Khai thác cát dọc sông Đạ Dâng (Lâm Hà, Lâm Đồng): Ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân

Từ nhiều năm nay, hoạt động khai thác cát dọc sông Đạ Dâng (xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) gây ra nhiều hệ lụy đối với môi trường ở khu vực này.

Người dân nơi đây luôn canh cánh nỗi lo khi phải lưu thông cùng xe quá tải. Khu vực khai thác cát ngày càng mở rộng đến sát khu dân cư nhưng không được che chắn, hoàn nguyên an toàn.

Diễn ra công khai

Đường dây nóng Báo SGGP nhận được phản ánh của các hộ dân sinh sống ở thôn R’Teing 1 và R’Teing 2, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà về việc cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi hoạt động khai thác, vận chuyển cát của các doanh nghiệp, cá nhân tại đây.

Đại công trường lởm chởm khai thác cát tại khu vực cầu R’Teing, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng

Đại công trường lởm chởm khai thác cát tại khu vực cầu R’Teing, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng

Qua tìm hiểu của phóng viên, chỉ một đoạn sông ngắn trên địa bàn thôn R’Teing nhưng có tới 5 công ty khai thác cát đang hoạt động hoặc tạm dừng hoạt động, gồm Bảo Nghi, Thông Dung, Năm Hương, Đình Tâm, Kiến Trúc. Trong đơn gửi cơ quan chức năng huyện Lâm Hà, ông Cao Thanh Hải (ngụ thôn R’Teing 2) bức xúc: “Hoạt động khai thác cát trái phép tại R’Teing đã và đang diễn ra công khai, trong thời gian dài, với quy mô lớn nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn”. Cũng theo ông Hải, các đối tượng khai thác cát không chỉ đào xới lật tung đường đi, hệ thống cấp nước của thôn, thậm chí Công ty Kiến Trúc còn cho thiết bị cơ giới ngang nhiên hút cát trên phần đất thuộc vườn cà phê của ông tại thửa đất số 20, tờ bản đồ 50. Trong khi đó, Công ty Năm Hương thì đã lấn tới ranh thuộc thửa đất số 30, tờ bản đồ 50 của gia đình ông, gây ra nguy cơ sạt lở cao.

Ghi nhận tại hiện trường, con đường liên thôn do Nhà nước đầu tư để phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân đã bị hoạt động khai thác cát “gặm” vào tới sát lề đường, để lộ hẳn đường ống dẫn nước phục vụ sinh hoạt của người dân. Những dấu hiệu sụt lún chưa dừng lại vì theo lời người dân, máy móc tại đây lúc nào cũng hoạt động khi vắng bóng lực lượng chức năng.

Còn tại khu vực cầu R’Teing, mỏ cát của Công ty Bảo Nghi đang hoạt động với máy móc vận hành hết công suất, cát hút từ lòng sông và trải qua các khâu sàng lọc, phần nước sau đó đổ thẳng xuống sông. Tại đây xuất hiện nhiều hầm, hố sâu lởm chởm nhưng không có biện pháp che chắn, hoàn nguyên. Khi thấy người lạ vào thôn, các xe tải 3 chân (xe 3 dàn lốp) chở cát - thường có tổng tải trọng nếu chở cát từ 15 đến 20 tấn - đồng loạt tấp vào lề đường, tắt máy án binh bất động, trong khi đường vào các thôn ở đây hạn chế tải trọng trên trục xe chỉ 10 tấn.

Chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản

Ông Hà Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, cho biết: “Chúng tôi có nhận được phản ánh về hoạt động khai thác cát gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Địa phương đã thành lập tổ quản lý khai thác khoáng sản trái phép để tiến hành xác minh, xử lý vụ việc. Năm 2022, xã đã xử lý 5 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân khu vực vườn hoặc lân cận”.

Theo Công an huyện Lâm Hà, qua kiểm tra cho thấy, dù hầu hết doanh nghiệp hoạt động tại khu vực này đều có giấy phép, nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm khai thác cát ngoài ranh được cấp phép. Đơn cử là Công ty Kiến Trúc đã mua đất của nhiều hộ dân rồi khai thác ngoài ranh. Trung tá Nguyễn Duy Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế - Môi trường, Công an huyện Lâm Hà, thông tin: “Đơn vị đã nhiều lần phối hợp với UBND xã Phú Sơn tổ chức kiểm tra việc khai thác cát và phát hiện 4 trường hợp vi phạm, đã bàn giao các vụ việc cho xã xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định. Tuy nhiên, do đây là đường độc đạo nên ngay khi lực lượng chức năng đến đầu thôn thì các đối tượng di dời máy móc rồi tắt máy bỏ đi nên rất khó xử lý”.

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương siết chặt, chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép, tập kết, mua bán, vận chuyển, khai thác khoáng sản không rõ nguồn gốc trên địa bàn. Chủ động triển khai lắp camera giám sát tại những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, đặc biệt là tại các địa bàn, khu vực giáp ranh. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra sai phạm tại địa phương, gây dư luận không tốt trong nhân dân, để báo chí tiếp tục phản ánh.

Tin cùng chuyên mục