Ý kiến:

Khi trách nhiệm bị buông lỏng

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về việc đảm bảo an toàn PCCC cao điểm mùa khô năm 2010, lãnh đạo các quận huyện trên địa bàn TP đã tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành luật PCCC tại cơ sở. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, nhiều nơi vẫn còn buông lỏng trách nhiệm quản lý địa bàn dẫn đến việc chấp hành an toàn PCCC chưa nghiêm túc.

Cùng đoàn kiểm tra đi thực tế tại một số địa điểm trên địa bàn quận 7, chúng tôi phát hiện còn nhiều bất cập. Khi kiểm tra phương tiện PCCC tại phường A thì lãnh đạo phường báo cáo là để bình chữa cháy ở chỗ khác. Tìm được bình, đoàn kiểm tra yêu cầu thực hành bình chữa cháy thì mới phát hiện bình đã hết khí. Tương tự là khi khởi động máy bơm, máy không chạy. Đoàn cũng đã đến kiểm tra việc đảm bảo an toàn PCCC tại một số khu nhà trọ trên địa bàn quận 7. Tại phần lớn khu nhà trọ, bình chữa cháy được chủ nhà cất rất kỹ vì… sợ treo bên ngoài bọn trộm lấy mất…(?!)

Qua kiểm tra cho thấy, một số nơi vẫn chưa chú trọng việc huấn luyện, đào tạo lực lượng PCCC tại cơ sở. Nơi có thành lập thì lực lượng còn mỏng và yếu về chuyên môn. Đó là chưa kể đến trang thiết bị ở nhiều nơi còn quá sơ sài hoặc chỉ trang bị cho có chứ không quan tâm đến việc bảo dưỡng máy móc, thiết bị chữa cháy. Một thực tế khác khi chính các cơ quan kiểm tra an toàn PCCC cũng phải coi trọng công tác tự kiểm tra PCCC tại đơn vị mình, vì nếu chúng ta không chấp hành nghiêm thì còn kiểm tra, nhắc nhở được ai?

Rõ ràng, kinh phí của các quận huyện đầu tư vào máy móc, nhân sự phục vụ công tác PCCC tại cơ sở tuy chưa nhiều nhưng vẫn cố gắng đảm bảo đủ. Cái thiếu là thiếu sự sâu sát với cơ sở và thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp trong việc chủ động thực hiện các phương án, kế hoạch cụ thể cho công tác PCCC. Muốn khắc phục điều đó, giữa các ban ngành cần tăng cường trách nhiệm của mình hơn nữa, liên kết chặt chẽ hơn nữa trong việc thực hiện, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn PCCC nhằm hạn chế thấp nhất các sự cố về cháy nổ có thể xảy ra.

Hoàng Hoa

Tin cùng chuyên mục