên hiếm hoi trong EU có quan hệ thương mại với 27 nền kinh tế còn lại ít hơn so với các đối tác ngoài EU. Về mặt lịch sử, người dân Anh chưa bao giờ tin tưởng EU là một lá chắn, đem lại hòa bình và thịnh vượng. London luôn xem việc gia nhập EU như một cuộc hôn nhân có tính toán. Nếu chỉ xem xét về lợi ích, người dân Anh sẽ quyết định ở lại EU.

Tuy nhiên, người Anh vốn luôn hoài nghi châu Âu và xem mái nhà chung đó là một trở ngại đối với quyền tự chủ của Vương quốc Anh. Nhìn dưới khía cạnh đó, có thể những người muốn rời khỏi EU sẽ thắng thế. Trong tất cả mọi cuộc chia tay, những quyền lợi kinh tế tài chính chưa chắc là những yếu tố quyết định. Nhận định này trùng hợp với kết quả cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 6-6 do trang WhatUKThinks tiến hành tại Anh, khi tỷ lệ ủng hộ Brexit đã vượt lên dẫn trước với tỷ lệ 51% so với 49% người phản đối Brexit.

Châu Âu mất gì?

Về phía EU, Brussels nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận với Thủ tướng David Cameron để giữ London lại trong EU vì nhiều lý do. Anh là nền kinh tế lớn thứ 3 trong EU, là trung tâm tài chính số 1 tại lục địa già, là một nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách của cả 28 thành viên EU. Ngân sách chung của EU chỉ tương đương 1% GDP của EU. Do vậy, giới chuyên gia cho rằng nhìn về tổng thể, sau khi chia tay, Anh thiệt hại nhiều hơn so với 27 thành viên còn lại. Tuy nhiên, Cơ quan tư vấn tài chính và kinh tế Euler Hermes cho rằng nếu kịch bản Brexit thành hiện thực, Bỉ, Ireland, Hà Lan, Đức, Pháp và các nước ngoài EU là Mỹ sẽ bị thiệt hại, do các quốc gia này là những bạn hàng chính của Anh. Cán cân thương mại của Đức đối với Anh có thể bị giảm 6,8 tỷ EUR/năm, trong đó ngành công nghệ xe hơi Đức thất thu đến gần 2 tỷ EUR. Thiệt hại đối với các doanh nghiệp Pháp là khoảng hơn 3 tỷ EUR/năm.

Thực ra, rủi ro lớn nhất đối với EU một khi Anh rời khỏi EU là đó chính là hiệu ứng domino từ “virus Brexit”. Thăm dò dư luận do Viện YouGov thực hiện cho báo Handelsblatt của Đức công bố cuối tháng 5 vừa qua cho biết có 1/3 số người Đức được hỏi ủng hộ nước này rút khỏi EU. Khảo sát mới công bố ngày 7-6 do Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) thực hiện cho thấy tại các quốc gia đã gia nhập EU từ lâu và người dân vốn khá yêu quý EU, tỷ lệ người phản đối EU bắt đầu tăng lên. Tại Pháp, tỷ lệ này tăng lên 38% trong vòng 1 năm qua, trong khi số người ủng hộ EU giảm khoảng 17%. Chỉ có người dân tại các quốc gia thành viên mới gia nhập thì vẫn tin tưởng vào những lợi ích của việc gia nhập ngôi nhà chung khi tỷ lệ ủng hộ EU vẫn duy trì ở mức khá cao. Có tới 72% người dân Ba Lan được hỏi bày tỏ sự ủng hộ với EU, trong khi tỷ lệ này ở Hungary là 61%.

Ba kịch bản nếu Brexit diễn ra

Trong trường hợp đa số dân Anh muốn rời khỏi EU, London sẽ phải đàm phán về quy chế của Anh trong quan hệ với Brussels. Lịch đàm phán dự định kéo đến năm 2018. Ba kịch bản có thể: Thứ nhất, Anh sẽ vẫn ở lại trong không gian kinh tế châu Âu, như trường hợp của Na Uy hiện tại. Khi đó, London tiếp tục đóng góp vào ngân sách chung của châu Âu, tuân thủ luật chơi chung của thị trường và các công dân Anh vẫn được hưởng quyền tự do đi lại trong EU. Có điều, London mất quyền biểu quyết tại Hội đồng châu Âu. Thứ hai, Anh được tham gia thị trường chung châu Âu đối với một số ngành nghề, hay lĩnh vực kinh tế, giống trường hợp giữa EU với Canada và Thụy Sĩ. Thứ ba, Anh sẽ là một đối tác thương mại của châu Âu, tương tự như mọi thành viên trong WTO.

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục