Vợ chồng anh Quận, chị Ngọc (nhà ở đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TPHCM) chỉ sinh mỗi cậu con trai. Trong mắt anh chị, bé Quang là vàng là ngọc, không ai sánh bằng. Lẽ tất nhiên, con ruột của mình luôn là số một, dù bé có ra làm sao đi chăng nữa. Nhưng cái sự cưng yêu con của hai người đã vượt ngưỡng. Bé Quang làm cái gì anh chị cũng cho là đúng, là hay, là giỏi.
Cậu bé đã 12 tuổi rồi nên việc vo gạo, nấu cơm (nồi điện) không có gì là đặc biệt cả. Thay vì khuyến khích, động viên con để con có động lực làm những việc lặt vặt trong nhà như là cách tiếp thu vốn sống thì anh chị tung hê con như thần đồng: “Ôi con của mẹ giỏi quá, tuyệt quá. Những đứa trẻ bằng tuổi con chưa chắc gì biết vo gạo, nấu cơm thuần thục thế này”; “Quét nhà như thế là rất chuyên nghiệp đấy. Ngày xưa bằng tuổi con, ba chưa cầm đến cây chổi lông gà quét bụi nói gì đến chuyện quét nhà”... Trong những lần có khách, anh chị luôn đem con mình ra khoe với bạn bè, rằng cháu đã “Làm được những điều phi thường”. Dù không nói ra nhưng những vị khách tỏ vẻ không hài lòng về cách dạy, khen con của bạn mình.
Do được ba mẹ khen lấy khen để trong một thời gian dài nên bé Quang không biết điểm dừng của mình. Từ đấy bé luôn tìm cách khẳng định bản thân để được ba mẹ khen. Một lần, Quang lén lấy chìa khóa xe gắn máy của ba mở khóa rồi đề máy. Do không làm chủ được xe ga, phóng tay quá trớn, xe tông vô bức tường. Cũng may Quang đã đội nón bảo hiểm nên chỉ xây sát nhẹ. Cậu bé dự tính lái xe để được ba mẹ khen là đặc biệt, tài giỏi hơn chúng bạn đồng trang lứa nhưng nào ngờ có kết cục… chấn thương.
Tuấn là cậu bé được sống trong cảnh xa hoa ngay từ lúc lọt lòng mẹ. Ba mẹ của Tuấn - anh Phong và chị Quỳnh (nhà ở đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú, TPHCM) - là dân kinh tế, có công ty riêng, việc làm ăn đang trên đà phát triển nên không tiếc bất cứ thứ gì với con mình. Đặc biệt là họ hay treo thưởng. Cứ thấy Tuấn làm được việc gì gọi là có ích thì cả hai thay nhau khen con, “người hát người bè”, kèm theo một phần thưởng “khích lệ” nhưng rất là giá trị. 13 tuổi - cái tuổi tự giặt đồ cho chính mình không có gì gọi là bất ngờ. Vậy mà hai vợ chồng ngạc nhiên như thể cậu bé làm điều gì to tát: “Con giỏi quá đi. Mẹ cần phải thưởng cho con thứ gì đó xứng đáng mới được”. Ngay trong ngày, Tuấn nhận được chiếc đồng hồ trị giá gần 5 triệu đồng, dù rằng bộ sưu tập đồng hồ của cậu không dưới 10 chiếc.
Dần dần mức độ đòi hỏi của cậu “nặng đô” hơn. Có lần, sau khi trồng cho ba mình chậu phát tài, khi anh Phong hỏi: “Con muốn quà gì nào?”, thì cậu nói ngay mình thích chiếc Raider. Khi anh Phong giải thích rằng con chưa đủ tuổi lái xe gắn máy thì Tuấn giận dỗi bỏ ăn, bỏ học. Phải khó khăn lắm, vợ chồng anh Phong mới giúp con hiểu ra vấn đề. Ấy là nhờ nhà trường, ông bà hai bên và những người bạn tốt chung lớp.
Khen con khi con làm điều hay, điều tốt là rất cần thiết. Bởi trẻ con cần những lời nói ngọt ngào, ân cần để làm động lực khích lệ tinh thần phấn đấu cho những lần sau. Tuy nhiên không vì thế mà tâng bốc, tung hê con mình “trên mây” khiến cho trẻ ngộ nhận rằng bản thân đang có tài thực sự, nổi trội hơn bạn bè. Từ đó trẻ dễ ảo tưởng, tự cao, tự phụ, cứ nghĩ mình hơn hẳn người khác mọi mặt. Vì thế cần phải khen con sao cho khéo léo để vừa khích lệ vừa giúp trẻ hiểu ra giá trị của một việc tốt vừa làm.
Chẳng hạn khi trẻ làm được một việc (dù bình thường hay phi thường) thì cũng nên dừng lại ở mức khích lệ: “Con đã làm được một việc tốt, đáng trân trọng. Cố gắng lên nhé con. Còn nhiều vấn đề khó khăn hơn ở phía trước chờ con giải quyết. Phải không ngừng phấn đấu, chăm chỉ để làm những việc tốt hơn”. Tuyệt đối không được treo thưởng, nhất là những món quà có giá trị mà chỉ nên tặng tượng trưng, mang ý nghĩa tinh thần, hoặc có ích cho việc học của con như sách, vở, giày, dép...