Các ĐB nhìn nhận, vùng ĐBDTTS hiện là vùng 5 “nhất”, gồm điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nhân lực thấp nhất, kinh tế xã hội chậm phát triển nhất, tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
ĐB Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) tán thành đề xuất sau khi Đề án được thông qua sẽ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia mới để thực hiện. Chương trình này cần chú trọng yếu tố phát triển bền vững, bảo tồn được bản sắc dân tộc thiểu số, phát triển du lịch. Chỉ ra nhược điểm của hệ thống 118 chính sách pháp luật về ĐBDTTS đang còn hiệu lực là thiếu sự thống nhất, còn chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn; ĐB Lộc đề nghị giao Uỷ ban Dân tộc làm cơ quan thường trực điều phối để nguồn lực cho công tác này được sử dụng hiệu quả hơn, tránh tình trạng mỗi bộ ngành “nắm” một mảng…
Đánh giá Đề án là “có tính khoa học và thực tiễn”, song ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) lưu ý thêm rằng, Đề án vẫn chưa nhìn nhận đúng mức vấn đề tiếng nói và chữ viết của ĐBDTTS, từ đó công tác cán bộ còn bất hợp lý. Theo ĐB, những cán bộ công chức thành thạo ngôn ngữ dân tộc phải được coi như sử dụng thành thạo một ngoại ngữ và đặc biệt cần thiết cho bộ máy. ĐB Việt cũng cho rằng cần quan tâm nghiên cứu về lịch sử của cộng đồng tất cả 54 dân tộc anh em và thể hiện xứng đáng trong lịch sử đất nước. “Không gian sống của ĐBDTTS đang bị thu hẹp, không đảm bảo cho họ sống được từ rừng. Cần có những giải pháp làm sao để đồng bào sống được từ rừng, gắn bó với rừng; sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo theo quy định của pháp luật”, ĐB Bắc Việt nhấn mạnh.
Nhận định khái quát rằng vùng ĐBDTTS là vùng 5 “nhất”, gồm điều kiện khó khăn nhất, chất lực nhân lực thấp nhất, kinh tế xã hội chậm phát triển nhất, tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, ĐB Y Khut Niê (Đắc Lắc) đồng tình cao với những giải pháp huy động nguồn đầu tư cho vùng này, song cho rằng cần có sự tính toán, phân kỳ đầu tư một cách khoa học, đảm bảo tính khả thi. Ông nói: “Giai đoạn 2021-2025 chiếm 2/3 tổng nguồn lực tài chính, với 234.795 tỷ đồng, còn giai đoạn 5 năm sau đó, 2025-2030 là khoảng 1/3, trên 100.000 tỷ đồng thì đã hợp lý chưa”?
ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) bày tỏ quan tâm đến việc sử dụng đất nông lâm nghiệp trong vùng ĐBDTTS và cho rằng quỹ đất ở đây vẫn còn bị sử dụng không hiệu quả. Theo ĐB, cần đầu tư xứng đáng cho công tác nghiên cứu, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở đây với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có khả năng sử dụng đất.
Còn theo ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) thì hệ thống chỉ tiêu phát triển cho vùng ĐBDTTS cần được thiết kế riêng cho phù hợp với đặc điểm của từng dân tộc. Đề án cũng cần có thêm một hợp phần riêng để giải quyết nhiều vấn đề xã hội của vùng ĐBDTTS về dân số, gia đình, phụ nữ và trẻ em hiện nay, hướng đến phát triển toàn diện “thể lực, tâm lực và trí lực” cho đồng bào.