
Tại phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 7-5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thẩm tra, UBPLTP tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.
Theo dự thảo luật, nhằm thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được chuyển thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính của địa phương nơi cán bộ, công chức công tác để sắp xếp, bố trí vào vị trí việc làm ở cấp xã mới theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
“Việc liên thông tại thời điểm hiện nay đã đủ độ chín và là yêu cầu cấp thiết để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp”, ông Hoàng Thanh Tùng nhận định.

Bên cạnh đó, UBPLTP cơ bản tán thành việc tiếp tục quy định nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là “kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế”, đồng thời hoàn thiện quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức làm căn cứ tiếp tục đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức; sửa đổi các quy định về đánh giá công chức để có cơ chế sàng lọc trên cơ sở kết quả, sản phẩm cụ thể và xử lý đối với các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.
Quy định của dự thảo luật về một số nội dung mang tính nguyên tắc về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ cũng nhận được sự đồng thuận từ cơ quan thẩm tra, theo đó giao Chính phủ quy định khung chính sách; người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan Trung ương, HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể chính sách để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
UBPLTP cũng nhất trí việc bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức, đồng thời tăng cường cơ chế hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, đảm bảo phân quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực hiệu quả. Đồng thời, cơ quan thẩm tra tán thành quy định một số vấn đề mang tính nguyên tắc về căn cứ xác định, nội dung và phân loại vị trí việc làm công chức; giao Chính phủ quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục xây dựng và thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm để bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ.

UBPLTP cơ bản tán thành quy định của dự thảo luật về đánh giá công chức theo hướng nhấn mạnh việc đánh giá theo kết quả, sản phẩm cụ thể theo từng vị trí việc làm. Kết quả đánh giá là cơ sở để thực hiện chế độ, chính sách và để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp hoặc cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm.