Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong quá trình thực hiện các hội nghị kết nối cung cầu đã có nhiều biên bản thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối cung cấp sản phẩm, hợp tác giao thương được ký kết giữa các nhà sản xuất và DN phân phối. Trong đó, tại khu vực phía Nam, TPHCM là địa phương đi đầu và là điển hình trong thực hiện kết nối cung cầu hàng hóa. Thống kê đến nay, TPHCM đã có 2.283 hợp đồng được ký kết; riêng hội nghị kết nối cung cầu năm 2018 đã kết nối thành công 397 hợp đồng.
Từ thành công này, TPHCM đã mở rộng tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu với các địa phương trên cả nước, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các tỉnh bạn. Đặc biệt, chương trình đã trở thành cầu nối để DN các tỉnh thành tiếp xúc, trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ, hỗ trợ các địa phương đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối; đặc biệt là mở rộng thị trường các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar...
Nhân rộng mô hình của TPHCM, các địa phương khác tại khu vực phía Nam như Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, An Giang… cũng liên tục có các hoạt động kết nối cung cầu với quy mô nhỏ hơn. Gần đây nhất, vào ngày 9-9, Sở Công thương Hậu Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kết nối tiêu thụ nông sản được chứng nhận OCOP và các sản phẩm nông sản khác của Hậu Giang. Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Hậu Giang một cách bền vững, hỗ trợ các hợp tác xã khai thác hiệu quả thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Tại buổi kết nối này, đại diện Saigon Co.op khu vực miền Tây đã trực tiếp tư vấn, hướng dẫn các thủ tục và yêu cầu về từng nhóm hàng hóa để các hợp tác xã, cơ sở đủ điều kiện kết nối đưa hàng hóa vào hệ thống. Mặt khác, những cơ sở chưa đủ điều kiện tiếp tục hoàn thiện và nâng tầm sản phẩm trong thời gian tới. Phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ có khoảng 7-10 sản phẩm của Hậu Giang được đưa vào hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng của Saigon Co.op.