Khám bệnh tiểu đường do chất độc da cam: Các cựu chiến binh quá vất vả

Từ trước đến nay, một số bệnh do chất độc da cam gây ra, các địa phương vẫn tổ chức khám, điều trị và trợ cấp. Từ đầu năm 2010 Bộ LĐTB-XH chủ trương mở rộng số bệnh tật do chất độc da cam, trong đó có bệnh tiểu đường, được xem xét để trợ cấp. Nhiều người vui mừng, trong đó có đông đảo cựu chiến binh (CCB). Đáng tiếc việc triển khai quá phức tạp, gây bất bình trong các CCB.

Thứ nhất, hầu hết đều “nghe nói” về chủ trương mới này chứ không có cơ quan nào phổ biến, ngành lao động thương binh không tuyên truyền rộng rãi, không phối hợp với Hội CCB để thông báo, chỉ là người này nhắn người kia rồi cho kê khai, có người từ trong Nam gởi hồ sơ cho đồng đội ở ngoài Bắc và ngược lại. Điều này gây nghi ngờ trong CCB về việc thiếu thiện chí trong việc triển khai.

Thứ hai, là thủ tục quá rườm rà và mất nhiều thì giờ, như tại TPHCM, quá trình này như sau:

1- Đi tìm xin tờ kê khai.

2- Lên trạm y tế phường, xã để xin chỉ dẫn.

3- Lên phòng y tế quận khám bệnh (từ 1 đến 1 ngày rưỡi).

4- Đem hồ sơ nộp phường, xã, chờ đợi 4-6 tháng, có người gần cả năm mới có hồ sơ từ Sở LĐTB-XH gởi về.

5- Đem hồ sơ lên Hội đồng Giám định y khoa TP (đóng lệ phí và chờ nửa ngày).

6- Đến Bệnh viện nguyễn Trãi đóng lệ phí khám 290.000 đồng và đi về mất 7 ngày:

- Ngày thứ 1 khám tim, phổi, lấy mẫu máu lần thứ 1, thứ 2.

- Ngày thứ 2 lấy mẫu máu lần thứ 3.

- Ngày thứ 4 nhận kết quả.

- Ngày thứ 5 mang hồ sơ lên nộp, chờ và có thể sẽ được mời đến khám lại. Như vậy từ Hội đồng Giám định y khoa đến lúc nộp hồ sơ kéo dài hơn 1 tuần mà vẫn chưa có kết luận.

Các CCB (hay cán bộ kháng chiến về hưu) đều có thẻ, có giấy tờ xác nhận. Một số đồng chí bị bệnh tiểu đường đã được điều trị từ nhiều năm nay ở các bệnh viện Thống Nhất, Chợ Rẫy, 175… đều có sổ y bạ và sổ phát thuốc. Vậy tại sao không căn cứ vào hai bằng chứng đó để xác nhận bệnh tật cho các CCB và người tham gia kháng chiến? Chẳng lẽ các bệnh viện đó không đủ tin tưởng cho Hội đồng Giám định y khoa xem xét, phải tổ chức khám lại từ đầu?

Các CCB hầu hết đã già, yếu, phải đi lại khám nhiều lần vừa vất vả vừa tốn kém (tiền xe ôm, taxi, tiền khám bệnh). Một số đồng chí quá yếu không đi khám được, có đồng chí thấy thủ tục nhiêu khê quá đã bỏ cuộc. Có người khám 8 lần, mỗi lần tốn 200.000 đồng tiền taxi mà vẫn chưa xong.

Một chủ trương tốt đẹp nhưng khi triển khai còn nhiều bất cập. Quỹ dành cho nạn nhân chất độc da cam dù khó khăn vẫn không thiếu để lo cho người bệnh, nhưng cách tổ chức lại hạn chế người được hưởng chế độ đó. Chúng tôi rất mong Bộ LĐTB-XH, Sở LĐTB-XH TPHCM quan tâm cải tiến cách khám bệnh để giúp các CCB và người có công với nước đã bị nhiễm chất độc da cam được khám chữa bệnh đơn giản và hợp lý hơn, để họ thấy ấm lòng hơn vì sự quan tâm chân tình của xã hội.

ĐINH PHONG

Tin cùng chuyên mục