Kết nối tiêu thụ hàng hóa trong tình hình mới

Sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch, mọi phương thức kinh doanh truyền thống, trong đó có kết nối tiêu thụ hàng hóa, đã thay đổi để thích ứng cũng như tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn. 
Nhiều hàng nông sản của ĐBSCL được kết nối bán tại các kênh siêu thị TPHCM
Nhiều hàng nông sản của ĐBSCL được kết nối bán tại các kênh siêu thị TPHCM

Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong suốt thời gian dịch bệnh căng thẳng, cung cầu thiếu kết nối, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy do thiếu lao động thu hoạch, chế biến và sản xuất. Thêm vào đó, việc hạn chế giữa lưu thông vận chuyển hàng hóa ở các địa phương và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của thị trường giảm đã khiến người dân, nhà phân phối phải gồng mình gánh chịu. Tuy vậy, trong mỗi một giai đoạn, các doanh nghiệp, nhà phân phối đều nhanh chóng có những giải pháp thích ứng nhanh để hàng hóa từ các địa phương tới người tiêu dùng và xuất khẩu. 

Điển hình ở khu vực phía Nam - do là tâm dịch của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4, nên có những thời điểm lưu thông hàng hóa bị tắc nghẽn, gây ùn ứ nông sản ở nhiều địa phương như Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Đồng Tháp… Ở thời điểm đó, chính quyền những địa phương này đã nhanh chóng kết nối doanh nghiệp địa phương với những nhà phân phối lớn như Co.opmart, Co.op Food, Vinmart+… ở các tỉnh, thành phố khác; đồng thời ứng dụng hiệu quả công nghệ số, thương mại điện tử để hỗ trợ đắc lực nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa, nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh ở phía Nam phức tạp, nhất hồi tháng 7,8,9 năm 2021, nhờ việc kết nối tiêu thụ theo hướng đa kênh như: kênh bưu điện, kênh bán lẻ truyền thống, thương mại điện tử, Zalo… mà các loại nông sản đến mùa vụ thu hoạch đã nhanh chóng được đưa tới người dân TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai. 

Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương Long An chia sẻ, vào thời điểm các sản phẩm chuối, thanh long, gia cầm, thủy sản… của tỉnh rộ vụ thu hoạch, chúng tôi đã kết nối với các đơn vị như Co.opmart, San Hà… để tiêu thụ hàng hóa cho bà con nông nhân. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, sản lượng lớn thanh long và chuối của tỉnh được tiêu thụ hết, mang lại phấn khởi cho bà con và các hợp tác xã.  

Theo đại diện của Saigon Co.op (đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile…), trong suốt thời gian qua, Saigon Co.op đã phối hợp cùng Sở Công thương các tỉnh phía Nam hỗ trợ tiêu thụ loạt hàng nông sản đến mùa vụ thu hoạch cho nông dân. Điển hình vào giữa tháng 9-2021, Co.opmart và Co.opXtra đã thực hiện giải cứu chôm chôm Java của tỉnh Bến Tre và bơ Booth của huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk với tổng sản lượng hơn 150 tấn.

Đáng chú ý, nhà bán lẻ này còn trợ giá giúp giá bán trung bình của 2 loại nông sản này chỉ quanh mức 12.000 đồng/kg đối với chôm chôm Bến Tre và 21.900 đồng/kg bơ Booth Cư M’gar. Qua đó, vừa giúp nông dân tiêu thụ nông sản lại giúp người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm với giá cả tốt. 

Theo Bộ Công thương, hiện cả nước đang bước vào giai đoạn bình thường mới nên mọi hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa đều phải thích nghi theo cách mới. Do đó, các đơn vị thuộc Bộ Công thương gồm: Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX thúc đẩy kết nối tiêu thụ hàng hóa nội địa cũng như xuất khẩu. 

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, cục dự kiến sẽ tổ chức 60 phiên tư vấn về các thị trường, khu vực thị trường xuất khẩu, mục tiêu hỗ trợ tối thiểu 600 lượt doanh nghiệp, HTX tiếp cận thông tin; tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo từng khu vực, theo nhóm ngành hàng (trực tiếp kết hợp trực tuyến); quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế…

Tương tự, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ đưa ra các chương trình hỗ trợ địa phương phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, sản phẩm Việt uy tín qua thương mại điện tử, qua Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia đã được triển khai mạnh mẽ từ năm 2020. Thông qua các chương trình này, cơ quan chức năng hy vọng sẽ góp phần kết nối, tiêu thụ nông sản cho các địa phương tại thị trường nội địa và xuất khẩu trong các tháng tới.

Tin cùng chuyên mục