Hy vọng cho kỳ thi chung

Chỉ cần Thủ tướng phê chuẩn là từ năm tới dự án cải cách công tác tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ được thực hiện đồng khắp trong cả nước, làm nhẹ bớt gánh nặng thi cử và đạt được mục tiêu phân luồng học sinh như chúng ta đã nhiều năm kỳ vọng từ sự nghiệp “trồng người”. Tuy nhiên, việc chuyển từ phương thức “ba chung” sang “một chung” – theo đúng tinh thần “mềm” hóa đầu vào và “cứng” hóa đầu ra – sẽ còn khá vật vã, phải vượt qua những rào cản vô hình và hữu hình, nhất là lối tư duy “khoa bảng” bằng mọi giá còn hằn nếp trong nhận thức nhiều thế hệ.

Chính vì tầm quan trọng của một kỳ thi chung cho năm 2009, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được coi là cuộc tổng diễn tập quyết định sự lựa chọn phương án thi: Tiếp tục thi ĐH-CĐ hay thi THPT để làm căn cứ xét tuyển? Thực tế, Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ chọn phương án thi tốt nghiệp phổ thông và để minh chứng cho “đáp án đúng nhất” này, Bộ đã làm hết sức mình, huy động toàn bộ sức mạnh tổng hợp của bộ máy từ trung ương xuống đến địa phương nhằm đảm bảo cho kỳ thi năm nay đạt hiệu quả cả về chất lượng lẫn độ an toàn “nghiêm túc như thi ĐH”.

Qua 3 ngày với 6 môn thi, ghi nhận ban đầu cho thấy những mong đợi của cơ quan quản lý giáo dục phần nào cũng được đáp ứng: kỷ luật phòng thi được tuân thủ chặt chẽ, số vụ vi phạm quy chế thi giảm hẳn, nội dung đề thi nằm trong chương trình học rải đều các năm học… Thế nhưng, những hạt sạn tưởng chừng đã được bóc tách khỏi “cơ chế” tuyển sinh – rất tiếc vẫn còn tại vị. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự phân hóa giáo dục giữa các vùng miền càng ngày càng khó san lấp khi mà trình độ học vấn cũng như ý thức công dân của học sinh ở các đô thị lớn tỏ ra vượt trội so với những vùng miền khác.

Và có thể thấy rõ điều này qua những chuyện buồn-muôn-thuở: ở một số địa phương xa trung tâm, cảnh tượng “dập dìu phao thi” lại tái diễn tuy không thành “chợ phao” công khai như các năm trước. Thứ hai, chất lượng đào tạo ở bậc phổ thông – thật sự là “có vấn đề nghiêm trọng” – khi có khá nhiều học sinh ngồi cắn bút trước đề thi chỉ đòi hỏi “thuộc bài” chương trình 12 năm đèn sách. Năm ngoái, chúng ta bắt đầu thực hiện “hai không” với cách làm “học thật, thi thật” thì đã “gặt” ngay kết quả gây sốc: Tỷ lệ học sinh đỗ tú tài cả nước chỉ đạt trên 65%. Và cộng thêm “kỳ thi vớt” nữa cũng chỉ đạt khoảng 90%. Còn năm nay, con số thí sinh “vượt vũ môn” vào đời sẽ là bao nhiêu?

Như thế, bài toán một kỳ thi chung sẽ còn phải có cách tiếp cận khác để làm sao 1 mũi tên bắn trúng 2 đích: Lựa chọn chính xác các em có đủ tố chất vào các trường ĐH và cấp bằng tốt nghiệp – như chúng ta mong muốn phổ cập được bậc THPT – cho các em khác chọn nghề trong số hơn 1 triệu nghề hiện hữu mà LHQ đã thống kê? Nói cách khác, lời giải của bài toán này cũng chính là đáp án cho bài toán khác – bài toán phân luồng học sinh – mà chúng ta đang loay hoay không biết giải quyết ra sao. Ở đây, sự hài hòa giữa hình thức và nội dung cần được chú trọng và cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu về mặt hình thức – sự nghiêm túc của quy chế và kỷ luật thi – tuy khó nhưng vẫn có thể thực hiện được – thì nội dung thi lại rất khó cho ra kết quả “2 trong 1”. Điều này thể hiện rõ nét qua đề thi trắc nghiệm các môn Vật lý và Sinh học vừa qua khi nhiều em dù có học kỹ, học giỏi vẫn không thể vượt qua bảng thi gồm 40 câu phải tô khoanh trong 60 phút. Và liệu khoảng thời gian ngắn đó có đủ lực phân loại học sinh?

Nhưng trúc trắc trong công tác tuyển sinh vẫn có thể được tháo gỡ nếu có sự quyết tâm chung. Cái chính là chúng ta dám làm, dám đổi mới triệt để tư duy giáo dục, dám chịu trách nhiệm trước tương lai đất nước. Và kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa kết thúc cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm cũng như hy vọng “vạn sự khởi đầu nan” cho thành công của một kỳ thi chung vào năm học tới.

Bích An

Tin cùng chuyên mục