Đăng ký thường trú theo Luật Cư trú

Khai thông nhiều vướng mắc

Thủ tục đăng ký thường trú:Điều 21 Luật Cư trú quy định:
Khai thông nhiều vướng mắc

Tiếp sau việc Bộ Công an giới thiệu nội dung và công tác chuẩn bị cho việc triển khai các nội dung quy định mới về Luật Cư trú, sáng 29-6, Thượng tá Võ Văn Nhuận – Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TPHCM đã trả lời trực tuyến với bạn đọc Báo SGGP xung quanh việc đăng ký thường trú tại TPHCM theo quy định mới của Luật Cư trú (có hiệu lực từ ngày 1-7-2007). Trong hơn 100 câu hỏi được bạn đọc gửi đến SGGP Online, hai vấn đề được quan tâm nhiều nhất là điều kiện đăng ký thường trú và quy định về chỗ ở hợp pháp.

Phần lớn trường hợp đều đủ điều kiện

Khai thông nhiều vướng mắc ảnh 1

Hướng dẫn người dân nhập hộ khẩu tại Công an TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Điểm mới trong Luật Cư trú là điều kiện đăng ký thường trú không còn phân biệt giữa thành trị, nông thôn như từ trước đến nay. Người dân có thể đăng ký thường trú ở bất cứ đâu chỉ với hai điều kiện: có chỗ ở hợp pháp và tạm trú tại địa phương đó từ một năm trở lên. Quy định này đã “gỡ” cho nhiều trường hợp mà lâu nay gặp vướng mắc.

Cụ thể như trường hợp của bạn Võ Thị Mỹ Dung ở địa chỉ mail mydungtayninh@yahoo.com. Bạn hỏi: “Tôi tạm trú (KT3) tại TPHCM hơn 10 năm, có công việc ổn định. Dì ruột tôi có nhà ở hợp pháp và muốn cam kết bảo lãnh cho tôi được nhập hộ khẩu vào nhà. Như vậy theo Luật Cư trú, tôi có được nhập hộ khẩu vào TPHCM không?”. Trường hợp của bạn được Thượng tá Võ Văn Nhuận trả lời khẳng định chắc chắn được giải quyết nhập khẩu.

Bạn Nguyễn Tiến Luyện ở địa chỉ mail tramvu1512@yahoo.com cũng là một trong những công dân đủ điều kiện để được nhập khẩu. Bạn nêu trường hợp của mình: “Tôi ngụ tại quận 7, nhưng hộ khẩu ở tỉnh Thái Bình, đã có KT3 ở thành phố từ năm 1998 đến nay (từ 1998-2003 ở tại quận 4, từ 2003 đến nay ở tại 143 Bùi Văn Ba quận 7). Căn nhà tôi ở quận 7 là nhà của chú ruột tôi, đã được cấp sổ hồng (hộ khẩu của gia đình chú tôi cũng tại đây). Tôi làm việc tại doanh nghiệp nhà nước (Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn) từ năm 2000 đến nay, theo dạng hợp đồng không xác định thời hạn. Nay chú tôi làm tờ cam kết bảo lãnh cho tôi ở nhờ và đăng ký thường trú vào căn nhà trên có được hay không?”

Những trường hợp thời hạn KT3 chưa đủ một năm cũng được giải quyết đăng ký thường trú theo quy định mới. Bạn Tịnh Tâm (nhà ở quận 2) đặt vấn đề: “Tôi đã theo học và sống ổn định tại TPHCM gần 10 năm, nhưng chỉ mới đăng ký KT3 chưa đầy 5 tháng. Theo Luật Cư trú mới phải tạm trú trên một năm mới có điều kiện nhập hộ khẩu, tôi có thể xác nhận tạm trú gần mười năm được không?”. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an TPHCM cho biết: Nếu bạn có chỗ ở hợp pháp theo quy định như điều 5 của Nghị định 107/CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú, có xác nhận tạm trú tại TPHCM từ một năm trở lên của công an phường thì sẽ được giải quyết, không nhất thiết KT3 đủ một năm.

Tính đến chiều 28-6, công tác triển khai, tập huấn Luật Cư trú tại các quận, huyện đã được tổ chức. Ngoài cán bộ tiếp nhận hồ sơ, công an các quận-huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai Luật Cư trú đến tận cảnh sát khu vực, khu phố, tổ dân phố… Theo ước tính kể từ sau ngày 1-7-2007 toàn quốc có khoảng 2 triệu người đủ điều kiện nhập hộ khẩu khi triển khai Luật Cư trú. Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh là hai địa phương sẽ có số người được nhập khẩu nhiều nhất. Theo khảo sát ban đầu, TPHCM có 860.000 người đủ điều kiện; trong đó các quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, quận 12 là những khu vực có nhiều người đủ điều kiện nhập hộ khẩu theo Luật Cư trú. Dự kiến số người dân đến liên hệ sẽ tăng đột biến trong những ngày đầu tháng 7-2007, công an các quận, huyện đã bố trí lại khu vực tiếp dân. Đặc biệt, Công an quận Tân Bình đã tăng cường thêm 3 cán bộ tiếp dân để giải quyết những yêu cầu của người dân.

