Đề xuất đưa hành vi "quảng bá việc nhẹ lương cao" vào luật để xử lý

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo luật đã triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Đề xuất đưa nhiều hành vi vi phạm vào luật để xử lý

z6576087969536_76a8b2cd3a211fb4cb70436175a00f02.jpg
Quang cảnh phiên họp sáng 7-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, đăng ký lao động và thông tin thị trường lao động có vai trò quan trọng, giúp kết nối cung - cầu lao động, cung cấp thông tin về tình hình việc làm, nhu cầu của thị trường lao động, phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách về việc làm. Tại Khoản 2 Điều 12 Bộ luật Lao động chỉ quy định trách nhiệm về khai trình sử dụng lao động và không thay thế cho đăng ký lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động. Do đó, việc quy định nội dung này tại dự thảo luật là cần thiết.

Trong quá trình tiếp thu ý kiến dự thảo, có ý kiến bày tỏ, giải thích từ ngữ “việc làm công” trong dự thảo luật còn chung chung, khó hiểu, có thể tạo phân cách giữa việc làm tư và việc làm công. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho hay, khái niệm “việc làm công” quy định trong dự thảo luật đã thể hiện rõ đây chỉ là việc làm tạm thời để thực hiện các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn hẹp (cấp xã) khác với việc làm khác không bị giới hạn bởi thời gian làm việc, nguồn vốn và phạm vi thực hiện. Một số ý kiến khác cũng đề nghị trong dự thảo, cơ quan soạn thảo cần bổ sung các hành vi nghiêm cấm cụ thể liên quan đến cơ sở dữ liệu về người lao động.

Có ý kiến cũng đề nghị bổ sung các hành vi "quảng bá việc nhẹ lương cao để có cơ sở xử lý", "dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động để thực hiện những hành vi trái pháp luật", "lợi dụng hoạt động dịch vụ việc làm để đưa người lao động xuất khẩu lao động trái phép ra nước ngoài.

Vốn vay giải quyết việc làm được ủy thác qua ngân hàng xã hội

Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng thông tin, trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật, có ý kiến không đồng ý giao cho địa phương tự bố trí vốn để thực hiện cho vay giải quyết việc làm.

z6576037814537_1ec780a69404b80466e0f44e722903bc.jpg
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: QUANG PHÚC

Việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo luật đã quy định cấp ngân sách Nhà nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm, qua đó sẽ điều hòa vốn cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm đối với địa phương có khó khăn, thu ngân sách thấp là phù hợp. Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã thực hiện ủy thác ngân sách qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm hiệu quả. Do đó, dự thảo luật chỉnh lý quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo hướng nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời bổ sung quy định HĐND cấp tỉnh bố trí vốn ngân sách của địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay giải quyết việc làm nhằm tạo thuận lợi cho việc tăng cường huy động nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, nguồn vốn được ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện việc cho vay, do đó việc dự thảo luật quy định nguyên tắc, trao quyền cho địa phương, tổ chức, cá nhân ủy thác vốn quyết định, lựa chọn đối tượng vay vốn trên nguồn vốn của mình là phù hợp. Điều này cũng giúp mở rộng nguồn vốn vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp nhiều người lao động có thêm sự lựa chọn, dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay hơn.

Tin cùng chuyên mục