Bạn Trần Đình Khánh nhà ở phường 10 quận Tân Bình hỏi: “Vợ chồng tôi ở chung với cha mẹ tôi. Nay tôi muốn tách hộ khẩu ra riêng thì có được không?”. Thượng tá Võ Văn Nhuận trả lời: Điều 27 Luật Cư trú quy định rõ trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu; người đã nhập vào hộ khẩu quy định tại khoản 3 điều 25 và khoản 2 điều 26 của Luật Cư trú mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản. Thủ tục yêu cầu người muốn tách hộ khẩu xuất trình sổ hộ khẩu, phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (HK02) và ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ.

Vẫn vướng về chỗ ở hợp pháp

Nếu điều kiện “đã tạm trú liên tục từ một năm trở lên” là khá dễ đối với người dân thì điều kiện “có chỗ ở hợp pháp” lại là điểm vướng, khiến nhiều trường hợp không được đăng ký thường trú.

Điển hình là trường hợp bạn Hồ Bông ở quận Tân Bình. Bạn hỏi: “Cha mẹ tôi có hộ khẩu ở TPHCM nhưng không phải là chủ hộ cũng như chưa có nhà ở ổn định. Như vậy tôi có được cha mẹ tôi bảo lãnh nhập hộ khẩu theo Luật Cư trú không?”; và được trả lời: Cha mẹ có hộ khẩu TPHCM nhưng không phải là chủ hộ cũng như chưa có nhà ở ổn định, khoản 2 điều 20 Luật Cư trú quy định phải được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nên bạn không thuộc diện xét giải quyết đăng ký thường trú theo cha mẹ bảo lãnh.

Hay như bạn Trịnh Tuấn Hùng, căn nhà bạn đang sống ở phường Bình Chiểu quận Thủ Đức là nhà không tranh chấp và phù hợp quy hoạch, nhưng vì đang làm thủ tục cấp số nhà và cấp chủ quyền nhà nên trước mắt chưa được làm thủ tục đăng ký thường trú.

Bạn đọc ở địa chỉ mail nguyendoan649@yahoo.com tạm trú liên tục hơn hai năm tại chung cư 727 Trần Hưng Đạo quận 5, tuy nhà có hộ khẩu hợp lệ nhưng do chung cư có hướng di dời vì xuống cấp nên không thuộc diện được đăng ký thường trú.

Bởi lẽ theo khoản 4 Điều 4 Nghị định 107/CP, công dân không đăng ký thường trú khi đến chỗ ở mới trong trường hợp chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng; chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn chiếm trái phép; chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp những người có quan hệ là ông - bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con chuyển đến ở với nhau); chỗ ở bị kê biên, tịch thu để thi hành án, trưng mua theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khai thông nhiều vướng mắc ảnh 2

Phó Tổng biên tập Báo SGGP Võ Hồng Sơn tặng hoa Thượng tá Võ Văn Nhuận tại buổi giao lưu. Ảnh: THÙY VY

Buổi giao lưu trực tuyến diễn ra từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 30 sáng, do thời gian có hạn nên Thượng tá Võ Văn Nhuận chỉ trả lời được 37 câu hỏi của bạn đọc gửi đến.

Theo Thượng tá, những câu hỏi còn lại (chủ yếu là về thủ tục), bạn đọc có thể đến công an quận, huyện nơi mình cư trú để được hướng dẫn trực tiếp.

Đối với một vài câu hỏi đặc biệt khác, Thượng tá cho biết sẽ trả lời tiếp trên Báo SGGP trong thời gian tới.

(Mời bạn click vào đây để xem toàn bộ nội dung buổi giao lưu).

Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

Điều 20 Luật Cư trú quy định công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

1. Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;

2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con - b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột - c) Người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ - d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ, nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ - đ) Người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại;

3- Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;

4- Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.


Thủ tục đăng ký thường trú:
Điều 21 Luật Cư trú quy định:
1- Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:
a- Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại công an huyện, quận, thị xã;
b- Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại công an xã, thị trấn thuộc huyện; công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
2- Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
a- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
b- Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định.
c- Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của luật này.
3- Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

NHÓM PV TS-XH

Tin cùng chuyên mục